BÀI ĐỌC I: Ðnl 26, 16-19
Môsê đã nói với dân chúng rằng: “Hôm nay Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho ngươi phải thi hành các lề luật và các huấn lệnh này; ngươi phải tuân giữ và thực thi các điều đó hết lòng và hết tâm hồn. Hôm nay ngươi đã chọn Chúa làm Thiên Chúa, thì hãy bước đi trong đường lối Người, tuân giữ các lề luật, giới răn và huấn lệnh của Người; hãy vâng lệnh Người. Hôm nay Chúa đã chọn ngươi làm dân riêng Chúa, như Người đã phán với ngươi, thì ngươi hãy tuân giữ mọi giới răn của Người. Người sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Người đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi, như Người đã phán”.
PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.
Suy Niệm 1: VỚI HẾT LÒNG (WITH ALL YOUR HEART)
Thiên Chúa chọn dân, dân chọn Ngài – và đó là Giao ước! Nhưng chọn Thiên Chúa nghĩa là gì? Là chọn sống theo đường lối giáo huấn của Ngài với hết tâm hồn! Một lần nữa, chúng ta để ý tính triệt để trong diễn ngôn ‘với hết tâm hồn’. Ta không xa lạ với kiểu nói “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức”… Ta chỉ cần dừng lại để cho phép đòi hỏi cực cao ấy của Chúa thấm nhuần sâu hơn trong tâm trí mình.
Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu âm vọng mạnh mẽ tính triệt để của giáo huấn mà Người trao cho các môn đệ. “Anh em nghe dạy rằng…, còn Ta, Ta bảo anh em…” Phải tốt hơn nhiều so với cái tốt tự nhiên như có thể thấy nơi những người tội lỗi và nơi dân ngoại (chẳng hạn, yêu kẻ yêu thương mình, làm ơn cho kẻ cư xử tốt với mình)… Phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người chống lại mình – nói tóm lại, phải “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Ðấng hoàn hảo”!…
Nhiều khi chúng ta thấy ngán và ngại, vì Chúa… đòi hỏi cao quá! Nhưng hãy nghĩ đi, ta muốn theo một thứ đạo chất lượng cao hay là một thứ đạo rẻ tiền? Ngay ở đầu Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức thánh cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa không muốn ta hài lòng với một đời sống nhạt nhẽo và xoàng xĩnh. Thiên Chúa muốn chúng ta, như Abraham, bước đi trước mặt Ngài và sống hoàn hảo!
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì con bất xứng mà Chúa vẫn không ngại kêu gọi con nên hoàn hảo. Xin cho con dám khát khao nên hoàn hảo như lòng Chúa ước mong…
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………….
Suy Niệm 2: SỐNG TRUNG THÀNH VỚI LỜI CAM KẾT
Ai trong chúng ta cũng đã từng ký hợp đồng khi đi làm việc. Những người lập gia đình thì “ký hợp đồng với nhau” trong ngày cưới. Còn những người đi tu thì “ký hợp đồng với Chúa” trong ngày tuyên khấn hoặc chịu chức. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe việc ký kết “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel. Giống như tất cả các bản hợp đồng khác, hợp đồng giữa Thiên Chúa và dân Israel cũng gồm có những điều kiện mà hai bên phải thực hiện, đồng thời những lợi ích mà hai bên sẽ hưởng.
Bản “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel bắt đầu với những lời khuyến dụ chân thành rằng dân Israel phải đem ra thực hành tất cả những điều kiện trong bản “hợp đồng”: “Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy” (Đnl 26:16). Một bản hợp đồng bị phá huỷ là bản hợp đồng được ký kết nhưng không được thực hiện. Thiên Chúa nhắc nhở dân Israel lưu tâm điều này vì Ngài biết họ là “dân cứng cổ cứng đầu” (x. Xh 32:9).
Phần kế tiếp của bài đọc 1 trình bày nội dung hay điều kiện của hai bên: về phía Thiên Chúa, Ngài sẽ là Thiên Chúa của dân Israel; còn về phía dân Israel, họ “phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người” (Đnl 26:17). Chúng ta thấy có ba điều kiện mà dân Israel phải thực hiện; và ba điều kiện này được diễn tả trong ba động từ [hay ba hành động]: đi theo, tuân giữ và nghe tiếng Thiên Chúa. Đây cũng chính là ba hành động mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài và mỗi người chúng ta thực hiện trong từng giây phút sống. Trong ba hành động này, hai hành động sau hiện thực hoá hành động đầu: Dấu hiệu một người đi theo đường lối Thiên Chúa là tuân giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh và quyết định của Ngài và nghe tiếng Ngài. Nói cách khác, người đi theo Thiên Chúa là người lắng nghe và tuân giữ [đem ra thực hành] lời của Ngài.
Bản hợp đồng kết thúc với lợi ích mà dân Israel sẽ nhận được khi họ thực hiện các điều kiện của hợp đồng; đó là, Thiên Chúa “sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như Người đã phán” (Đnl 26:19). Chúng ta thấy trong bản hợp đồng này không nói đến lợi ích về phía Thiên Chúa. Như vậy, bản hợp đồng này xét về phía lợi ích thì nó chỉ có một chiều. Đây là điều chúng ta cảm nghiệm trong đời sống thường ngày. Chúng ta đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa như ân ban. Đôi khi chúng ta làm được một vài việc tốt và chúng ta nói là làm để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng xét lại chúng ta thấy vinh quang đó được gán cho mình nhiều hơn. Có mấy người trong chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi một người thân hoặc một người khác thành công! Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta tôn vinh người đó nhiều hơn và cảm thấy hãnh diện về họ, còn Thiên Chúa thì bị lãng quên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy những điều kiện trong bản hợp đồng của Thiên Chúa và dân Israel trong bài đọc 1 được thay đổi bằng những điều kiện mà Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ của Ngài, là dân Israel mới. Chúng ta tìm thấy sự tương phản giữa hai bản điều kiện được diễn ta trong những từ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng” và “còn Thầy, Thầy bảo anh em.” Thánh Mátthêu cho chúng ta hay rằng điều kiện chính của hai bản hợp đồng là yêu thương, nhất là yêu thương người khác: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:43-44). Tuy nhiên, một chi tiết mới được đưa vào trong bản hợp đồng mới, đó là, điểm quy chiếu hay tiêu chuẩn của yêu thương.
Theo Chúa Giêsu, tiêu chuẩn của yêu thương chính là Thiên Chúa, chứ không phải con người. Sự hoàn thiện trong tình yêu mà chúng ta phải đạt đến chính là sự hoàn thiện có tiêu chuẩn là Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Ở đây, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta kết quả của việc thực hành ba điều kiện của bản hợp đồng: đi theo, tuân giữ và lắng nghe Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên như Thiên Chúa. Nếu chúng ta chưa trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa mỗi ngày, thì biết rằng chúng ta đang có vấn đề trong việc thực hành ba điều kiện trên: có thể chúng ta không đi theo nên không tuân giữ và lắng nghe; cũng có thể chúng ta đi theo nhưng không tuân giữ và lắng nghe; và cũng có thể chúng ta không lắng nghe nên không đi theo và tuân giữ. Hãy tìm cách chữa trị thích hợp khi khám phá ra căn bệnh của mình!
Điểm thứ hai làm chúng ta suy gẫm là lợi ích mà các môn đệ được lợi từ bản hợp đồng. Trong bản hợp đồng cũ, dân Israel chỉ được trổi vượt mọi dân tộc và trở thành “thần dân” của Thiên Chúa. Còn trong bản hợp đồng mới, Dân Israel mới sẽ trở nên con cái Thiên Chúa: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5:45). Tuy nhiên, để được lợi ích này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ của Ngài rằng: khi đã đi theo Ngài, đã ký hợp đồng với Ngài thì hành động và lối sống của họ cũng phải khác với những người khác: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46-47). Điều này cảnh tỉnh chúng ta về lối sống và cách hành xử của mình. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi sống đúng với căn tính là con cái của Thiên Chúa. Nếu là một Kitô hữu, hãy là một Kitô hữu tốt và lương thiện; còn nếu là một người thánh hiến cho Thiên Chúa, hãy là một người thánh thiện. Đừng bắt chước lối sống của người khác để rồi không còn sống như mình được Thiên Chúa mời gọi để sống.
Lm. Anthony, SDB.
…………………………….
Suy Niệm 3: Hãy yêu thương kẻ thù
- Để sống hoàn thiện theo gương Thiên Chúa là Cha trên trời, Đức Giêsu dạy các môn đệ không những không được báo thù (Mt 5,38-42), mà còn phải yêu thương kẻ thù nữa.
Trong bài Tin Mừng Đức Giêsu dạy các môn đệ một cách sống cao hơn : “Các ngươi đã nghe dạy hãy yêu thương thân nhân và hãy thù ghét kẻ thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi”.
Lý do chúng ta phải yêu thương kẻ thù là : ”Các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi ngự trên trời là Đấng hoàn hảo”.
- Tác giả sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ như sau :”Bác ái yêu thương là tu đức liên lỉ : tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan. Tất cả con người của con cũng vậy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu. Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết lên đó đức tính của người mà con bất bình, con sẽ thấy rằng họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ đâu. Con đừng muốn biết quá khứ của anh em, nhưng hãy chỉ muốn biết hiện tại của anh em để khuyến khích nâng đỡ nhau. Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm Nước Chúa, là tin vào tình yêu và vào Lời Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người ngay trong giây phút này”.
- Mahatma Gandhi, vị cha già của dân tộc Ấn độ, người đã tranh đấu bất bạo động, đòi người Anh phải trao trả độc lập cho dân tộc ông, đã thực hiện đúng Lời Chúa :”Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em”, chính ông đã phát biểu :”Thế giới đã mệt mỏi vì sự giận ghét hận thù. Tôi cảm thấy không thể nào chất chứa trong lòng sự căm hờn thù ghét đối với bất cứ một tạo vật nào. Nhờ sự huấn luyện lâu năm trong việc tự chủ và cầu nguyện từ hơn 40 năm nay, tôi chấm dứt được sự giận ghét và oán thù đối với bất cứ người nào”.
- Cicéron, nhà hùng biện nổi tiếng ngày xưa đã nói :”Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”, vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để rồi tự tiêu diệt lấy chính mình.
Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự hủy hoại mình.
Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa hận thù. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.
- Trong đòi hỏi yêu thương kẻ thù, giai đoạn đầu tiên là yêu thương mọi người, không trừ ai. Giai đoạn thứ hai phát xuất từ giai đoạn một : một khi đã yêu thương mọi người không trừ ai, tất phải yêu thương cả kẻ thù nghịch là những người cố ý hay vô tình làm hại ta. Nếu làm được như thế là đã cố gắng trở thành toàn thiện như Cha trên trời toàn thiện.
Mức độ tình yêu đối với tha nhân :
– Yêu người như người yêu mình , là công bằng.
– Yêu người như Chúa yêu mình, là luật bác ái.
– Yêu người như Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau đó là mẫu gương tình yêu hiệp nhất.
- Thường tình ai cũng yêu những người gần gũi, thân thuộc với mình, còn kẻ thù thì không yêu được, như vậy là hợp lẽ phải và công bằng. Nhưng Thiên Chúa đòi chúng ta tiến xa hơn. Đức Giêsu đòi ta mở rộng tâm hồn, kéo dài tầm nhìn vượt qua phạm vi bạn hữu, gia đình, thân cận, phe nhóm của ta.
Chúa muốn dạy chúng ta không những phải sống theo lẽ phải mà còn vượt trên lẽ phải. Bình thường chúng ta yêu bạn ghét thù, nhưng Chúa dạy chúng ta yêu bạn yêu thù, tức là Chúa dạy chúng ta đối xử với mọi người không có điều kiện nào cả, dù người đó tốt hay xấu, bạn hay thù. Chúa đưa ra ví dụ mặt trời và mưa rơi làm sáng tỏ vấn đề này.
- Truyện : Vua Louis XII tha thứ.
Khi Louis XII được tấn phong ở Reims, ông truyền đem lại danh sách của tất cả các kẻ thù nghịch ông, nhất là những kẻ chống đối ông khi ông còn là công tước xứ Orléans. Khi đọc qua danh sách, ông đánh dấu thập đỏ bên cạnh một số tên, nhất là tên của những kẻ mà chúng ta vừa nói ở trên. Những người vô phúc không được lòng sủng ái của vua đâm hoảng sợ khi biết rằng không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị thanh trừng. Do đó, họ tìm cách lẩn tránh khỏi triều đình. Khi được báo cáo lý do rút lui của những người này, vua Louis XII cười rộ lên và truyền gọi tất cả họ lại. Cơn sợ hãi của họ càng tăng lên bội phần.
Nhưng nhà vua nói với họ :”Ta ngạc nhiên về sự rút lui bất chợt của sự đào thoát này của các nguoi. Ta không hề bao giờ có ý hại các ngươi : Vị Vua nước Pháp không can dự gì vào các tranh chấp của công tước xứ Orléans. Hơn nữa, dấu thập đỏ mà ta đánh dấu bên cạnh tên của các ngươi thay vì kích thích ta trả thù các ngươi, thì lại khuyến khích ta khoan dung. Đúng thế, ta phải tha thứ các lỗi lầm mà các ngươi đã làm cho ta, như Đức Giêsu Kitô trên cây thập giá đã xin Cha Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người”.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt