BÀI ÐỌC I: Hc 1, 1-10
Mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người và có từ trước muôn thuở. Ai đếm được cát biển, giọt mưa và số ngày từ muôn đời? Ai đã đo được trời cao, đất rộng và biển sâu? Ai có thể khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước muôn vật? Sự khôn ngoan được tác tạo trước muôn loài, và trí khôn được dựng nên từ vạn kiếp. Nguồn mạch sự khôn ngoan là lời Thiên Chúa trên các tầng trời, và lối vào sự khôn ngoan là các giới răn vĩnh cửu. Căn nguyên sự khôn ngoan được mạc khải cho ai? Ai hiểu biết được mưu toan của sự khôn ngoan? Luật lệ khôn ngoan đã được mạc khải và tiết lộ cho ai? Và ai thấu triệt được trăm ngàn đường lối của nó? Chỉ có một Ðấng Tối Cao là Ðấng Tạo Thành toàn năng, là Vua uy quyền và rất đáng kính sợ, Người ngự trên toà sự khôn ngoan và là Thiên Chúa thống trị. Chính Người đã tạo thành sự khôn ngoan trong Thánh Thần, Người đã nhìn xem, tính toán và đo lường. Người đã đặt nó trên mọi công trình của Người, trên mọi sinh linh tuỳ lòng rộng rãi của Người, Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người.
PHÚC ÂM: Mc 9, 13-28
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông. Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến. Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên. Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.
Suy Niệm 1: KHÔN NGOAN!
Thánh Bênađô, nhà cải cách đời sống đan tu thế kỷ 12 và là một khuôn mặt sáng giá trong lịch sử linh đạo Kitô giáo, đã nói về khôn ngoan không như một nhân đức giữa các nhân đức khác, mà đó là sự hướng dẫn, điều hợp các nhân đức. Không có sự khôn ngoan, các nhân đức sẽ gây hại!
Tác giả sách Huấn ca nhận thức nguồn mạch mọi sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa. Và Thiên Chúa ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Ngài. Câu chuyện về Salômôn còn cho chúng ta thấy rằng ‘những ai yêu mến Thiên Chúa’ ở đây chính là những ai ‘có tâm hồn biết lắng nghe’ Lời Thiên Chúa. Nhà vua đã cầu nguyện “xin cho tôi tớ Chúa một tâm hồn biết lắng nghe”…
Lắng nghe Lời Chúa, vì thế, chính là ‘triết học’ (filosofia) đúng nghĩa nhất, là ‘yêu mến sự khôn ngoan’ chân thực và nền tảng nhất. Chúng ta học loại ‘triết học’ này mỗi ngày trong Thánh lễ, trong cử hành các Bí tích, trong Kinh Phụng vụ, trong cầu nguyện cá nhân, nhất là Lectio Divina… miễn là chúng ta không chỉ nghe cách trôi tuột, mà thật sự toàn tâm toàn ý lắng nghe tiếng Chúa!
Chúa Giêsu là LỜI thần linh, là chính sự KHÔN NGOAN của Thiên Chúa trở nên hữu hình trong mầu nhiệm Nhập thể. Gặp gỡ, lắng nghe và tin vào Chúa Giêsu, ta sẽ ở trong sự Khôn Ngoan đích thực. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta thường nhận ra rằng mình chưa TIN vào Chúa Giêsu nhiều lắm, do đó chúng ta còn xa lạ với sự Khôn Ngoan mà Chúa đã dạy rất rõ ràng trong Phúc Âm, như Các Mối Phúc, như yêu kẻ thù, như thứ tha vô điều kiện và vô giới hạn, như vác thập giá mình mà theo Chúa…
Hãy lắng nghe Chúa đang nói với chính chúng ta: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa?”… Và hãy nghe rõ tiếng thở dài của Đấng là sự Khôn Ngoan sau những lời não nuột ấy…
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………………
Suy Niệm 2: CẦU NGUYỆN LÀ VŨ KHÍ CHỐNG LẠI MA QUỶ
Chúng ta bắt đầu nghe bài đọc 1 từ sách Huấn Ca. Sách Huấn Ca là một trong những sách dài nhất trong Kinh Thánh. Nó chứa đựng phần lớn văn chương khôn ngoan của dân Do Thái. Tựa đề của sách mang tiếng Hípri là “Sự Khôn Ngoan của Yeshua [Jesus] ben [con của] Eleazar ben Sira.” Sách được dịch sang tiếng Hy Lạp là “Sirach” hoặc “Ecclesiasticus” [có thể có nghĩa là “Giáo Hội”]. Theo các học giả Kinh Thánh, tác giả của sách Huấn Ca là Ben Sira, sống khoảng thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Ông ta là người ở Giêrusalem, tận hiến cuộc đời cho việc nghiên cứu và học hỏi Lề Luật, Ngôn Sứ và trở thành nhà thông luật và bậc thầy rất được kính trọng. Ông viết sách Huấn Ca với mục đích chứng minh rằng lối sống của người Do Thái thì cao cả và đáng ca ngợi hơn văn hoá Hy Lạp. Nói cách khác, ông ta muốn chứng minh rằng, sự khôn ngoan đích thật chỉ có thể được tìm thấy ở Giêrusalem, chứ không phải ở Athen. Vì vậy, những người Do Thái chân thật không nên chiều theo cám dỗ sống theo lối sống của người Hy Lạp. Điều này nhắc nhở chúng ta, những người Kitô hữu rằng: Sự khôn ngoan chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô, và nếu là người môn đệ chân thật của Ngài, chúng ta không nên chiều theo cám dỗ để sống lối sống không xứng hợp với bậc sống của mình.
Trong bài đọc 1 hôm nay, Ben Sira trình bày cho chúng ta nguồn gốc của sự khôn ngoan: Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1:1). Ai trong chúng ta cũng muốn được khôn ngoan. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan trong sách vở, hoặc tốn nhiều tiền để mời những người có học thức và khôn ngoan hầu mong cũng học được một ít khôn ngoan từ họ. Nhưng càng tìm sự khôn ngoan nơi người đời, mà không tìm khôn ngoan nơi Đức Chúa, thì sự khôn ngoan của chúng ta sẽ chóng tàn vì sự khôn ngoan của con người cũng chỉ là kết quả của việc quan sát sự tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ. Nói cách khác, khôn ngoan của con người cũng chỉ là sự chia sẻ trong sự khôn ngoan của Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật: Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình, nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người” (Hc 1:8-10). Như vậy, muốn được khôn ngoan, hãy chìm sâu trong đại dương của tình yêu Thiên Chúa, trong cầu nguyện. Đây chính là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay.
Trích đoạn của Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu chữa lành một đứa trẻ bị quỷ câm ám. Câu chuyện này đáng lưu ý vì nó dài và được kể lại cách chi tiết. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Mátthêu (17:14-21) và Luca (9:37-43a). Câu chuyện bắt đầu với các câu 14-19 và kết với các câu 28-29 với sự tập trung vào việc các môn đệ không có khả năng để chữa lành đứa trẻ; ở giữa câu chuyện (9:20-27), người cha và cậu bé là những nhân vật chính. Trọng điểm của câu chuyện là cuộc đối thoại giữa người cha với Chúa Giêsu (9:21-24) mà chúng ta chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô. Lời tuyên xưng đức tin của người cha dần xuất hiện như là yếu tố cần thiết trong tiến trình chữa lành. Việc các môn đệ không có khả năng để thực hiện việc chữa lành cuối cùng được giải thích với sự quy chiếu về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa (9:29).
Câu chuyện được đặt ngay sau biến cố Chúa Giêsu biến hình và câu hỏi về Elia (9:1-13). Khi Chúa Giêsu “và ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông” (9:14). Nội dung của cuộc tranh luận giữa các kinh sư với chín môn đệ còn lại của Chúa Giêsu là việc các môn đệ không có khả năng chữa lành cậu bé bị quỷ ám: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (9:17-18). Chi tiết đáng lưu ý ở đây là khi Chúa Giêsu ‘không ở chung với họ,’ các môn đệ không thể thực hiện việc chữa lành. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc liên lỉ kết hợp với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn thực hiện những việc Chúa Giêsu làm. Đứng trước sự bất lực của các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ khiển trách các ông, mà khiển trách cả ‘thế hệ’ cứng lòng tin: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi” (9:19). Trong những lời này, Chúa Giêsu một cách mặc nhiên nói về tầm quan trọng của đức tin như là điều kiện cần thiết cho tiến trình chữa lành mà sẽ được vén mở trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người cha. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:
Chúa Giêsu: Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?
Người cha: Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.
Chúa Giêsu: Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.
Người cha: Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!
Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy nơi đức tin của người cha có chứa đựng một sự ‘không chắc chắn,’ tức là chưa hoàn toàn phó thác và tin tưởng. Điều này được diễn tả trong lời ‘nhưng nếu Thầy có thể làm được gì.’ Chúa Giêsu không nói với ông ta là Ngài có thể hay không có thể, mà Ngài nói ‘mọi sự đều có thể đối với Người tin.’ Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với người cha rằng những người tin sẽ nhận biết Ngài có thể làm được hết mọi sự. Chính vì lời này mà người cha nhận ra rằng mình vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu nên xin Ngài giúp cho lòng tin yếu kém của ông. Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, nhiều lần chúng ta không hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. Niềm tin của chúng ta vẫn pha lẫn với yếu tố không chắc chắn và nghi ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm nhường xin Chúa Giêsu giúp cho niềm tin yếu kém của chúng ta.
Câu chuyện kết thúc bằng việc tập trung lại về các môn đệ. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta nhận ra câu chuyện được bắt đầu với Chúa Giêsu và các môn đệ và kết cùng một cách thức như thế. Đây là lối viết ‘bánh mì kẹp’ quen thuộc. Như thế, câu chuyện này nói về tình trạng của các môn đệ, cụ thể hơn là niềm tin của các môn đệ vào Chúa Giêsu. Họ vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Ngài, vì vậy họ không thể thực hiện những điều mà Ngài sai họ đi thi hành, nhất là việc chữa lành. Với những lời “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (9:29), Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa trong tất cả những gì mình làm. Trong cuộc sống, chúng ta có hoàn toàn dựa vào ơn Chúa để thi hành những công việc thường ngày của chúng ta không?
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………………….
Suy Niệm 3: Chúa chữa người động kinh
- Tin mừng kể lại việc Đức Giêsu chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì là đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Đức Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xẩy ra là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Đức Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự, hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu yêu thương và muốn chữa con người khỏi mọi bệnh tật; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi hỏi phải có đưc tin.
- Một ông tướng quyết định tấn công, cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.
Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói :”Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi đó”.
Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.
Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân :”Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh”
Tướng quân trả lời :”Rất đúng”, và cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa”(Góp nhặt).
- Quả thật, đức tin và đời sống cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện. Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng không có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy chẳng bao lâu sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.
Không gì bất hạnh bằng khi không có niềm tin trong cuộc sống. Thế nên, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với một phóng viên :”Muốn có đức tin ông phải cầu nguyện”. Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban bởi trời.
Đức tin không là kết quả của cuộc tìm kiếm. Triết gia Blaise Pascal đã có lần nói : “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quì gối xuống và cầu nguyện”.
- Một tác giả khuyết danh đã viết một câu chuyện thú vị có tên “Đại hội Satan” (Lm Phan Quang SDV dịch, nguồn internet) để nói về phương cách cám dỗ. Mục tiêu Đại hội này nhắm tới là đưa ra kế sách cám dỗ con người thời nay. Phương án tối ưu được Đại hội nhất trí thông qua là “Phải tìm cách cướp đi thời giờ của đám đồ đệ Giêsu – Làm thế nào, chúng nó sẽ không còn thời gian để mà thể nghiệm Giêsu trong cuộc sống của nó nữa”. Điều mà Đại ca Satan muốn các tiểu quỷ phải làm : Dụ dỗ nó tiêu tiền… để rồi phải bận rộn với các kế hoạch kiếm tiền; đổ đầy tâm trí tụi nó những tin tức tiêu cực hầu gây kích động, và dùng những thứ văn hóa đồi trụy để đẩy chúng đến chỗ ăn chơi bạt mạng… Theo nhận định của Đại ca Satan: “Nếu như chúng nó và Giêsu một khi đã thiết lập quan hệ thì khả năng chống chế của chúng ta kể như đi đoong. Đến lúc đó, chúng ta sẽ sập tiệm”.
Sự ác đang lan tràn và nhiều người bất lực trong việc chống trả, kể cả các Kitô hữu. Ngày xưa các Tông đồ cũng đã đương đầu với khó khăn này :”Tại sao chúng con đây không trừ nổi tên quỉ ấy” ? Giải pháp của Chúa là :”Chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (5 phút Lời Chúa).
- Các Tông đồ không trừ được quỷ, không phải vì quyền năng trước đó Đức Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình,
Theo đoạn kết Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ này bằng lời cầu nguyện, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hợp với Người qua đời sống cầu nguyện.
Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ vào sức riêng mình để làm phép lạ vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin. Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Đức Giêsu nhắc cho chúng ta rằng , quỷ chỉ sợ cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là chúng ta đang dùng lấy sức mạnh của Chúa mà làm cho ma quỉ khiếp đảm.
- Truyện : Hãy ăn chay và cầu nguyện.
Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được đạo đức, thánh thiện. Thánh nhân trả lời :
– Ngài đã làm gì rồi ?
Cha kia đáp :
– Con đã tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu… Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối.
Thánh Vianney hỏi lại :
– Thế cha đã ăn chay cầu nguyện chưa ?
Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực lả chưa.
– Vậy cha hãy về ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn, xứ đạo cha sẽ biến đổi.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt