spot_img
Thêm

    Thứ Sáu, tuần 6/TN

    BÀI ĐỌC I: St 11, 1-9

    Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”. Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là “Babel”, vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu.

    PHÚC ÂM: Mc 8,34-39

    Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”. Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”.

    Suy Niệm 1: BÀI HỌC TỪ CÂU CHUYỆN THÁP BABEL

    Câu chuyện về ông Noe rồi về tháp Babel cũng đầy tính biểu tượng. Ông Noe và gia đình được cứu qua nạn Hồng thủy, được Chúa truyền hãy sinh sôi nảy nở… Nhưng tội lỗi cũng nảy mầm và sinh sôi, dẫn đến việc xây tháp Babel cao ‘tới trời’. Đừng thắc mắc làm sao gạch đất nung mà xây cao chọc trời được. Cũng đừng thắc mắc vì sao xây tháp cao chọc trời lại là một tội. Chỉ cần nghĩ đó là cách diễn tả về THÁI ĐỘ CAO NGẠO, không cần biết trên đầu mình có ai. ‘Cao tới trời’ là tham vọng muốn bằng Thiên Chúa, không khác việc nguyên tổ ngày trước đã ăn trái cây để mong bằng Thiên Chúa trong việc ‘biết lành biết dữ’!

    Thế là lại lộn xộn, lần này Chúa không tiêu diệt như hồi nạn Hồng thuỷ, nhưng Chúa làm cho ngôn ngữ con người khác biệt nhau, không hiểu nhau. Cuối cùng, không xây tháp được nữa, đám đông lộn xộn ấy giải tán đi tứ phương… Chúng ta thấy tiếc vì ngôn ngữ vốn đang thống nhất đã hoá thành chia năm xẻ bảy, không ai hiểu ai – nhưng đó là cái giá của thái độ nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Nhà không nóc thì tất yếu lộn xộn thôi!

    Tình hình như thế, không chiến tranh, xung đột thì mới lạ! Con người nhìn nhau, thấy người khác là mối đe doạ mà mình phải đối phó. Không còn khả năng nhận ra nhau là anh chị em! Thay vào đó, con người thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy của loại trừ và của lực huỷ diệt. Bế tắc. Không thoát ra được khỏi vòng xoáy đó cho đến khi, cuối cùng, được Đức Kitô giải thoát bằng Thập giá, Phục sinh với hoa quả là việc trao ban Thánh Thần, Đấng ban lại khả năng hiểu nhau dù nói những thứ tiếng khác nhau – như ta thấy trong biến cố Lễ Ngũ Tuần…

    Rõ ràng, tham vọng ‘leo cao tới trời’ làm phân hoá, chia rẽ con người. Còn Con Thiên Chúa từ trời ‘hạ mình xuống sát đất’ thì có sức đem lại cho con người sự hiệp thông, hiệp nhất của những người lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Phục sinh! Thái độ cao ngạo tạo ra lực huỷ diệt. Còn con đường khiêm nhường khai mở sự sống.

    Ngày nay, con người vẫn còn ‘xây tháp Babel’ qua những tham vọng thoán đoạt chủ quyền của Thiên Chúa trong nhiều lĩnh vực (như vấn đề luân lý sự sống, luân lý tính dục, môi sinh, vv…) – Chúng ta cần lắng nghe lại lời cảnh cáo khẩn cấp của Chúa Giêsu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì?”

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………..

    Suy Niệm 2: ĐỪNG HỔ THẸN KHI THEO CHÚA GIÊSU

    Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về tháp Babel. Lời Chúa trình bày cho chúng ta rằng, trong ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn con người sống hiệp nhất, thông hiểu nhau, nên Ngài ban cho họ “đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau” (St 11:1). Nhưng thay vì sống khiên nhường trước mặt Chúa và làm cho danh Ngài được tôn vinh, con người muốn làm cho danh mình được lẫy lừng, họ đã “xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời” (St 11:4). Mục đích là để họ “khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất” (St 1:4). Nhưng chính sự kiêu ngạo và nỗ lực hiệp nhất (nên một) với sức của mình để làm vinh danh mình, con người đã không muốn Thiên Chúa can dự vào cuộc sống riêng tư, thậm chí muốn làm mọi sự để danh thơm lưu truyền tới muôn thế hệ và trải dài khắp mặt đất. Chúng ta có thể nói rằng chính sự kiêu căng, tự phụ ấy đã làm cho con người quên mất Chúa, loại bỏ Người ra khỏi cuộc sống, không tôn nhận Thiên Chúa làm chủ vận mạng. Bởi vậy, Thiên Chúa nhắc nhở con người hãy nhớ đến phận mình chỉ như cơn gió thoảng ngoài. Ngài đã làm cho tiếng nói của con người bị xáo trộn, để họ không còn hiểu nhau và như thế bị phân tán ra khắp nơi trên mặt đất. Chi tiết này dạy chúng ta rằng sự hiệp nhất là một món quà của Thiên Chúa ban cho. Khi chúng ta xây dựng sự hiệp nhất dựa trên “sức mạnh” và “sự khôn ngoan” của chính mình mà gạt Chúa ra khỏi kế hoạch xây dựng hiệp nhất, thì chúng ta càng tạo thêm sự chia rẽ. Hiệp nhất chỉ có được khi có Chúa là trung tâm của mọi sự. Nói cách cụ thể, sự hiệp nhất chỉ đạt được khi mỗi người chúng ta trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động chỉ tìm làm vinh danh Thiên Chúa chứ không làm cho danh mình được lừng lẫy.

    Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu về ơn gọi của người môn đệ. Điều này xảy ra sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài (x. Mc 8:31-33). Chúa Giêsu bắt đầu với việc về cái giá người môn đệ phải trả, chúng ta đọc thấy những lời sau: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Mc 8:34-36). Chúng ta thấy có hai cái giá mà người môn đệ phải trả, đó là “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình.” “Từ bỏ chính mình” ám chỉ đến việc hoàn toàn từ bỏ ý muốn của mình để tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Hay nói cách khác là hoàn toàn quy phục ý muốn của mình trước thánh ý Thiên Chúa. Còn “vác thập giá mình” không ám chỉ đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Kiểu chết tàn khốc này thường xảy ra trong thời cổ. Câu nói của Chúa Giêsu mang tính chất tục ngữ mà qua đó thập giá ám chỉ đến những đau khổ và khó khăn mà người môn đệ sẽ gặp phải trên bước đường theo Ngài. Còn trong câu khẳng định mang tính đối nghịch về việc cứu mạng sống mình, Chúa Giêsu ám chỉ đến những người tránh tử đạo, tránh việc làm chứng cho Ngài đến độ hy sinh mạng sống của mình. Khi khuyến cáo các môn đệ về việc được cả thế giới mà mất mạng sống mình, Chúa Giêsu nói đến mối nguy hiểm của việc thu gom của cải vật chất đến nỗi đặt trọn con tim của mình vào đó như là kho tàng, để rồi không còn chỗ cho Chúa trong tim mình. Chúng ta có chỗ cho Chúa trong con tim của mình không?

    Chúa Giêsu kết với việc đưa các môn đệ về viễn cảnh của ngày cánh chung để khuyến khích các môn đệ sống trung thành với ơn gọi của mình dù gặp nhiều đau khổ và bắt bớ trên đường theo Ngài: “‘Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.’ Đức Giêsu còn nói với họ: ‘Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực’” (Mc 8:38-9:1). Những lời trên phản ánh những lời chứa đựng trong Tv 62:13. Một chi tiết cần lưu ý là câu nói của Chúa Giêsu về “những người không phải nếm sự chết cho đến khi Con Người đến hiển trị.” Khoảng thời gian trong câu nói này là không đúng nếu nó ám chỉ đến việc Nước Trời đến trong sự tròn đầy của nó như được đề cập đến trong Tin Mừng Thánh Máccô (13:32). Những lời này ám chỉ đến việc “một số” nhìn thấy lời hứa được hoàn thành trong sự kiện biến hình. Chi tiết này nói cho chúng ta rằng: Chúng ta cũng có thể nếm cảm được niềm vui của thiên đàng trong đời sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta có đến với Chúa Giêsu để cảm nếm vị ngọt tình yêu thiên đàng hay không?

    Lm. Anthony, SDB.

    …………………………….

    Suy Niệm 3: Điều kiện để theo Chúa

    1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài :”Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật :”Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
    1. Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16), Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các ông biết :”Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giêsu mở ra một giai đoạn mới, trong giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng :”Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34). 
    1. THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Kitô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào có thể làm cho họ lìa bỏ nhau :

                        Đi đâu cho thiếp theo cùng
                   Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

    Trong lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện conditio sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai  điều kiện ấy.

    1. Từ bỏ chính mình.

    Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật… và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi…

    Đức Thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói:”Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo : đó là sự từ bỏ.

    Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói : 3 với 4 là 7, có đúng không ? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.

    1. Vác thập giá mình.

    Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất… trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.

    Trong đời sống Kitô hữu, ai cũng phải vác thập giá vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào : tự nguyện hay miễn cưỡng ? Theo kinh nghiệm của chúng ta  và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.

    1. Truyện : Thánh giá vừa sức mình.

    Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó : có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo :

    – Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.

    Ông ta mang thánh giá của mình  ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được : có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần :

    – Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.

    Thiên thần yên ủi :

    – Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

               

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com