BÀI ĐỌC I: St 3,9-24
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi ở đâu?” Ông đã thưa: “Tôi đã nghe tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng tôi sợ hãi, vì tôi trần truồng và đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”. Chúa phán bảo cùng người phụ nữ rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi gặp nhiều khổ cực khi thai nghén và đau đớn khi sinh con; ngươi sẽ ở dưới quyền người chồng, và chồng sẽ trị ngươi”. Người lại phán bảo Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Ðất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất”. Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh. Thiên Chúa cũng làm cho Ađam và vợ ông những chiếc áo da và mặc cho họ. Và Người phán: “Nầy, Ađam đã trở thành như một trong chúng ta, biết thiện ác. Vậy bây giờ, đừng để hắn giơ tay hái trái cây trường sinh mà ăn và được sống đời đời”. Và Thiên Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất, là nơi ông phát xuất ra.
PHÚC ÂM: Mc 8,1-10
Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”. Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðam-ma-nu-tha.
Suy Niệm 1: BẢN CHẤT TỘI LỖI KHÔNG Ở CHỖ PHẠM LUẬT, MÀ Ở CHỖ LÀM CHÚA ĐAU BUỒN
Trong cảm thức về sự trần truồng và ê chề xấu hổ, con người nghe Chúa khảo vấn. Ông đổ cho bà. Còn bà thì đổ cho con rắn. Chúa bắt đầu từ con rắn, rồi đến bà, cuối cùng là ông, khi tuyên bố hậu quả của sự chọn lựa và hành động xấu xa. Con rắn sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật, sẽ bò đi bằng bụng và sẽ ăn bùn đất, sẽ bị miêu duệ người phụ nữ đạp nát đầu. Về phần người phụ nữ, sẽ gặp nhiều khổ cực khi thai nghén và đau đớn khi sinh con. Còn người đàn ông: phải làm lụng vất vả mới có mà ăn… Mọi phía liên quan, như vậy, phải chịu trách nhiệm về vấn đề của mình.
Có thể thấy, tội lỗi không chỉ phá hỏng tương quan với Chúa, mà phá hỏng cả tương quan giữa người với người. Ngay cả thiên nhiên cũng nổi loạn chống lại con người, như lời Chúa nói: “Ðất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc”!… Tuy nhiên, Chúa không bỏ con người, mà vạch kế hoạch cứu độ. Thấy con người trần truồng thật tội nghiệp, Chúa “làm áo da mà mặc cho Ađam và vợ ông”…
Vì thế cần nhớ, tội lỗi không cốt ở vi phạm một điều luật, một qui định, mà cốt ở việc làm tổn thương mối tương quan với Chúa, kéo theo việc gây trục trặc cho các mối tương quan khác của con người. Bạn chạy xe máy vượt đèn đỏ, với Nghị Định 168, bạn bị phạt 6 triệu đồng – mà bạn không nhất thiết cảm thấy đau, cả anh cảnh sát giao thông tuýt còi bạn cũng không đau. Bạn chỉ phạm luật, chứ không có mối tương quan nào bị tổn hại đáng kể ở đây. Còn tội lỗi thì thực sự làm Chúa buồn và đau, và chính bạn cũng đau, bởi mối tương quan đang bị thương tổn!
Kinh Ăn Năn Tội mà chúng ta quen thuộc là một tuyệt phẩm. Chỉ cần ta ý thức đúng như lời kinh này diễn tả, thì ta sẽ tiến rất xa trên con đường tránh tội và nên thánh. Ngược lại, nếu chỉ đọc ào ào chẳng ý thức gì, ta có thể không nhận ra Chúa “trọn tốt trọn lành” đối với mình, ta không “lo buồn đau đớn và chê ghét tội mình trên hết mọi sự”, không “dốc lòng chừa cải”… Và do đó, điều xảy ra là ta không “tránh xa dịp tội”, ta đi xưng tội như một cái máy, và tái phạm như cũ rất dễ dàng và rất sớm!
Nói tắt, vấn đề của chúng ta là THÍCH tội. Ta cần xin Chúa cho mình biết GHÉT tội. Mà để thật sự ghét tội, ta cần nhận ra tội mình xúc phạm trực tiếp một cách phũ phàng đối với tình thương của Chúa, điều mà ta không thể cho phép mình tiếp tục.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………………..
Suy Niệm 2: HÃY BIẾT CHÍNH MÌNH TRƯỚC MẶT CHÚA
Chúng ta thấy một bức tranh thật tương phản trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay. Bài đọc 1 dường như trình bày cho chúng ta hình ảnh của một cuộc “phán xét” đầu tiên trong lịch sử của con người với những hình phạt tương xứng cho những “bị cáo” có liên quan. Hình phạt bi thảm nhất của con người trong “bản án” này là bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, vùng đất hạnh phúc. Còn trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy hình ảnh “đoàn tụ” của những người bị “tản mác khắp bốn phương trời” để ăn uống no nê từ bàn tiệc Chúa Giêsu dọn sẵn. Chúng ta cùng nhau phân tích hai bài đọc hôm nay để rút ra những điều Chúa muốn nói với chúng ta.
Bài đọc 1 hôm nay gồm ba phần: Phần 1 (St 3:9-13) nói về lý do con người phạm tội và “nỗ lực” của Thiên Chúa để thiết lập lại mối quan hệ bị đổ vỡ; phần 2 (St 3:14-19) trình bày những hình phạt mà từng “bị cáo” phải chịu; và trong phần 3 (St. 3:20-24) chúng ta thấy việc con người bị đuổi ra khỏi vườn Êđen.
Trong phần 1, chúng ta thấy sự chủ động của Thiên Chúa trong việc tái lập lại mối quan hệ với con người sau khi con người ăn trái cây: “Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9). Chính Thiên Chúa là Đấng chủ động bắt đầu cuộc đối thoại với con người. Về phía mình, con người nghe tiếng Chúa, nhưng vì sợ hãi nên lẩn trốn (x. St 3:10). Chi tiết làm chúng ta ngạc nhiên ở đây chính là việc con người không sợ hãi Thiên Chúa sau khi ăn trái cây cho bằng họ “sợ hãi vì nhận ra mình trần truồng.” Đây chính là lý do con người lẩn trốn Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa không đáng sợ vì Ngài là tình yêu, là Đấng chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín. Điều làm con người sợ hãi và lẩn trốn Thiên Chúa chính là sự trần truồng của họ, là tội lỗi của họ. Nói cách cụ thể hơn, cảm thức chạy trốn Thiên Chúa của con người khi phạm tội không đến từ việc sợ hãi Thiên Chúa, nhưng đến từ sự bất xứng của con người khi nhìn thấy tội lỗi của mình. Ở đây, chúng ta cũng cần phải ý thức rằng: “Chạy trốn Thiên Chúa vì tội lỗi của mình” là một cám dỗ khác của con người trong mọi thời, hay đúng hơn “chạy trốn Thiên Chúa” là một hệ quả của việc không chấp nhận giới hạn của mình. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đi bước trước. Ngài luôn muốn thiết lập lại tương quan với chúng ta. Ngài luôn muốn chúng ta đi ra khỏi nơi chúng ta lẩn trốn, đó là sự trần truồng của mình, là mặc cảm tội lỗi của mình. Hãy “cho phép” Thiên Chúa yêu chúng ta “một lần nữa” sau mỗi lần chúng ta sai phạm! Hãy ra khỏi nơi lẩn trốn của mình để gặp Đấng là tình yêu và tìm lại niềm vui vì được yêu và được mời gọi sống tình yêu.
Phần 2 nói về những hậu quả do tội lỗi mang đến cho con người. Một trong những hậu quả lớn nhất xảy ra cho con người sau khi phạm tội không chỉ là việc con người phải chết hay bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, nhưng còn là “mất niềm tin vào nhau,” không còn xem nhau như những món quà Thiên Chúa trao tặng, mà là “nguyên nhân lỗi phạm của mình.” Chính thái độ không tin tưởng dẫn con người đến việc đổ lỗi cho nhau, không ai chịu nhận trách nhiệm về mình. Hậu quả này vẫn đè nặng trên ngày sống của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường nghi ngờ hay dễ dàng mất niềm tin vào người khác, dù ai trong chúng ta cũng biết rằng trong mọi mối tương quan, nếu không có tin tưởng sẽ không có đối thoại cách cởi mở, nếu không có đối thoại sẽ không có sự hiểu biết để cảm thông, nếu không có cảm thông sẽ không có tha thứ, nếu không có tha thứ sẽ không có tình yêu chân thật, và nếu không có tình yêu chân thật sẽ không có sự tin tưởng. Đây chính là “cái vòng trật tự” trong tương quan mà Thiên Chúa muốn cho con người ngay từ đầu. Nhưng con người đã không muốn sống theo vòng trật tự này, mà muốn tạo cho mình một cái vòng khác, thay vì bắt đầu với sự tin tưởng [nhìn nhau trần truồng nhưng không xấu hổ] con người bắt đầu với sự nghi ngờ [người nữ mà Ngài đặt sống với con đã đưa con trái cây và con đã ăn. … không phải con, mà là con rắn đã dụ con], và như thế, con người ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn vô định của sự nghi ngờ Thiên Chúa và mất niềm tin vào nhau.
Bài học chúng ta rút ra trong phần 3 chính là thái độ đầy ân cần chăm sóc con người của Thiên Chúa dù con người đã bất tuân lệnh Ngài: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3:21). Điều này thường trái ngược với thái độ của chúng ta trong đời sống thường ngày. Khi một người làm chúng ta tổn thương, chúng ta thường tỏ thái độ ghét bỏ hoặc không còn quan tâm chăm sóc. Nhưng chúng ta thấy Thiên Chúa không làm như thế. Ngài chăm sóc và đi tìm con người. Qua hành động này, Ngài mời gọi chúng ta phải đi bước trước trong việc hoà giải, dù chúng ta không phải là người có lỗi; chúng ta phải là người chăm sóc và yêu thương người có lỗi với chúng ta. Đây là một điều rất khó với chúng ta, nhưng không phải là không thể! Chỉ những người biết chính mình là một hữu thể giới hạn và cần đến Chúa và người khác mới có khả năng tha thứ và làm điều tốt cho những người xúc phạm đến mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy lần thứ hai Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều. Lần đầu (Mc 6:30-44) xảy ra trong vùng đất của người Do Thái, còn lần thứ hai này xảy ra trong vùng đất của những người dân ngoại. Điều này cho chúng ta thấy là Chúa Giêsu không chỉ nuôi sống những người Do Thái, nhưng còn cả những người dân ngoại. Có một số khác biệt trong hai lần hoá bánh ra nhiều như sau: (1) Lần đầu có 5 ngàn người ăn, trong khi lần thứ hai có 4 ngàn người; (2) lần đầu dân chúng chỉ ở với Chúa Giêsu có 1 ngày, cón lần hai 3 ngày; (3) chi tiết các môn đệ đến thưa với Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ đi mua thức ăn trong lần hoá bánh ra nhiều không tìm thấy trong lần thứ hai; (4) lần đầu tiên các môn đệ không biết chắc số bánh vá số cá mình có mà phải đi xem, còn lần thứ hai thì họ biết chắc là họ có bảy cái bánh mà không cần đi xem; (5) lần đầu có 5 chiếc bành và hai con cá, lần thứ hai có bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ; (6) Chúa Giêsu chỉ đọc lời chúc tụng một lần cả trên bánh và cá trong lần đầu, còn trong lần thứ hai Ngài đọc hai lần riêng biệt cho bánh và cá; (7) lần đầu họ thu lại được 12 thúng bánh vụn và cá, còn lần thứ hai được bảy giỏ. Dù có những khác biệt như trên, nhưng cả hai lần hoá bánh ra nhiều có những điểm tương đồng như sau: (1) cả hai nhắc lại việc Thiên Chúa nuôi dân Người trong hoang địa; (2) cả hai diễn tả bàn tiệc của Đấng Messia; (3) cả hai ám chỉ đến Bí Tích Thánh Thể. Từ những điểm khác biệt và tương đồng trên đây, chúng ta chỉ chọn 3 điểm để suy gẫm cho ngày hôm nay về bài Tin Mừng.
Chi tiết thứ nhất là thái độ “chạnh lòng thương dân chúng của Chúa Giêsu” (x. Mc 8:2). Thái độ này là thái độ của người mục tử trước đàn chiên không người chăn dắt [được nói đến trong chương 6 câu 34]. Tuy nhiên, điều chúng ta cần để là việc Chúa Giêsu chăm sóc “toàn diện” cho chiên của mình, chứ không chỉ chăm sóc về phần thiêng liêng [nghe Ngài giảng dạy] hay phần thể xác [cung cấp bánh ăn cho họ]. Ngài hiểu rõ con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường chăm sóc cho chính mình và người khác một cách không “quân bình” hay không “toàn diện.” Lúc này thì thiêng liêng, còn lúc kia thì quá nhân bản. Người ta thường nói: Nhân đức là trung dung, là đi ở giữa: Không đi quá bên trái, cũng không đi quá bên phải. Đây là thái độ chúng ta cần phải học nơi Đức Giêsu Kitô để có một cuộc sống trung dung, bình thản cho chính mình và giúp người khác đạt đến sự phát triển toàn diện như thế.
Chi tiết thứ hai là thái độ học hỏi của các môn đệ. Như chúng ta đã trình bày ở trên, trong lần đầu tiên các môn đệ không biết rõ họ có bao nhiêu bánh và cá. Khi Chúa Giêsu hỏi đến, họ phải “đi và xem” (Mc 6:38). Sự “thiếu hiểu biết” này đã được sửa lại trong lần hoá bánh ra nhiều thứ hai này. Khi Chúa Giêsu hỏi đến số bánh họ có, họ liền trả lời mà không do dự. Chúng ta học được điều gì ở thái độ này của các môn đệ? Đó là việc biết ý của Đấng mình đi theo mỗi ngày một hơn. Người môn đệ là người phải biết học hỏi từ kinh nghiệm sống mỗi ngày. Mỗi kinh nghiệm sống qua đi, người môn đệ học được điều Chúa muốn họ, để không bị phạm lỗi lại lần thứ hai. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta mỗi ngày qua những kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được con tim nhạy cảm và sự quyết tâm để lãnh hội những bài học Ngài muốn dạy chúng ta, nên chúng ta thường lặp lại những lỗi phạm của chúng ta. Hãy lớn lên mỗi ngày trong sự hiểu biết thánh ý Thiên Chúa. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể thực hiện những điều Ngài muốn hơn là những điều chúng ta muốn. Và đây chính là bí mật cho việc không tái phạm lỗi lầm của mình.
Điểm cuối cùng là cả hai phép lạ đều xảy ra trong hoang địa. Theo các học giả Kinh Thánh, cả hai phép lạ này gợi cho dân nhớ lại việc Thiên Chúa nuôi dân Israel bằng manna trong hoang địa. Tuy nhiên, khi suy gẫm về tương quan giữa Thiên Chúa và con người, chúng ta nhận ra rằng: Những biến cố quan trọng luôn xảy ra trong hoang địa [nơi hoang vắng], nơi mà chỉ có Thiên Chúa [Chúa Giêsu] đối diện với dân, nơi Thiên Chúa một mình đối diện với người Ngài muốn gặp gỡ, không có một sự ồn ào hoặc chia trí nào từ bên ngoài. Điều này nhắc nhở chúng ta về một thực tại trong cuộc sống của chúng ta, đó là: Phép lạ chỉ xảy ra khi chúng ta “ở một mình với Chúa.” Thật vậy, những biến đổi “như phép lạ” chỉ xảy ra khi chúng ta ngồi thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể hay trong những giờ xét mình trước Ngài. Nói một cách cụ thể, những ai muốn thay đổi bản thân [tính tình] của mình phải yêu mến sự thinh lặng với Chúa. Sự thinh lặng này không phải là điều chúng ta tạo ra, nhưng là một món quà Chúa ban. Hãy xin Ngài món quà này: Nó chỉ được ban cho những người khao khát được nuôi dưỡng bằng chính ân sủng của Chúa và muốn được biến đổi thật sự.
Lm. Anthony, SDB.
………………………………..
Suy Niệm 3: Phép lạ hóa bánh lần thứ hai
- Đã ba ngày đám dân chúng đi nghe Chúa giảng mà không có gì ăn, Đức Giêsu động lòng thương xót họ nên bảo các môn đệ lo cho họ ăn, vì sợ họ về mệt lả dọc đường. Các môn đệ thưa ở nơi hẻo lánh này không thể tìm đâu đủ bánh cho họ ăn vì các ông chỉ có bảy chiếc bánh và mấy con cá. Chúa liền bảo dân chúng ngồi xuống, rồi Người cầm lấy bánh và cá của các ông, tạ ơn, rồi trao cho các ông phân phát cho dân chúng ăn. Mọi người đều ăn no nê và còn dư bảy thúng. Số người ăn độ bốn ngàn.
- Bài Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng thương và quyền năng của Đức Giêsu. Người tỏ lòng thương những người dân đơn sơ, chất phác đi theo Người không kể gian nan, không nghĩ đến việc phải tìm đâu ra của ăn. Sở dĩ Đức Giêsu đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, là vì Người đã chạnh lòng thương xót họ. Vì thế, mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương, nếu không chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào ý đồ ích kỷ, vụ lợi.
- Chúa Giêsu làm phép bánh xong, Người không đích thân phân phát mà trao cho các môn đệ để các ông phân phát. Nghĩa là tuy Chúa có thể ban bánh cho lương dân, nhưng Người muốn chúng ta góp phần mình vào đó. Chính Chúa Giêsu đã bảo các ông hãy dọn ra cho đám dân chứ không nhờ ai khác. Như vậy, Chúa cũng bảo chúng ta phải có liên đới với những người chung quanh (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần lẫn vật chất :
– Về tinh thần : có trách nhiệm về đức tin với cận nhân. Đó không phải là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
– Về vật chất : biết chia sẻ cơm áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.
- Nhiều nhà chú giải còn gọi phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ của tình thương. Vì thế mà phép lạ hóa bánh ra nhiều được coi như là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể. Vì yêu thương mà Chúa đã lấy thịt máu mình để nuôi con người. Với lương thực này, Người tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa.
Tuy nhiên, để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Đức Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Đám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho người khác, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Nếu vậy, cảnh đói khát ngày nay vẫn còn, là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.
- Truyện : Một nồi cháo đá tuyệt vời.
Một người lạ mặt đến gõ cửa nhà một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng bà góa nghèo này biết, trong nhà bà không có gì để ăn cả.
Người lạ mặt nói :
– Không sao, tôi có mang theo một hòn đá. Hòn đá này có thể biến nước lã thành một thứ cháo tuyệt vời. Vậy xin bà cho tôi mượn một cái nồi lớn.
Thấy người là mặt này có vẻ thành thật, bà góa kia đi lấy một cái nồi lớn, bắc lên bếp, rồi đổ nước đầy nồi. Nhóm bếp lên để nấu nồi nước xong, bà chạy qua các nhà hàng xóm báo cho họ biết về hòn đá lạ lùng của người lạ mặt đang ở nhà bà. Thế là người này truyền miệng người kia. Một lát sau, người ta kéo đầy đến nhà bà… đông quá đến nỗi không còn chỗ chứa. Trước những đôi mắt mở to vì tò mò, người lạ mắt lấy ra từ trong bị của ông một hòn đá, rồi trịnh trọng bỏ vào nồi nước lúc này đang sôi. Ông ta lấy chiếc đũa giá lớn, quậy nồi nước lên. Một lát sau, ông lấy một muỗm nhỏ, múc nước ở trong nồi, đưa lên miệng thổi cho nguội đi rồi nếm, vừa nếm ông vừa hít hà nói :
– Thật là tuyệt vời. Nhưng nếu giá có thêm một ít khoai bỏ vào nữa, thì còn tuyệt hơn nhiều
Nghe người lạ mặt nói thế, một người đàn bà có mặt lên tiếng :
– Nhà tôi có khoai.
Nói xong, bà vội chạy về nhà, đem đến một rổ khoai. Người lạ mặt cho những miếng khoai đã được gọt rửa, rồi xắt nhỏ, bỏ vào nồi cháo. Ông ngồi đó để quậy nồi cháo.
Một lát sau, ông lại lấy muỗm múc ra để nếm thử, rồi nói :
– Tuyệt lắm rồi. Nhưng giá có thêm một chút thịt thì ngon hơn nhiều.
Nghe nói thế, một bà có mặt ở đó, nhà làm thịt heo, chạy về nhà lấy ngay mấy miếng xương và mấy miếng thịt heo chưa bán hết đem tới.
Người lạ mắt bỏ những miếng xương và mấy miệng thịt kia vào nồi, rồi lại ngồi đó quậy nồi cháo một hồi lâu.
Trước những con mắt chờ đợi để xem sự lạ, người lạ mặt lại múc cháo nếm thử, rồi nói :
– Bây giờ thì chúng ta có thể thưởng thức nồi cháo này được rồi. Nhưng giá có thêm một ít hành ngò và một chút tiêu nữa thì tuyệt hảo.
Thế rồi người ta đã đem hành, ngò và tiêu đến. Sau khi đã bỏ những thứ này vào nồi cháo, người lạ mặt bảo bà góa chủ nhà :
– Hãy lấy bát múc cho mọi người ăn thử.
Trong khi mọi người đang vui vẻ nếm thử cháo đá, thì người lạ mặt đã lén đi mất. Vậy là nhờ mỗi người đóng góp một tí mà hôm đó mọi người đã có một món cháo ngon lạ lùng.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt