Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025
spot_img
Thêm

    11/01, Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

    BÀI ÐỌC I: 1 Ga 5, 14-21

    Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết. Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

    PHÚC ÂM: Ga 3, 22-30

    Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

    Suy Niệm 1: TIN VÀ LẮNG NGHE CHÚA GIÊSU ĐỂ NHẬN BIẾT CHÚA CHA

    Nếu thời các Tông Đồ mà có Bộ Giáo lý Đức tin thì hẳn thánh Gioan Tông Đồ rất phù hợp để làm bộ trưởng. Bởi như ta thấy, ngài quan tâm nhấn mạnh những điều thật nền tảng trong đức tin của chúng ta! Và điều nền tảng nhất, đó là: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, nếu ai tin và ở trong Người thì có sự sống đời đời. Trích bản văn Thư 1 Gioan hôm nay:

    “Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Thiên Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Ngài. Chính Người là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần”…

    Thần học và giáo huấn của Gioan QUI KITÔ cách đậm đặc như thế, không chỉ trong đoạn Thư 1Gioan trích ở trên, mà ta cũng thấy rõ trong trình thuật Tin Mừng Gioan hôm nay nữa, qua lời chứng dứt khoát và rõ ràng của Gioan Tẩy giả: “Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”…

    Có thể nói, với những lời trên, Gioan Tẩy giả đang giới thiệu Chúa Giêsu chính thức ‘bước ra sân khấu’, và Gioan Tẩy giả hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng rút lui vào hậu trường. Điều này phù hợp với cột mốc Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ngày mai, đánh dấu việc Người bắt đầu sứ vụ công khai của Người – sứ vụ ấy ứng với Mùa Thường Niên trong Năm Phụng Vụ của chúng ta.

    Công việc chính yếu trong sứ vụ của Chúa Giêsu là rao giảng cho mọi người biết Chúa Cha là ai, Cha sai Người đến để làm gì, và sự cần thiết của việc tin vào Người để được cứu độ, tức là được sự sống đời đời… Chúng ta đừng quên, người Do thái vốn biết nhiều điều về Thiên Chúa, nhờ Thánh Kinh và lịch sử, truyền thống của họ, chẳng hạn họ biết Thiên Chúa độc nhất, sáng tạo, quan phòng, toàn năng, hằng hữu, vân vân… Thế nhưng họ vẫn hình dung méo mó và sai bét về Thiên Chúa – và việc của Chúa Giêsu là diễn tả cho họ hình ảnh chân thực của Thiên Chúa, nhưng họ cố chấp, không nghe!…

    Chúng ta cần cảnh giác với những hình ảnh méo mó về Thiên Chúa trong nhận thức của chúng ta, nhất là khi ta là ‘con nhà đạo gốc nhiều đời’ – và cần mềm mỏng lắng nghe và chiêm ngắm Chúa Giêsu một cách tinh khôi, để điều chỉnh lại cho đúng hình ảnh của Thiên Chúa trong cách hiểu của mình.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………….

    Suy Niệm 2: MỌI SỰ LÀ ÂN BAN

    Bài đọc 1 hôm nay gồm hai phần: phần đầu (1Ga 5: 14-17) là lời cầu nguyện cho những tội nhân và phần thứ hai là “bản tóm tắt” của toàn bộ lá thư của Thánh Gioan (1Ga 5:18-21). Phần một, lời nhắc nhở cầu nguyện cho những người tội lỗi có lẽ là điều gần gũi với mỗi người chúng ta nhất, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thánh Gioan bắt đầu phần này với việc khuyến khích chúng ta rằng: Chúng ta hãy mạnh dạn vì Thiên Chúa luôn “nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người” (1Ga 5:14). Tiếp đến, Thánh Gioan chỉ ra thái độ chúng ta cần phải có khi biết một anh em mình phạm tội: không lên án, không xét đoán, nhưng cầu nguyện cho họ: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho những người phạm thứ tội ấy” (1Ga 5:16). Điều này trái ngược với kinh nghiệm thường ngày của chúng ta. Khi biết một ai đó phạm tội, chúng ta thường lên án và có cái nhìn không thiện cảm về họ. Thật vậy, chẳng có mấy khi chúng ta cầu nguyện cho những người phạm tội. Có chăng chúng ta cũng chỉ cầu nguyện cách chung chung cho các tội nhân, chứ ít khi cho một người mà chúng ta “biết” được tội của họ. Tuy nhiên, điều chúng ta thắc mắc ở đây là Thánh Gioan phân ra hai loại tội: Tội không đưa đến sự chết và tội đưa đến sự chết. Chúng ta chỉ cầu xin cho những người phạm thứ tội không đưa đến sự chết. Những tội này là gì? Chúng ta chỉ trả lời câu hỏi này khi đặt nó trong bối cảnh của cộng đoàn của Thánh Gioan. Theo Thánh Gioan, “Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết” (1Ga 5:17). Theo các học giả Kinh Thánh, hiểu theo tư tưởng của Thánh Gioan thì tội dẫn đến cái chết là tội “tách mình ra khỏi cộng đoàn những người tin,” nói cách khác là “tách mình ra khỏi Chúa Giêsu, không còn tin Ngài là Đấng ban sự sống. Còn những tội khác là những tội không dẫn đến cái chết.

    Trong phần hai, vì là bản “tóm tắt” của lá thư, chúng ta thấy Thánh Gioan trình bày về mối tương quan giữa việc được sinh ra bởi Thiên Chúa và phạm tội: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được” (1Ga 5:18); vấn đề của những người thuộc về Thiên Chúa và thuộc về thế gian: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19); vai trò của Chúa Giêsu trong việc làm cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha qua việc nhập thể của Ngài: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô” (1Ga 5:20). Ngài kết thúc với câu khuyến dụ thật chân thành: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần!” (1Ga 5:21). Theo Thánh Gioan, qua Chúa Giêsu, chúng ta đã biết Thiên Chúa thật: Ngài là tình yêu. Cho nên chúng ta phải tránh xa lối sống ghen ghét, hận thù, không yêu thương; tránh xa lối sống của những người không thuộc về Thiên Chúa!

    Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu. Có hai lời bình luận được thánh sử đưa vào trong đoạn trích, đó là câu 24 [“Lúc ấy, ông Gioan chưa bị tống giam”] và câu 28 [“Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người’”]. Hai lời bình luận này nhắc người đọc về cuộc sống và lời chứng trước đó của Thánh Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1:20). Như chúng ta biết, việc Thánh Gioan Tẩy Giả bị tống ngục không được trình bày cách chi tiết trong Tin Mừng Thánh Gioan. Sự hiện diện của Thánh Gioan Tẩy Giả chủ yếu để làm chứng về Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng là những chứng nhân của Chúa Giêsu. Chúng ta được sai đi trước Ngài mỗi ngày để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Ngài. Để được như thế, đời sống của chúng ta phải luôn xứng đáng với Chiên Thiên Chúa, đó là một đời sống sống trong sự thật và tình yêu.

    Chi tiết đầu tiên Thánh Gioan trình bày cho chúng ta là việc cả Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, nhưng ở những nơi khác nhau: “Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Giuđê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Ênôn, gần Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa” (Ga 3:22-23). Chính điều này là nguyên nhân gây nên cuộc tranh luận giữa môn đệ ông Gioan và một người Do Thái. Theo các học giả Kinh Thánh, lời giới thiệu này không xác thật và có thể là một phần nhỏ trong một truyền thống về tính địa lý liên quan đến lộ trình rao giảng của Chúa Giêsu, mặc dù tên của các địa danh không rõ ràng lắm. Trong Ga 4:2, chúng ta sẽ tìm được phần sửa sai về việc Chúa Giêsu làm phép rửa.

    Điều đáng để chúng ta suy gẫm là thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả liên quan đến việc Chúa Giêsu làm phép rửa. Câu hỏi được đặt cho Gioan là: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông” (Ga 3:26). Thay vì cảm thấy khó chịu hoặc ghen tỵ vì người mình làm phép rửa cho bây giờ ‘cạnh tranh’ với mình, Gioan bình thản làm chứng rằng: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Không những thế Gioan còn ví mình như người bạn của chú rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:29-30). Trong những lời này, chúng ta thấy sự khiêm nhường của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài chân nhận rằng niềm vui của ngài chỉ là sự chia sẻ trong niềm vui của Chúa Giêsu [là chàng rể]. Ngài chỉ là người đứng sau, là người chuẩn bị chứ không phải là nhân vật chính. Chúng ta cần bắt chước thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả, sống đời sống khiêm nhường, không chạy theo danh vọng cũng như tiếng tăm ở đời. Chỉ cần niềm vui trong Chúa đã đủ làm chúng ta thoả mãn. Mỗi ngày chúng ta phải làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong cuộc đời của mình, để rồi qua chúng ta, Ngài lớn lên trong nơi chúng ta làm việc và trong thế giới này.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………………

    Suy Niệm 3: Gioan làm chứng về Đức Kitô

    1. Chúa Giêsu cùng với môn đệ đến Galilê. Người làm phép rửa tại đó. Thánh Gioan cũng làm phép rửa gần bên. Nhưng dân chúng kéo theo Chúa Giêsu đông hơn, nên môn đệ Gioan ghen tức. Họ phàn nàn với ông :”Thưa Thầy, Người Thầy ca tụng đang làm phép rửa bên kia và dân chúng kéo theo ông ta…”. Thánh Gioan liền trấn an họ và nói cho họ biết : Đó chính là Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai… Tôi chỉ là người được sai đi trước để dọn đường cho Người . Một khi tôi đã làm xong sứ mạng đó thì tôi phải rút lui để cho Người được tôn vinh.
    2. Trong lúc Chúa Giêsu và Gioan đang làm phép rửa, mỗi người một nơi và mỗi người có một số quần chúng ngưỡng mộ riêng, thì xẩy ra một sự việc là việc Chúa Giêsu cùng làm phép rửa đã đưa đến một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với ông Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.
      Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài :”Tôi đây không phải là Đức Kitô mà chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Ngài… Ngài phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”.
    1. Đúng thế Gioan tự thú trước đây ông chưa biết Đấng Cứu Thế mặc dầu ông là bà con với Chúa Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ được biết điều đó từ trên mạc khải cho khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời :”Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng :”Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
    1. Gioan biết đóng đúng vai trò của mình : ngài chỉ đóng vai phụ, còn Chúa Giêsu mới đóng vai chính. Khi vai chính xuất hiện thì vai phụ rút lui. Theo kinh nghiệm trên đời ai mà không muốn đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống, người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ.  Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ  đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả đều để cho Chúa được lớn lên.
    1. Gương khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy Giả.
      Ông là người khiêm tốn vì khi người ta hiểu lầm nên đã tôn ông lên làm Đấng Cứu Thế, nhưng ông xác nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế mà chỉ là người dọn dường cho Ngài, Đấng ấy cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài. Ông chỉ là là người đóng vai phụ, còn Đức Giêsu mới đóng vai chính. Bây giờ Đức Giêsu đến thì ngài phải rút đi cho vai trò của Đức Giêsu được tôn vinh. Vì thế Ngài đã nói :”Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.
    1. Truyện : Một gương khiêm nhường khác
      Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường, và ông đã thu hút hết đám đông dân chúng của ông mục sư Spencer.
      Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có ít số người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi xem những người khác đi đâu hết rồi ?
      Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức tế nhị đáp:”Tôi nghĩ rằng họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó”.
      Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói :”Tốt lắm,vậy tôi nghĩ rằng  chúng ta nên đi theo họ”.  Rồi ông bước xuống tòa giảng, dẫn số tín hữu qua bên kia đường.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, GP. Đà Lạt

                                                                                       

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com