Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
spot_img
Thêm

    09/01, Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh

    BÀI ÐỌC I: 1 Ga 4,19 – 5,4

    Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được? Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa. Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta biết mình yêu thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian, và đây là sự chiến thắng thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải kẻ tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa?

    PHÚC ÂM: Lc 4, 14-22a

    Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

    Suy Niệm 1: TIN CHÚA GIÊSU: TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG YÊU THƯƠNG

    Đây là luận chứng của thánh Gioan:

    Thiên Chúa yêu thương chúng ta -> ta đáp lại bằng lòng yêu mến Chúa -> yêu mến Thiên Chúa thì yêu thương anh chị em mình -> tinh thần thế gian là ích kỷ, kiêu ngạo, hận thù, loại trừ… vì thế, ai yêu thương anh chị em mình thì người đó đã thắng thế gian -> để có thể chiến thắng thế gian bằng tình yêu thương như vậy, chúng ta cần tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa!

    Vẫn còn trong bối cảnh Mùa Giáng Sinh, chúng ta đã dọn hang đá ra, ít ngày nữa lại dọn cất vào, ta tự nhủ: mình đã MỪNG GIÁNG SINH tới đâu rồi, mừng đã trọn vẹn chưa? Nói cách khác, Mùa Giáng Sinh này có làm cho chúng ta lớn lên hơn trong lòng tin vào Chúa Giêsu và trong sự đón nhận Người? Đó mới là trọng tâm của chữ ‘MỪNG’!

    Nhưng tin và đón nhận Chúa Giêsu, theo luận chứng của thánh Gioan trên kia, thì có nghĩa là CÓ KHẢ NĂNG YÊU THƯƠNG anh chị em mình – đây là cách đáp lại Món Quà yêu thương của Thiên Chúa, Đấng trao ban Con Một cho ta.

    Có thể có người hỏi cắc cớ: Có thật không, có thật Giêsu là Món Quà yêu thương của Thiên Chúa không? Thì đây, hãy xem Người đến để làm gì… Nhìn toàn bộ câu chuyện Chúa Giêsu, từ Bêlem cho tới Thập giá và Mồ trống… sẽ biết Người đến để làm gì… Nhưng ngay ở đây, trong hội đường Nadaret vào buổi đầu sứ vụ, chính Chúa Giêsu đã cho biết rõ: Người đến để GIẢI PHÓNG!

    Thật vậy, được trao cho việc đọc và giảng giải sách thánh hôm ấy, và ‘tình cờ’ gặp đoạn sách Isaia đầu chương 61, Chúa Giêsu trang trọng đọc lớn tiếng cho mọi người nghe: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Rồi Người gấp sách lại, nhìn mọi người đang chăm chú nhìn mình, và ‘giảng giải’ chỉ bằng một câu ngắn: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quí vị vừa nghe”!

    Trong Tin Mừng Luca, “hôm nay” có một ý nghĩa đặc biệt, nói về ‘kairos’, về ‘thời’ đã đến, thời cứu độ, thời ân sủng… Chúa Giêsu muốn nói với thính giả của Người: Đoạn sách Isaia ấy nói về tôi; và hôm nay đã ứng nghiệm, vì tôi đang có mặt với quí vị đây, tôi đã sẵn sàng để bắt tay vào làm các công việc có tính giải phóng và thi ân giáng phúc ấy…!

    Vậy thì, chúng ta đã rõ câu trả lời cho câu hỏi có thật Đức Giêsu là Món Quà yêu thương của Chúa Cha. Chúng ta nhận Món Quà này trong lòng biết ơn, và Món Quà này sẽ tăng cường nơi chúng ta khả năng yêu thương anh chị em mình…

    Lm. Giuse lê Công Đức, PSS.

    …………………………………..

    Suy Niệm 2: MỌI SỰ ĐƯỢC HOÀN THÀNH TRONG ĐỨC KITÔ

    Sự nhập thể của Chúa Giêsu đã mang hai giới răn yêu Chúa và yêu người trở thành một. Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng: Khi mặc lấy thân phận con người, Chúa Giêsu đã đồng hoá chính mình với con người của mọi nơi, mọi thời.” Điều này giúp chúng ta hiểu điều thánh Mátthêu nói trong Tin Mừng của mình về viễn cảnh cánh chung: “Khi các ngươi làm [không làm] những điều này cho một trong những anh em bé mọn của ta là các ngươi làm [không làm] cho chính ta” (Mt 25:40).

    Ai trong chúng ta cũng đã từng nói dối. Chúng ta nói dối với nhiều lý do khác nhau. Thánh Gioan trong bài đọc 1 hôm nay đưa ra cho chúng ta một loại nói dối mà chúng ta thường hay mắc phải trong ngày sống của chúng ta, đó là, sự ghen ghét: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4:20). Trong câu này, Thánh Gioan nêu lên mối dây không thể phân chia giữa “yêu mến Thiên Chúa” và “yêu mến anh [chị] em” của mình: Nói cách khác, thước đo của tình yêu một người dành cho Thiên Chúa chính là chiều sâu của tình yêu người đó dành cho anh [chị] em của mình vì “ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4:21).

    Một định luật về tình yêu mà Thánh Gioan đưa ra trong bài đọc 1 hôm nay đó là: Khi yêu một người nào thì chúng ta cũng yêu tất cả những gì thuộc về người đó: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1Ga 5:1). Như vậy, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người được Chúa Kitô sinh ra [trong Bí Tích Rửa Tội]. Thường trong cuộc sống, chúng ta có thể yêu một người nhưng không thích [yêu] những thứ hoặc những người thuộc về người đó. Theo cái nhìn của Thánh Gioan, chúng ta không thể nói với một người rằng: Tôi yêu bạn, nhưng tôi không thích cái này nơi bạn hoặc người này trong gia đình của bạn. Tình yêu như thế không phải là tình yêu chân thật. Tình yêu chân thật không có chỗ cho sự loại trừ. Nếu chúng ta nói yêu Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu tất cả những người “Chúa thương,” vì Chúa thương yêu tất cả mọi người. Chính vì vậy, hãy làm cho con tim của chúng ta lớn và sẵn sàng để có thể yêu hết mọi người.

    Chúng ta đang nghe về sứ vụ của Chúa Giêsu ở Galilê. Những ngày vừa qua, chúng ta đã nghe các trình thuật từ Tin Mừng Thánh Mátthêu và Máccô. Hôm nay, Thánh Sử Luca trình thuật cho chúng ta về sứ vụ của Chúa Giêsu ở Galilê. Đối với Thánh Luca, không chỉ Giêrusalem [thành mà trong đó lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành] mà còn cả Galilê mang ý nghĩa thần học sâu xa. Galilê là lãnh địa, trong đó Thánh Luca bắt đầu mô tả ý nghĩa của Nước Thiên Chúa. Một trong những chi tiết quan trọng được nêu bật trong Tin Mừng Thánh Luca là việc Chúa Giêsu luôn hoạt động dưới sự tác động của Thần Khí: “Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4:14-15). Chi tiết này cho thấy việc công bố Tin Mừng Nước Trời của Chúa Giêsu bằng lời và hành động phát xuất từ Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa (x. Lc 3:21-22). Điều này mời gọi chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện của Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng qua lời nói và hành động của chúng ta.

    Sứ vụ của Chúa Giêsu là hoàn thành lời sấm của Ngôn Sứ Isaia: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4:18-19). Trong phần này, chúng ta thấy Thánh Luca đang nói về đề tài lời hứa và sự hoàn thành. Đây là một đề tài quan trọng trong thần học của Thánh Luca. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích từ Isaia trên được lấy từ Is 61:1a,b,d; 58:6d; và 61:2a. Khi trích Isaia, Thánh Luca bỏ đi những yếu tố ‘thiêng liêng hoá’ bản văn hoặc giới hạn điểm tập trung của nó trên Israel ‘thật.’ Thật vậy, thánh sử bỏ đi Is 61:1c: ‘băng bó những tấm lòng tan nát,’ và Is 61:2b-3a: “[công bố] một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não.” Khi bỏ đi những điểm này, Thánh Luca muốn tập trung vào những điều chính yếu sứ vụ của Chúa Giêsu mà ngài sẽ trình thuật lại trong những trang tiếp theo của Tin Mừng. Cuộc sống mỗi người chúng ta là một sứ vụ. Chúng ta có biết đâu là những điều quan trong chúng ta cần phải tập trung vào để thực hiện không? Hay chúng ta chỉ như những người bị cuốn theo chiều gió mà không biết đâu là điều quan trọng cần làm?

    Điểm cuối cùng Thánh Luca nhấn mạnh đến chính là việc khẳng định Chúa Giêsu là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa: “Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.’ Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (Lc 4:20-22). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một thầy dạy rất tuyệt vời. Điều này được diễn tả qua chi tiết mọi con mắt đổ dồn về phía Người và mọi người đều tán thành và thán phục những lời từ miệng Người nói ra. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Ngài. Tuy nhiên, khi thành thật nhìn lại, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã không dùng lời từ miệng nói ra để công bố Tin Mừng Nước Trời, nhưng dùng những lời đó để làm tổn thương người khác. Lời Chúa mời gọi chúng ta biến lời nói của mình thành khí cụ rao giảng Tin Mừng, để qua lời nói của chúng ta, mọi người tán thành, thán phục và tôn vinh Thiên Chúa.

    Lm. anthony, SDB.

    ………………………..

    Suy Niệm 3: Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai

    1. Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nazareth miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày sabat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài : Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời tiên tri Isaia.
    1. Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do – công bằng hoàn toàn cho con người. Có một người đã vượt lên tất cả , vượt trên mọi cuộc Cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại.
      Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ , tù đầy, áp bức và dẫn đưa con người đến  một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giêsu với tước hiệu Kitô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại  mà thánh Luca đã trình bầy với lời tiên tri Isaia như sau : “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). 
    1. Đức Giêsu đã khẳng định :”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). Từ ngữ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô, không chỉ là trong qua khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.
      Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.
    1. Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.
    1. Truyện : Vẽ chân dung Đấng Thiên Sai.
      Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu.  Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.
      Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.
      Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạc, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.
      Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.
      Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.
      Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho họa sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.
      Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, họa sĩ điềm nhiên giải thích:
      – Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.
      Vâng cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt

                                                                                       

                                                                                       

     

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com