Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
spot_img
Thêm

    Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

    BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6

    Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

    Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

    Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

    Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

    BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6

    Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

    PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12

    Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

    Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

    Suy Niệm 1: CHÚA HIỂN LINH – VÀ CẢM THỨC SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA!

    Con Thiên Chúa đến làm người không chỉ cho một người, hay cho một nhóm nhỏ, hay một dân tộc… mà cho tất cả. Đó là ý nghĩa của ‘Hiển Linh’. Ngay trong cuộc chào đời tại Bêlem, có thể nói Chúa đã hiển linh rồi, cho cha mẹ Người, cho các người chăn bò… Nhưng theo một nghĩa rộng và phổ quát hơn, truyền thống ghi nhận Chúa hiển linh trong biến cố các đạo sĩ (hay còn gọi các ‘nhà chiêm tinh’, các ‘nhà thông thái’, các ‘hiền sĩ’) là những người thuộc dân ngoại đến chiêm bái Chúa. Cũng được coi là ‘Hiển Linh’, đó là biến cố Chúa chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, và biến cố Chúa thực hiện dấu lạ đầu tiên biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana…

    Đoạn sách Isaia 60,1-6 nói về viễn ảnh chư dân lần bước tìm về sự sáng của Giêrusalem, với những con lạc đà mang theo vàng và nhũ hương – đó là hình ảnh báo trước chuyến hành trình vượt đường xa vạn dặm của các nhà đạo sĩ tìm kiếm để chiêm bái Chúa Hài Nhi. Ngôi sao ‘lạ’ trên bầu trời là biểu tượng của ánh sáng và vinh quang của Chúa, cũng là biểu tượng của ánh sáng soi dẫn trong lòng những người thiện chí để họ đến với Chúa. Thánh vịnh 71 (Đáp ca) là lời tán tụng “Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa”. Lời này cũng ứng nghiệm trong câu chuyện các đạo sĩ nói trên.

    Không thể không lưu ý rằng dân Do thái, nhất là giới lãnh đạo và các tầng lớp ưu tú, có trong tay tất cả những phương tiện cần thiết để nhận ra Chúa (Thánh Kinh, lời hứa, truyền thống, lịch sử đợi chờ…), mà họ không nhận ra, thậm chí Hêrođê còn coi Chúa là hậu hoạ và dùng đủ cách để loại trừ Chúa. Trong khi đó, các đạo sĩ ngoại giáo không có gì ngoài thiện chí, thì lại tìm gặp được Chúa.

    Chi tiết về các vị này được báo mộng nên đã đi đường khác trở về quê hương mình cũng là một chi tiết rất đắt, rất hàm súc. ‘Được báo mộng’ là cách nói về tâm hồn chiêm niệm và kết hợp với Thiên Chúa, nhạy bén phân định tiếng Chúa (như trường hợp thánh Giuse). ‘Đi đường khác mà về’ gợi ý niệm không chỉ về con đường đi lại tự nhiên trên mặt đất, mà còn về sự thay đổi trong tâm hồn, trong lối sống, trong định hướng cuộc đời của những ai đã có kinh nghiệm gặp Chúa, đã được Chúa ‘Hiển Linh’ cho con mắt tâm hồn của mình.

    Saolô đã được Chúa Phục sinh ‘Hiển Linh’ cho gặp trên đường Damas, đã được biến đổi hoàn toàn, trở thành Phaolô, Tông đồ dân ngoại, miệt mài không mệt mỏi giúp cho Chúa ‘Hiển Linh’ đối với nhiều người khác nữa… Chính Phaolô khẳng định: “Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô” (x. Ep 3,2-3a.5-6).

    Lễ Chúa Hiển Linh, vì thế, nhắc chúng ta hồng ân đức tin, trong đó mình được gặp gỡ Chúa, được Chúa hiển linh cho mình – đồng thời cũng nhắc chúng ta về cảm thức sứ mạng ad gentes và inter gentes, giúp Chúa ‘Hiển Linh’ cho anh chị em xung quanh cuộc sống chúng ta. Sứ mạng này được làm, trên hết và trước hết, và thuyết phục nhất, bằng sự biến đổi trong chính đời sống và con người của mình!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………………………

    Suy Niệm 2: Dứt khoát lên đường theo ánh sao

    Có lẽ ai ai cũng đã nếm thứ cảm giác tai qua nạn khỏi, nỗi phập phồng lo sợ giống như không cánh mà bay: Một người bị lạc trong rừng sâu bỗng dưng có ánh sáng giúp tìm phương hướng; Một người đến xứ lạ sau những lúc đôn đáo ngược xuôi tìm được người chỉ đường dẫn lối cho; Một người bị rơi vào hoàn cảnh rối ren, đường cùng bí lối, … bỗng dưng gặp cơ may thoát hiểm.

    “Có tin có thiêng, có kiêng có lành” – Là người Kitô hữu khi gặp khó khăn chúng ta chạy đến nhà thờ cầu xin Chúa, khấn xin Đức Mẹ, các thánh, … Những tấm bảng tạ ơn nơi những trung tâm hành hương như Đất thánh, Fatima, Lộ Đức và muôn vàn nơi khác là một bằng chứng hùng hồn của lòng tin. Thật không thiếu gì những người đã được Thiên Chúa soi sáng chỉ đường dẫn lối, nhận biết ra ý muốn của Ngài, khám phá ra sứ mạng của mình và cuối cùng đã chọn lựa một con đường để đi. Và ai được chữa lành, ai được giúp gỡ mối tơ lòng, chấp nhận theo ánh sáng Chúa chỉ đường, sẽ đủ sức thay đổi cuộc đời, …

    Ba nhà chiêm tinh sống trong nhung lụa, ngày ngày yến tiệc linh đình. Họ sống hạnh phúc hay không thì không ai biết rõ, nhưng chắn chắn phải có một động lực nào mạnh mẽ đến độ có khả năng thúc đẩy họ gom góp những gì họ coi trọng nhất để lên đường theo ánh sao chỉ đường! Ngày hôm nay chúng ta cũng nên noi gương họ sẵn sàng khăn gói quả mướp để lên đường: vàng tượng trưng cho tình yêu, nhũ hương những thao thức ước mơ và mộc dược những đau khổ muộn phiền. Nỗi thèm khát danh lợi, có một muốn hai, có voi đòi tiên; Lòng tham vô đáy muốn được Thiên Chúa đổ đầy – Đây chính là động cơ thúc đẩy, điều khiển mọi hành vi của chúng ta khi tích cực tham gia sinh hoạt đạo cũng như đời.

    Lễ Chúa Hiển Linh chính là một lời mời gọi chúng ta noi gương bắt chước ba nhà chiêm tinh. Bởi vì ánh sáng của đêm cực thánh, giờ mà Con Chúa mặc xác phàm, đã trở thành sự thách đố đối với con người. Ba nhà chiêm tinh dù sao đi nữa cũng chỉ là con người như chúng ta. Họ chấp nhận lên đường theo tiếng gọi của con tim nhưng bề ngoài họ vẫn không để mất bản sắc đế vương. Họ đã đem những gì họ quý báu nhất để dâng tiến Hài nhi nơi máng cỏ. Con đường họ đã đi qua cũng là con đường dành cho mỗi người trong chúng ta. Chúng ta sẽ được dẫn đến Giêrusalem và được thấy những gì chúng ta không nên noi gương bắt chước: Hêrôđê và những bậc quân sư, những thượng tế và luật sĩ! Họ cảm thấy bị đe doạ và cố tình tránh né ánh sáng. Họ dùng quyền bính của mình để trấn áp kẻ khác và trở thành mối đe doạ cho kẻ khác. Thực ra họ sống sung túc. Họ đã có tất cả: tiền tài, danh vọng, quyền bính, … Họ thoả mãn với những gì họ đạt được. Nỗi thống khổ chung quanh họ chẳng đoái hoài tới. Sự đen tối trong tâm hồn của bản thân mình họ cũng chẳng màng. Họ biết rõ nơi Ngôi Hai, con vua trời sinh hạ, họ biết đường tới hang Belem nhưng chính họ lại không đủ can đảm dứt bỏ tất cả để lên đường.

      “Đứng lên … vì ánh sáng của ngươi đến rồi” – Ba nhà chiêm tinh không dám chểnh mảng, không để những gì xẩy ra chung quanh chi phối, chỉ biết chú tâm tiến đến đích bởi vì họ biết rõ họ muốn gì. Còn bản thân chúng ta thì sao? Thành thật mà nói: trong chúng ta có phần của ba nhà chiêm tinh nhưng cũng có cả phần của vua Hêrôđê và đám tuỳ tùng của ông ta. Chúng ta muốn thay đổi, muốn sống hạnh phúc và sung túc. Chúng ta cảm thấy mình bất toàn yếu đuối, phải chịu đựng cảnh đen tối chung quanh cũng như trong tâm hồn. Đôi lúc chúng ta cũng hài lòng với những gì mình đạt được. An cư lạc nghiệp là phương châm của cuộc sống. Chúng ta không đủ can đảm mạo hiểm, từ bỏ tất cả để theo ánh sao chỉ đường. Nhưng ai sẵn sàng noi gương bắt chước ba nhà chiêm tinh thì sẽ thành đuốc sáng soi đường cho kẻ khác. Dĩ nhiên chúng ta đừng mang ảo tưởng, chỉ cần một bước đã tới trời. Chúng ta cần cả cuộc đời mới hoàn thành sứ mệnh. Nhưng đừng lo: Chỉ cần mỗi ngày chúng ta biết mở rộng cõi lòng đón nhận ánh sáng và làm cho ánh sáng lan toả chúng ta sẽ cảm nghiệm và thâm tín rằng, ánh sáng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho thế gian sẽ không bao giờ bị thu hồi lại.

    Lm. Phêrô Trần Minh Đức

    …………………………

    Suy Niệm 3: TRỞ NÊN ÁNH SAO ĐƯA NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA

    Phụng vụ hôm nay liên kết chặt chẽ với phụng vụ của Lễ Giáng Sinh chúng ta đã cử hành và Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa chúng ta sẽ cử hành tuần tới. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Đấng duy nhất nhìn thấy Chúa Cha (x. Ga 1:18); Ngài đến để đưa chúng ta về với Chúa Cha (x. Ga 14:3). “Ánh sáng” giúp các mục đồng nhận ra Hài Nhi Giêsu là các thiên thần. Trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa tuần tới, Thánh Gioan Tẩy Giả sẽ là ngôi sao để chỉ ra Đấng chịu Phép Rửa trên sông Gio-đan là Đấng nhập thể trong Lễ Giáng Sinh và Đấng tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh hôm nay. Và hôm nay, ngôi sao dẫn ba nhà Chiêm Tinh đến với Chúa Giêsu là ngôi sao xuất hiện từ phương đông. Chúng ta nhận thấy rằng: Mọi tạo vật đều được mời gọi để trở thành ngôi sao đưa người khác đến với Chúa Giêsu, dù đó là Thiên thần, con người, hay thiên nhiên. Tất cả đều quy chiếu về Đức Kitô, Đấng nhập thể “làm người” để con người được “làm con Thiên Chúa.”

    Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về viễn cảnh Giêrusalem sẽ trở thành ánh sáng cho muôn dân đến với Đức Chúa. Để trở nên ánh sáng Giêrusalem phải ‘đứng lên’ và ‘bừng sáng lên.’ Hai hành động này ám chỉ việc Giêrusalem cần phải đi ra khỏi bóng đen của nô lệ tội lỗi để ‘vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi’ (Is 60:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là việc ánh sáng của Giêrusalem không phải tự mình mà có, nhưng là ‘phản chiếu’ của ánh bình minh và vinh quang của Đức Chúa. Nói cách khác, chỉ khi Giêrusalem để cho Đức Chúa như bình minh chiếu toả và vinh quang Ngài xuất hiện trên mình thì Giêrusalem mới trở thành ánh sáng để soi chiếu cho “chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60:3). Chỉ trong ánh sáng của Đức Chúa mà Giêrusalem sẽ trở nên hớn hở từng bừng và trở nên khí cụ để qua ánh sáng của mình muôn dân sẽ “loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60:6). Lời Chúa trong bài đọc 1 mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình dưới hai khía cạnh: Thứ nhất, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng để soi chiếu cho người khác đến với Chúa. Thứ hai, ánh sáng chúng ta có là ‘phản chiếu’ ánh sáng của Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, thay vì trở nên ánh sáng cho người khác, chúng ta mang bóng tối đến cuộc đời của họ. Đó là những lúc chúng ta không phản chiếu tình yêu của Chúa cho anh chị em mình. Nói cách cụ thể hơn, đức tin và việc làm của chúng ta không đi đôi với nhau. Ngôn Sứ Isaia mời gọi chúng ta biến cuộc sống của mình thành ‘tấm gương’ để qua đó bất kỳ ai nhìn vào cũng nhận ra hình ảnh Thiên Chúa phản chiếu trong đó.

    Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chia sẻ với các tín hữu Êphêsô về ơn gọi và kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài liên quan đến những người Ngài sẽ phục vụ (x. Ep 3:2). Ơn gọi và kế hoạch này là “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa là dành cho hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một ‘dân tộc được tuyển chọn.’ Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã mời gọi tất cả chúng ta chia sẻ trong sứ vụ làm cho ơn cứu độ của Ngài được mọi người biết đến và đón nhận. Ngài cũng dùng nhiều phương tiện khác nhau để dẫn con người đến với Ngài. Đây là điều được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay.

    Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hành trình của ba nhà chiêm tinh tìm kiếm Vua dân Do Thái mới sinh. Bên cạnh đó, Thánh sử Gioan cũng trình bày các “phương tiện” hay “con đường” dẫn con người đến với Đức Ki-tô. Các phương tiện này được xếp theo một trình tự từ xa đến gần, và chúng ta có thể nói, từ ít chắc chắn đến chắc chắn. Thứ tự được xếp như sau: Thiên nhiên (ngôi sao từ phương đông) – con người (Hê-rô-đê và các kinh sư, biệt phái) – Kinh Thánh (đặc biệt là lời các ngôn sứ). Đây là những ánh sao mà chúng ta đã đề cập ở trên. Quả vậy, nhìn những ánh sao này, chúng ta không khỏi tự hỏi về ánh sao của đời mình: Đang chiếu sáng để dẫn người khác đến với Chúa Giêsu; đang bị che khuất bởi nhiều lo lắng của trần gian; hoặc đã không còn chiếu sáng. Nói một cách thực tế hơn, tất cả chúng ta đã nhìn thấy sao đêm. Có người đã xem bộ phim “chiến tranh giữa các vì sao” của George Lucas; nhiều người cũng đã đọc và có thể đã gặp nhiều ngôi sao về nhạc, về thể thao, về phim ảnh. Chúng ta muốn trở thành những ngôi sao giống những người nổi tiếng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Những ngôi sao đó có dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu không? Ngôi sao tuyệt với nhất là ngôi sao dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu! Tất cả chúng trở thành ngôi sao khi chúng ta đưa người khác đến với Chúa Giêsu: Cha mẹ là ngôi sao của con cái; bạn bè là ngôi sao của nhau.

    Hơn nữa, bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa chúng ta đối diện với một vấn nạn trong cuộc sống mà đôi khi vì quá bận rộn chúng ta không có thời gian để hỏi: Chúng ta đang tìm gì trong cuộc sống? Nghề nghiệp, tiền tài, danh vọng, một tình yêu chân thật, hay một gia đình hạnh phúc? Trên đỉnh cao của sự nghiệp, ba nhà chiêm tinh đi tìm Chúa Giêsu, Hài Nhi mới sinh (vị vua mới sinh). Trên đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng, họ không tìm kiếm giải trí, thêm tiền của và ảnh hưởng. Họ không tìm một cái gì, nhưng họ tìm một “Ai Đó.” Họ tìm Chúa Giêsu. Họ dạy chúng ta về việc đặt giá trị con người lên trên giá trị vật chất: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bạn bè và nước trời bằng những của cải chóng qua. Chúng ta tự hỏi: Gia đình và các thành viên trong gia đình [cộng đoàn] quan trọng hơn tiền tài và công việc không? Chúa Giêsu có quan trọng đối với chúng ta không?

    Nhìn vào ba nhà Chiên Tinh, chúng ta rút ra được thêm gì cho cuộc sống ngoài việc đặt Thiên Chúa và nhân phẩm người khác lên trên giá trị vật chất?  Chúng ta có thể rút ra bốn điểm cụ thể sau:

    Thứ nhất, qua hành trình của mình, ba nhà Chiêm Tinh dạy chúng ta rằng: Hành trình tìm Chúa Giêsu không phải là một hành trình dễ dàng. Có những lúc đi trong hân hoan vui sướng vì có “ánh sao” soi đường, nhưng cũng nhiều phen phải đi trong bóng đêm vô định mà không có phương hướng. Để thực hiện hành trình tìm Chúa Giêsu, các ông phải đi ra khỏi đất nước của mình, nơi họ cảm thấy gần gũi và an toàn; đi xa khỏi những người thân, những tiện nghi của cuộc sống hằng ngày và sẵn sàng chấp nhận những bất tiện và thiếu thốn của hành trình. Chúng ta cũng thế, nếu muốn tìm gặp Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải đi ra khỏi những tiện nghi và ồn ào của đời sống thường ngày và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ bất tiện và mệt nhọc nào mà hành trình mang lại cho chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi mình: Những tiện nghi nào trong cuộc sống thường ngày đã giữ tôi lại hoặc làm cho tôi chùn bước, không còn hăng hái tiến lên trong hành trình tìm Chúa của tôi? Những tiện nghi đó có thể là công việc, lười biếng, ghen tỵ, giải trí, “vui chơi” với bạn bè chăng?

    Điều thứ hai chúng ta có thể học ở nơi ba nhà Chiêm Tinh là: Họ sử dụng công việc của họ để khám phá ra Chúa Giêsu và đưa họ đến với nhau. Là những nhà chiêm tinh, công việc của họ là nghiên cứu các ngôi sao và tinh tú. Chính khi thực hiện công việc của mình cách thấu đáo, và với đông lực “hướng về trời cao,” họ khám phá ra Chúa Giêsu, vị vua của Dân Do Thái. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có xem công việc của chúng ta là phương thế để chúng ta khám phá ra Thiên Chúa không, hay chúng ta xem công việc chỉ là một gánh nặng và càng ngày càng đưa chúng ta xa Chúa và xa người khác?

    Điểm thứ ba là: Đừng đến thờ lạy Chúa Giêsu với hai bàn tay trắng. Ba vua đem quà đến dâng cho Vua mới sinh: (1) Vua Gas-pa dâng Vàng: để tôn kính (tượng trưng cho) vương quyền của Đức Ki-tô (Ngài là vua); (2) Vua Balthasa dâng nhũ hương: để tôn kính thần tính của Chúa Giêsu; (3) Vua Melchior dâng mộc dược: để tôn kính nhân tính của Chúa Giêsu (mộc dược được dùng và việc tẩm liệm Chúa Giêsu (x. Ga 19:39). Chúng ta có gì để dâng cho Chúa trong thánh lễ hôm nay không? Và món quà của chúng ta để tôn kính điều gì?

    Điểm cuối cùng là: Sau khi gặp Chúa Giêsu, ba nhà chiêm tinh đi đường khác để trở về xứ sở mình. Cũng vậy, chúng ta phải thay đổi, không sống theo lối sống cũ sau khi gặp Chúa Giêsu, nhất là trong thánh lễ: Những ai gặp Chúa Giêsu không trở về cùng con đường khi đi đến! Thật vậy, gặp Chúa Giêsu luôn mang lại sự thay đổi tận căn! Đây là tiêu chuẩn để biết một người có gặp Chúa Giêsu hay không: Họ sống một cuộc sống yêu thương và tha thứ hơn!

    Lm. Anthony, SDB.

    …………………………………………….

    Suy Niệm 4: THIÊN CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHÂN LOẠI

    A. DẪN NHẬP

    Lễ hôm nay là lễ “Hiển linh” mà ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua. “Hiển linh” là biểu lộ thần tính. Điều mà Giáo hội kính nhớ và vui mừng cử hành là việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến và tỏ mình ra cho nhân loại.

    Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia tiên báo là ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Israel và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Lời sấm ấy đã được ứng nghiệm, vì Con Thiên Chúa đã giáng thế, sinh ra tại Bêlem, các đạo sĩ đã đại diện cho các dân ngoại mà tìm đến và thờ lạy Ngài.

    Bài Tin mừng kể lại cho chúng ta sự kiện các đạo sĩ Đông phương tới Bêlem để tìm kiếm và thờ lạy Chúa Cứu thế. Thánh Matthêu nêu ra cho chúng ta những thái độ khác nhau của từng hạng người trước việc Chúa Cứu thế tỏ mình ra : kẻ chấp nhận, người từ chối. Việc Chúa Cứu Thế tỏ mình ra cho các đạo sĩ nói lên lòng thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân ngoại.

    Chúng ta cũng là dân ngoại đã được Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng vẫn còn phải tiếp tục tìm gặp Ngài qua Thánh Kinh, qua Giáo hội và qua các biến cố trong đời sống thường ngày. Để đáp lại tình thương ấy, chúng ta phải cố gắng trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời (bài đọc 2) để soi dẫn cho những ai chưa biết Chúa tìm đến gặp Ngài, qua cuộc sống tràn đầy tình thương và phục vụ của chúng ta trong thế giới hôm nay.

    B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

     +  Bài đọc 1 : Is 60,1-6.

    Mặc dầu phải sống cơ cực trong cảnh lưu đầy, bị kẻ thù áp bức, tương lai đen tối mù mịt, niềm hy vọng được giải thoát đã mờ nhạt dần, tiên tri Isaia lại có một giấc mộng rất lạc quan, theo đó, dân Chúa sẽ được trở về quê hương trong tiếng ca vui, mọi người nô nức góp sức trùng tu lại đền thờ Giêrusalem. Lúc đó đền thờ lại được rạng rỡ, sẽ trở thành ánh sáng thu hút muôn dân vì được ánh hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên đó, và mọi người sẽ qui tụ về thành ánh sáng ấy cùng với vàng bạc, đá quí, đồng thời loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa.

    Trong thực tế, dân Chúa đã được giải thoát, trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ, nhưng giấc mơ của tiên tri Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn trong Đức Giêsu, là ánh sáng của trần gian. Giấc mơ của tiên tri Isaia còn hướng về thời cánh chung, khi mọi sự được hoàn tất. Và như thế, tác giả sách Khải huyền có lý khi mượn lại những lời tiên tri hôm nay để nói về Giêrusalem trên trời (x. Kh 21,9-27).

    + Bài đọc 2 : Ep 3,2-3a.5-6.

    Dân Do thái luôn hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa, dân riêng của Lời hứa. Họ tin rằng ơn cứu thoát chỉ được dành riêng cho họ, còn dân ngoại thì bị đẩy ra ngoài. Nhưng thánh Phaolô, cũng là người Do thái, không nghĩ như vậy ! Theo ngài, Thiên Chúa đã mạc khải cho ngài biết : Ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ mọi người, không dành riêng cho ai. Ngày nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri mầu nhiệm Đức Kitô, đó là : trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ lời Thiên Chúa hứa.

    + Bài Tin mừng : Mt 2,1-12.

     Các đạo sĩ Đông phương, là những nhà chiêm tinh, thấy một ngôi sao lạ xuất hiện và với sự soi sáng của ơn trên, các vị biết có Đấng Cứu thế đã ra đời, và các vị đã lên đường triều bái Chúa Hài nhi.

    Có người cho rằng đây không phải là ngôi sao lạ mà chỉ là ngôi sao chổi tình cờ xuất hiện và có sự trùng hợp thôi. Nhưng nếu không lạ thì làm sao, trước khi Giáng sinh, tiên tri Mikea đã viết trong Cựu ước :”Hỡi Belem Eprata, ngươi nhỏ nhất trong Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ sinh ra Đấng cai trị trong Israel”(Mk 5,1)? Các thầy tư tế được vua Hêrôđê triệu tập đến  sau khi các đạo sĩ tới, cũng xác nhận như thế (Mt 2,4-6) mà các đạo sĩ đã thấy NGÔI SAO của Chúa bên phương Đông, nên đến thờ lậy (Mt 2,2).

    Nếu tiên tri Mikea không được Thiên Chúa mạc khải làm sao ông ấy biết và nói trước đúng thời gian và địa điểm ? Nếu đó chỉ là “ngôi sao chổi” tự nhiên, thì tại sao nó lại hướng dẫn được các đạo sĩ từ phương Đông xa xăm đến tận nước Do thái. Tại sao khi nó hướng dẫn các đạo sĩ đến Giêrusalem thì nó lại “biến” mất ? Tại sao nó lại tái xuất hiện và “đi trước mặt cho đến ngay chỗ con trẻ sinh ra mới dừng lại” ? Nếu là sự trùng hợp thì tại sao sự trùng hợp ấy lại được các đạo sĩ phương Đông biết trước mà đi tìm Chúa Cứu thế ? Vì vậy, phải gọi là “Ánh sao Belem”.

    Vì thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức Do thái ở Giêrusalem tuy thông thạo Thánh kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.


    C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                  Lễ của ánh sáng và quà tặng

     I. HIỂN LINH VÀ NGÔI SAO LẠ

     

    1. Ý nghĩa ngôi sao lạ

    Theo quan niệm của người Đông phương. Sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ đến một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông phương đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn một môn chiêm tinh học với các khoa tử vi.

    Hôm nay Giáo hội kể lại biến cố ba nhà thông thái đến triều bái Chúa Hài nhi . Magi có nghĩa là những nhà khoa học kinh nghiệm (Nature Scientist), họ là những chiêm tinh gia và những nhà thiên văn. Họ đến từ phương Đông, dĩ nhiên họ không phải là người Do thái. Và chỉ hỏi có hai câu : Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người.

     Có nhiều người cho rằng có lẽ các khoa học gia này đã nhìn thấy sao chổi và đi theo. Nhưng năm 1603, nhà toán kiêm thiên văn Johannes Képler giải thích theo tài liệu cho thấy vào năm Chúa Giáng sinh có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng : bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau, năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.

    Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ? Nhưng điểm muốn nhấn mạnh ở đây, là tại sao các nhà thông thái biết chắc chắn là vua Do thái đã sinh ra. (Chúng ta biết rằng các nhà khoa học không bao giờ hấp tấp kết luận một cách hồ đồ). Phải chăng các ngài đã được Thiên Chúa mạc khải ? Đúng thế ! Ngôi sao trên bầu trời Belem đã dẫn các đạo sĩ Đông phương trải qua một cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy hiểm đã đem các ông đến nơi Con Trẻ mà các ông muốn tìm kiếm.  Chính ngôi sao đã bảo tồn cho họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức tin mà Thiên Chúa đã mạc khải cho. Cũng chính ngôi sao  đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là Vua của họ để họ chuẩn bị lễ vật triều kính Ngài.

    1. Ý nghĩa ngày lễ

     Như vậy, lễ Hiển linh là một ngày lễ cách mạng. Đức Kitô được mạc khải như là Đấng Cứu độ, không phải là của một nhóm người được chọn, nhưng của tất cả mọi dân tộc. Đức Giêsu đã bẻ gẫy rào cản lớn tồn tại giữa dân Do thái và dân ngoại. Trên thực tế, sứ điệp của Đức Giêsu, người Anh Cả của toàn thể vũ trụ, đã vượt qua tất cả những rào cản của bộ tộc, họ hàng.

    Lễ Hiển linh là một ngày lễ đẹp, bởi vì ngày lễ này đưa mọi người lại với nhau.”Bấy giờ, tất cả mọi người đều được chia sẻ cũng một quyền thừa kế, họ trở nên một phần của cùng một thân thể”.

     II. HIỂN LINH VÀ ÁNH SÁNG

    1. Đức Giêsu và ánh sáng

    Trong bài khởi đầu sách Tin mừng thứ tư, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là ánh sáng:”Ở nơi Người vẫn có sự sống và sự sống là sự sáng của nhân loại, sự sáng chiếu soi trong u tối và u tối đã không tiếp nhận sự sáng”(Ga 1,4). Và sau này chính Đức Giêsu cũng xác định điều đó. Cho nên, cần phải có sự hiện diện của Chúa ở trần gian  để trần gian biết đường đi và khỏi bị vấp ngã.

    Trong ấn bản trên mạng của tuần báo Newsweek vào ngày 5 tháng 12 năm 2004, sau một cuộc thăm dò các độc giả về niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi được hỏi là liệu thế giới ngày nay sẽ trở nên tốt lành hay xấu xa hơn nếu như không hề có Chúa Giêsu, thì

    – 61% trả lời rằng : thế giới hôm nay sẽ xấu xa và tan tác hơn nếu như không có Chúa Giêsu.

    – 47% nói rằng :  sẽ có nhiều cuộc chiến tương tàn hơn, nếu như Chúa Giêsu không tồn tại nơi thế giới này. (16 % thì nói ngược lại, và 26% thì cho rằng thế giới cũng giống như vậy nếu có hay không có Chúa Giêsu).

    – 63% nói rằng sẽ có ít lòng nhân ái hơn, và 58% thì cho rằng sẽ có ít lòng khoan dung hơn nếu như không có Chúa Giêsu. 59% thì cho biết hạnh phúc cá nhân sẽ bị mất đi và 38% tin rằng sẽ có nhiều sự chia rẽ về tôn giáo nếu như thế giới này không có Chúa Giêsu (Báo Công giáo và dân tộc, số 1487-1488, tr 53).

    1. Chúng ta và ánh sáng thế gian

    Những người theo Chúa thì được Chúa soi sáng, cho nên cũng phải là ánh sáng mặc dù chỉ là ánh sáng phản chiếu:”Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,14) Và nếu đã là ánh sáng thì phải tỏa ra như Chúa dạy:”Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,15-16).

    Ánh sáng của ngọn đèn chúng ta chỉ leo lét, yếu ớt, nhưng cũng làm nên một đốm sáng trong đêm tối và nếu như đốm sáng chiếu soi thì có thể làm cho bầu trời tối tăm trở nên sáng rực. Cuộc sống gương mẫu của chúng ta chỉ rất nhỏ, rất mờ nhạt trong cộng đoàn, nhưng nó cũng làm cho cộng đoàn trở nên chứng tá lớn cho xã hội chưa nhận biết Chúa.

    Truyện : Ánh sáng ở vận động trường.

    Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước 100.000 người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa kỳ. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và  nói:”Bây giờ xin các bạn đừng sợ ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

    Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dầy đặc. Ông John Keller nói tiếp:”Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên : Đã thấy”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên : “Đã thấy”.

    Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích :”Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tối tăm của nhân loại y như vậy”.

    Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh :”Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên”. Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

    Ông Keller kết luận:”Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”(Lẽ sống, tr 143).

    Các đạo sĩ phương Đông đã nhờ ngôi sao lạ của “Vua dân Do thái sinh ra” tức Hài Nhi Giêsu, mà đến được Be lem và gặp được Hài nhi Giêsu cùng Mẹ Người là Bà Maria. Cũng thế, 90 triệu người Việt nam nói riêng và hàng trăm triệu người châu Á nói chung sẽ chỉ nhận ra Đức Giêsu là Cứu Chúa nếu mỗi người Công giáo Việt nam là một SAO dẫn đường chỉ lối cho họ.

    Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta  là con người thời nay trông chờ (và tin tưởng) các chứng  nhân hơn là các thầy dạy, vì có nhiều thầy dạy lại dạy một đàng mà sống một nẻo, thậm chí sống ngược lại những điều họ giảng dạy, chẳng khác gì các Biệt phái và Pharisêu thời Chúa Giêsu. Trong cụ thể, chỉ khi người Kitô hữu sống tinh thần Bát phúc, sống yêu thương, trách nhiệm, công bình, thanh liêm, hy sinh, phục vụ tha nhân và ích chung thì mới thành SAO trên bầu trời và trong cộng đồng con người được.

    1. Mỗi người là một ánh sao

    Thánh Gioan tông đồ nói:”Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối nhưng bóng tối không chấp nhận ánh sáng”(Ga 1,4-5). Nếu thế gian không chấp nhận Chúa Giêsu là ánh sáng thì thế gian vẫn ở trong bóng tối. Chúng ta phải làm sao cho thế gian nhận được Chúa Giêsu thì chúng ta phải soi sáng cho họ. Vì thế, trong thư gửi cho tín hữu Philipphê, thánh Phaolô tông đồ đã khuyên:”Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).

     Tại sao chúng ta, các Kitô hữu là những ngôi sao ? Thánh Phaolô tông đồ giải thích :”Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Ngài muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta.

    Nói cách khác hơn, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8). Cho nên cách sống yêu thương của chúng ta  làm cho người khác nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời đêm tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy .

    Trong đời sống xã hội hôm nay có rất nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, đủ mọi lãnh vực, ví dụ ngôi sao nhạc rock, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá, thôi thì loạn cào cào với các vì sao ! Có những người chưa xứng đáng là “sao” mà cũng tự nhận mình là sao, thậm chí có những người vênh váo tự phong mình là “siêu sao” !

    Trong phạm vi tôn giáo, ta thấy có những Kitô hữu âm thầm sống bác ái yêu thương, chiếu tỏa nhân đức cho những người chung quanh, nhưng chỉ dám nhận mình là tôi tớ vô dụng, chỉ làm theo nhiệm vụ của mình. Thời nay, chân phước Têrêsa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao la cũng là vì sao chiếu sáng trên vòm trời của thế kỷ 21.

    Là Kitô hữu, chúng ta phải là những vì sao lấp lánh trên vòm trời. Chúng ta có thể trở thành SAO MAI được chăng ? Sao mai chính là Kim tinh ở cách xa mặt trời 108 triệu cây số. Kim tinh tương đối gần mặt trời (nó xoay quanh mặt trời trong vòng 224,7 ngày) vì thế nó sáng hơn. Ta thấy nó mọc trước khi mặt trời mọc và lặn sau khi mặt trời lặn. Người xưa đã có thời lầm, cho đó là hai ngôi sao khác biệt : sao mai và sao hôm.

    Ánh sáng của SAO MAI (Kim tinh) thật là rực rỡ, làm cho người ta liên tưởng đến những gì đẹp đẽ mỹ miều nhất:”Đẹp như ánh sao mai”. Đó là câu chúng ta vẫn thường nói. Và đặc biệt, Kim tinh, Ngôi sao mai đã được dùng để chỉ Đức trinh nữ Maria : Stella matutina (Đức Bà như Ngôi Sao mai sáng vậy). Nhiều bài ca kính Đức Mẹ đã hoan hô Ngài bằng danh từ ấy : Bà là ai như hào quang Thiên Chúa, như mùa xuân không úa, như vì SAO MAI rạng, như chính cửa thiên đàng (Hoàng Diệp).

    Sang thế kỷ 21 này, Thiên Chúa vẫn còn muốn Hiển linh, nghĩa là muốn tỏ mình ra cho nhân loại thế kỷ này. Chúa vẫn cần những ngôi sao lạ chiếu sáng trên vòm trời thế hệ này. Những ngôi sao ấy là chính chúng ta.

    III. HIỂN LINH VÀ QUÀ TẶNG

     Những nỗ lực của các đạo sĩ không bị từ chối. Thánh Matthêu cho biết sau khi rời khỏi Giêrusalem thì bấy giờ “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Và sau khi đã gặp thấy Hài Nhi và thân mẫu là Maria, “họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11).

     Các Giáo phụ thường giải thích các lễ vật dâng Chúa Hài nhi theo nghĩa tượng trưng : Vàng chỉ Hài nhi là Vua; nhũ hương chỉ thần tính, và mộc dược chỉ nhân tính. Có người lại giải thích ý nghĩa ba lễ vật đó như sau : Vàng ám chỉ đức tin, thể hiện qua thái độ phục bái suy tôn, nhũ hương ám chỉ đức cậy, thể hiện qua tâm tình cầu nguyện sốt sắng; mộc dược ám chỉ đức mến, thể hiện qua những hy sinh khiêm nhường phục vụ tha nhân.

    Truyện : Món quà của Artaban.

    Henry van Dyke có thuật lại câu chuyện, nhan đề The Other Wise Man (còn một nhà đạo sĩ khác nữa), kể về nhân vật thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị vua vừa sinh ra. Nhân vật này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban mang theo một túi đựng đá quí để dâng tặng Ấu Vương. Thế nhưng trên đường đến gặp ba vị thông thái kia để cùng đi, Artaban lại dừng chân để giúp một người nghèo khổ và thế là ông ta bỏ mất cơ hội theo kịp các vị kia. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục kiên trì dừng lại giúp đỡ những ai gặp khốn khó. Cuối cùng ông cho đi tất cả số đá quí của mình. Kết cuộc Artaban đã trở nên già nua và nghèo khổ. Và ông chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ gặp được vị vua các vua để đặt túi đá quí của ông dưới chân Ngài.

    Câu chuyện The Other Wise Man có thể kết thúc ở đây, nhưng nếu chỉ có thế thì đây quả là một câu chuyện đáng buồn vì nó kể chuyện một người chưa thực hiện được giấc mộng lớn của đời mình. Nhưng may thay, câu chuyện đã không kết thúc ở đây. Một ngày kia Artaban đang ở trong thành Giêrusalem, cả thành phố đầy xôn xao, náo nhiệt vì nhà cầm quyền sắp sửa hành hình một tội nhân. Khi Artaban nhìn thấy tội nhân, trái tim ông đập lên thình thịch. Linh tính cho ông biết đây chính là Vua các vì vua mà ông đã suốt đời tìm kiếm. Nhìn cảnh tượng trước mắt , Artaban cảm thấy trái tim như tan vỡ ra, nhất là vì ông chẳng có thể làm được gì để giúp đỡ vị vua ấy. Thế nhưng thật kỳ diệu thay khi Artaban nghe tiếng vị vua ấy nói cùng ông:”Này Artaban, đừng buồn khổ nữa. Suốt đời ông đã từng giúp đỡ ta. Khi ta đói ông đã cho ta ăn, ta khát, ông đã cho ta uống, ta trần trụi ông đã mặc áo cho, ta là khách lạ, ông đã đón ta vào nhà” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 50-51).

    Như thế, lễ Hiển linh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều có một món quà để dâng tặng cho vị Vua trên các Vua. Và câu chuyện “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa” nhắc chúng ta nhớ rằng món quà của chúng ta còn quí giá hơn những món quà của các đạo sĩ, bởi vì món quà của chúng ta dâng không phải chỉ là tặng phẩm trao dâng một lần như vàng, nhũ hương và mộc dược, mà chính là món quà liên lỉ của tình yêu và tinh thần phục vụ tha nhân.  Nhiều người sẽ cho rằng chúng ta điên rồ khi tặng dâng những món quà này, nhưng chẳng qua là vì họ  không biết được màn cuối của câu chuyện khi mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với Artaban:”Hãy đến đây, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng vương quốc dành sẵn cho các con từ thuở khai thiên lập địa, vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…(x. Mt 25,34-35).

     Lễ Hiển linh thách thức tâm hồn chúng ta cởi mở tâm hồn của mình ra. Khi biết cởi mở tâm hồn, là bắt đầu biết sống. Đức Giêsu không cần đến những quà tặng của chúng ta, nhưng người khác có thể cần đến. Người mong muốn chúng ta  chia sẻ chính bản thân chúng ta cho người khác. Và nếu nhờ được biết Đức Giêsu, mà chúng ta có khả năng mở kho tàng của tâm hồn mình ra, và chia sẻ cho người khác, thì chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy mình được trở nên phong phú hơn.

    IV. HIỂN LINH VÀ TÌM KIẾM

     Đối với các nhà bác học Đông phương, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh thánh:”Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel”(Ds 24,17). Vì vậy, khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Giacóp” hầu tìm ra con đường sáng cho mình, cho thế giới u minh.

    Ba nhà bác học đã đến từ quốc gia xa xôi, để thần phục Hài nhi Giêsu trong khi các đại giáo trưởng, các luật sĩ Do thái (Mt 2,4) họ có không phải chỉ một ngôi sao đêm lấp lánh trên nền trời, mà họ có cả một thư viện, đầy sách vở. Họ có Thánh kinh mà họ mang trên ngực, chít trên đầu. Họ am hiểu các tiên tri về Chúa Cứu thế. Họ biết nhưng họ không thấy, hay không muốn thấy. Chúa sinh ra cách đó có 8 cây số, các thiên thần ca hát trên không trung, các mục đồng lao nhao rủ nhau đi thờ lạy. Nói chung, cả dân tộc Do thái và nhân loại không nhìn thấy ngôi sao và cũng không để tâm nghiên cứu tìm hiểu.

    Ngày nay cũng như cách nay hơn 2000 năm, mọi người phải cố gắng tìm ra Chúa. Phải cố gắng tìm gặp Chúa qua các biến cố của đời sống hôm nay. Hơn nữa, suốt đời sống đạo của chúng ta là một cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng. Do đó, những ai tự mãn cho rằng mình đã gặp được Chúa qua cái nhãn hiệu công giáo bên ngoài, qua việc lãnh nhận các phép bí tích như một cái máy không hồn, qua việc học hỏi giáo lý sơ sài, để rồi không chịu khó nhờ vào các biến cố thực tế của đời sống để gặp Chúa, yêu Chúa qua anh em thì mãi mãi họ chẳng những không tìm thấy Ngài mà còn mất Ngài nữa.

    Chúng ta vừa là người tìm kiếm vừa là ánh sao soi cho người khác đi tìm kiếm Chúa. Cuộc đời của chúng ta  bên kẻ khác chỉ có nghĩa khi nào sự hiện diện của chúng ta  là một lời mời gọi, dẫn đưa người khác cùng với chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta chỉ sống trọn vẹn ý nghĩa đời con Chúa khi cuộc sống của chúng ta là một ánh sao dẫn lối cho anh chị em chúng ta đến với Chúa.

    Sách Tin mừng nói:”Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, dâng lễ vật, họ nhận được mộng báo đừng trở lại với Hêrođê, họ đi qua đường khác, trở về xứ sở mình”(Mt 2,12). Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, đã được soi sáng, đã không trở về với Hêrôđê, tượng trưng cho dục vọng, tham ô, tội lỗi, mà đã qua đường khác, nghĩa là đã thay đổi nếp sống và trở về làm tông đồ. Làm chứng tá, rao giảng Tin mừng khắp nơi, không phải ở Đông phương mà ở cả Tây phương. Tục truyền rằng Ba vua đã qua giảng đạo tận Tây Đức và hiện nay có mộ ba vị ấy ở thành Cologne, trên bờ sông Rhin ở Tây Đức.

    Đó cũng là bài học cho chúng ta. Chúng ta cũng là dân ngoại, nhưng được Chúa hiển linh, được ngôi sao của Chúa hướng dẫn thì nay chúng ta cũng phải trở nên ngôi sao hướng dẫn kẻ khác đến với Chúa, bằng lời nói, bằng việc làm, và cả cuộc sống chúng ta.

    Trong công đồng Vatican II, có một vị Hồng y da đen Phi châu đã nói với các nghị phụ khi bàn đến lòng đạo đức sa sút ở các nước Tây phương rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ dùng chúng tôi để rao giảng Tin mừng lại cho các nước Tây phương. Đó không phải là sự kiêu hãnh, mà là một bổn phận sau khi đã được ơn hiển linh, như lời thánh Phaolô trong bài đọc 2:”Nhờ Tin mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một bản thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”(Ep 3,6).

    Người ta nói : có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt. Không, không có ai là ngôi sao xấu. Tất cả đều là ngôi sao tốt. Trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng, một vai trò nào đó. Vì thế, không ai được tự ti mặc cảm, chán nản thất vọng. Cũng không ai được tự tôn tự phụ, huênh hoang…Chúng ta hãy sống thực sự là một con người, hơn nữa, thực sự là một người con Chúa.

    Trong ngày lễ Hiển linh, chúng ta cảm đội ơn Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại vì chúng ta một thời cũng là dân ngoại. Cái thái độ và mục đích của các đạo sĩ trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa khiến ta cần tìm hiểu và học hỏi. Họ chân thành tìm Chúa để thờ lạy Người chứ không giả hình như vua Hêrôđê. Hêrôđê khi nghe Đấng Cứu thế mới sinh thì bối rối sợ hãi vì sợ mất ngai vàng. Còn các nhà thông thái thì nhửng nhưng vì họ cậy họ có sẵn kho tàng Kinh thánh. Họ cho rằng nếu Chúa Cứu thế xuất hiện  thì tự nhiên họ phải biết chứ không cần đi tìm kiếm. Cái thái độ tự mãn đó làm họ mù quáng không nhận ra ngôi sao lạ để đi tìm Chúa.

    Ba Vua đã được hân hạnh đến triều bái Chúa Hài nhi, dâng lễ vật cho Ngài. Chúng ta cũng lưu ý rằng lúc Ba vua đang thờ lạy và dâng lễ vật thì có Mẹ Maria ở đó. Chắc Mẹ Maria đã nhận lấy những lễ vật ấy và nói vài lời cảm ơn các ông thay cho Chúa Giêsu. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ những tâm tình của chúng ta trong ngày lễ hôm nay :

    Lạy Mẹ, cuộc đời của con cũng là cuộc hành trình đi tìm Chúa. Ánh sáng Chúa vẫn luôn dẫn lối chỉ đường cho con. Đó chính là những lời của Chúa trong Thánh Kinh. Chúa đang dẫn con từng bước qua lời dạy của Giáo hội như một ánh sao đặc biệt. Các đạo sĩ đã nhận ra Chúa, vì họ đã nỗ lực tìm kiếm. Con cũng muốn noi gương các vị đạo sĩ, luôn quên mình bất chấp mọi khó khăn đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Con quyết tâm mỗi ngày nhận ra Chúa nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật. Đây không phải là chuyện dễ làm ! Xin Mẹ thương giúp con. Con sợ lòng kiêu căng và sự tự mãn làm con ra mù tối đến nỗi không gặp được Chúa như Hêrôđê và các luật sĩ xưa. Nhưng con chân thành chạy đến với Mẹ. Xin Mẹ thương giúp đỡ con”(Đan Vinh).

     

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt

                                                                                

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com