Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Trong bài giáo lý cuối cùng về Chúa Thánh Thần và Giáo hội, chúng ta nhìn nhận Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của niềm hy vọng của Giáo hội về sự trở lại của Chúa trong vinh quang và việc hoàn thành kế hoạch cứu độ của Người vào ngày tận thế. Tân Ước kết thúc với việc Chúa Thánh Thần và Hiền Thê là Giáo hội kêu cầu trong niềm mong đợi tha thiết: “Lạy Chúa Giêsu, xin Người ngự đến” (x. Kh 22, 17.20). Truyền thống của Giáo hội cũng kêu cầu Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện cổ xưa, “Lạy Chúa Thánh Thần, hãy Ngài ngự đến”, xin Ngài củng cố niềm tin tưởng của chúng ta vào lời hứa của Chúa Kitô và củng cố lòng trung thành của chúng ta với sứ mạng làm chứng cho niềm hy vọng mà Tin Mừng mang lại. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi không chỉ có niềm hy vọng mà còn chiếu tỏa niềm hy vọng, để tất cả mọi người có thể nhận biết Chúa và vui mừng chờ đợi vương quốc thánh thiện, công lý và hòa bình của Người ngự trị.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 11/12/2024:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta đã đi đến phần cuối của loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Chúng ta sẽ dành suy tư cuối cùng này cho tựa đề mà chúng ta đã đặt cho toàn bộ chu kỳ, đó là: “Chúa Thánh Thần và Hiền Thê. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Thiên Chúa đến với Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Tựa đề này quy chiếu đến một trong những câu cuối cùng của Thánh Kinh, trong Sách Khải Huyền, câu nói: “Thánh Thần và Hiền Thê nói: ‘Xin Người ngự đến’” (Kh 22, 17). Lời kêu cầu này hướng tới ai? Nó được nói với Chúa Kitô phục sinh. Thật vậy, cả thánh Phaolô (x. 1 Cr 16, 22) và sách Didaché, một văn bản từ thời các tông đồ, đều chứng thực rằng trong các cuộc họp phụng vụ của các Kitô hữu tiên khởi đều có vang lên tiếng kêu bằng tiếng Aram, “Maràna tha!”, mà thực sự có nghĩa là “Lạy Chúa, xin Người ngự đến!” Một lời cầu nguyện với Chúa Kitô, để Người ngự đến.
Vào lúc ban đầu đó, lời kêu cầu này có bối cảnh mà ngày nay chúng ta mô tả là cánh chung. Thật vậy, nó diễn tả sự nóng lòng chờ đợi sự trở lại vinh quang của Chúa. Và tiếng kêu cầu này, và niềm mong đợi mà nó diễn tả, chưa bao giờ bị dập tắt trong Giáo hội. Ngày nay vẫn vậy, trong Thánh Lễ, ngay sau khi truyền phép, Giáo hội tuyên xưng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của [Chúa Giêsu Kitô]”. Giáo hội chờ đợi Chúa lại đến.
Nhưng sự mong đợi về sự trở lại sau cùng của Chúa Kitô không còn là một mong đợi và duy nhất nữa. Nó cũng được kết hợp với sự chờ đợi Người liên tục đến trong hoàn cảnh hiện tại và lữ hành của Giáo hội. Và chính việc đến này mà Giáo hội nghĩ đến trước hết, khi, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo hội kêu lên Chúa Giêsu: “Xin Người ngự đến!”.
Một sự thay đổi, hay đúng hơn, có thể nói, một sự phát triển, đầy ý nghĩa, đã xảy ra liên quan đến tiếng kêu “Xin Người ngự đến”, “Lạy Chúa, xin Người ngự đến!”. Nó thường không chỉ được thưa với Chúa Kitô, mà còn được thưa với chính Chúa Thánh Thần! Đấng kêu cầu bây giờ chính là Đấng mà chúng ta kêu cầu. “Xin Ngài ngự đến!” là lời kêu cầu mà chúng ta bắt đầu hầu hết các bài thánh thi và các kinh nguyện của Giáo hội được thưa với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến”, chúng ta thưa trong kinh Veni Creator, và “Lạy Chúa Thánh Thần, hãy Ngài ngự đến”, “Veni Sancte Spiritus”, trong ca tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống; và trong nhiều lời cầu nguyện khác. Đúng là phải như vậy, bởi vì, sau biến cố Phục Sinh, Chúa Thánh Thần là “bản ngã khác” (alter ego) thực sự của Chúa Kitô, Ngài thay thế Người, làm cho Người hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Chính Ngài là Đấng “loan báo… những điều sẽ xảy đến” (x. Ga 16,13) và khiến chúng được khao khát và mong đợi. Đây là lý do tại sao Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần không thể tách rời, ngay cả trong nhiệm cục cứu độ.
Chúa Thánh Thần là nguồn hy vọng luôn tuôn trào của người Kitô hữu. Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta những lời quý giá này, đó là điều Thánh Phaolô nói: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15, 13) ). Nếu Giáo hội là con thuyền, thì Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy nó và đưa nó tiến tới trên biển lịch sử, hôm nay cũng như trong quá khứ!
Niềm hy vọng không phải là một từ trống rỗng, hay một mong muốn mơ hồ của chúng ta khi muốn mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp nhất; niềm hy vọng là một điều chắc chắn, bởi vì nó được đặt nền tảng trên lòng trung thành của Thiên Chúa với những lời hứa của Ngài. Và đây là lý do tại sao nó được gọi là một nhân đức đối thần: bởi vì nó được Thiên Chúa phú ban và có Thiên Chúa bảo đảm. Đó không phải là một nhân đức thụ động, chỉ chờ đợi sự việc diễn ra. Nó là một nhân đức hết sức tích cực sẽ giúp làm cho chúng diễn ra. Có một người đấu tranh giải phóng người nghèo đã viết những lời này: “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc tiếng kêu của người nghèo. Ngài là sức mạnh được ban cho những người không còn sức mạnh. Ngài lãnh đạo cuộc đấu tranh để giải phóng và thực hiện trọn vẹn dân tộc bị áp bức”.
Người Kitô hữu không thể hài lòng với việc có niềm hy vọng; họ cũng phải chiếu tỏa niềm hy vọng, trở thành người gieo niềm hy vọng. Đó là món quà đẹp nhất mà Giáo hội có thể trao tặng cho toàn thể nhân loại, đặc biệt vào những thời điểm mà mọi thứ dường như đang bị buông xuôi.
Thánh Phêrô Tông đồ đã khuyên nhủ các Kitô hữu đầu tiên bằng những lời này: “Hãy tôn Chúa Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”. Nhưng ngài thêm vào một lời khuyên: “Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3, 15-16). Và điều này là bởi vì không phải sức mạnh của những lý lẽ sẽ thuyết phục được người ta, đúng hơn là tình yêu thương mà chúng ta biết làm thế nào đặt vào đó. Đây là hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên và hiệu quả nhất. Và nó mở ra cho tất cả mọi người!
Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần luôn luôn, luôn luôn giúp chúng ta “tràn đầy niềm hy vọng nhờ Chúa Thánh Thần! Cảm ơn anh chị em.
Nguồn: xuanbichvietnam.net/