Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
spot_img
Thêm
    Trang chủHọc Hỏi & Nghiên CứuGiáo LýBÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI...

    BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 15. NHỮNG HOA TRÁI CỦA CHÚA THÁNH THẦN. NIỀM VUI

    Tý Linh chuyển ngữ
    (nguồn : vatican.va)

     

    Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

    Sau khi nói về ơn thánh sủng và các đặc sủng, suy tư của chúng ta hôm nay sẽ tập trung vào thực tại thứ ba liên quan đến hoạt động của Chúa Thánh Thần: “hoa trái của Chúa Thánh Thần”. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là kết quả của sự cộng tác giữa ân sủng và tự do. Trong Giáo hội, sống bác ái, kiên nhẫn, khiêm nhường, kiến tạo hoà bình là ơn gọi của mọi người. Niềm vui của Tin Mừng, không giống bất kỳ niềm vui nào khác, có thể được đổi mới mỗi ngày và trở nên dễ lan truyền. Là hoa trái của Chúa Thánh Thần, niềm vui không bị hao mòn bởi thời gian. Nó nhân lên khi chia sẻ với người khác. Thánh Philip Neri, vị thánh của niềm vui, vào thời của ngài, đã là một nhà loan báo Tin Mừng đích thực bằng niềm vui. Từ “Phúc Âm” có nghĩa là tin mừng, được loan báo qua niềm vui của người đã tìm thấy kho tàng ẩn giấu và viên ngọc quý.

     

    Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 28/11/2024 :

    Anh chị em thân mến,

    Sau khi nói về ơn thánh sủng và các đặc sủng, hôm nay tôi muốn tập trung vào thực tại thứ ba. Thực tại đầu tiên là ơn thánh sủng; thực tại thứ hai là các đặc sủng và thực tại thứ ba là gì? Một thực tại gắn liền với hoạt động của Chúa Thánh Thần: “hoa trái của Chúa Thánh Thần”. Một điều kỳ lạ. Đâu là hoa trái của Chúa Thánh Thần? Thánh Phaolô đưa ra một danh sách trong thư gửi tín hữu Galát. Ngài viết như thế này, hãy chú ý: “Còn hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (5, 22). Chín ; đó là “hoa trái của Thần Khí”. Nhưng đâu là “hoa trái của Thần Khí” này?

    Khác với các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho những người Ngài muốn và khi Ngài muốn vì lợi ích của Giáo hội, những hoa trái của Chúa Thánh Thần – tôi nhắc lại: bác ái, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ – là kết quả của sự cộng tác giữa ân sủng và tự do của chúng ta. Những hoa trái này luôn diễn tả sự sáng tạo của con người, trong đó “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5, 6), đôi khi một cách đáng ngạc nhiên và vui tươi. Trong Giáo hội, không phải ai cũng có thể làm tông đồ, không phải ai cũng có thể làm ngôn sứ, không phải ai cũng có thể làm nhà truyền giáo, không phải ai cũng được; nhưng tất cả mọi người không có sự phân biệt đều có thể và phải có lòng bác ái, kiên nhẫn, khiêm tốn, tạo dựng hòa bình, v.v. Nhưng tất cả chúng ta, vâng, chúng ta phải bác ái, chúng ta phải kiên nhẫn, chúng ta phải khiêm tốn, chúng ta phải là những người kiến tạo hòa bình, chứ không phải chiến tranh.

    Trong số những hoa trái của Thánh Thần được Thánh Tông đồ liệt kê, tôi muốn nhấn mạnh một hoa trái, bằng cách nhắc lại những lời đầu tiên của tông huấn Evangelii gaudium: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để cho Người cứu rỗi đều được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn phiền, khỏi sự trống rỗng nội tâm, khỏi sự cô độc. Với Chúa Giêsu niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh.” (số 1). Nhưng đôi khi [sẽ có] những khoảnh khắc buồn bã, nhưng luôn có sự bình an. Với Chúa Giêsu, có niềm vui và sự bình an.

    BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 15. NHỮNG HOA TRÁI CỦA CHÚA THÁNH THẦN. NIỀM VUI audience9

    Niềm vui, hoa trái của Chúa Thánh Thần, có điểm chung với tất cả những niềm vui khác của con người là một cảm giác trọn vẹn và thành tựu nào đó, khiến chúng ta mong muốn niềm vui đó tồn tại mãi mãi. Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng không phải như vậy, bởi vì mọi thứ ở trần gian này trôi qua nhanh chóng: Mọi thứ trôi qua nhanh chóng. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ: tuổi trẻ, tuổi trẻ – nó trôi qua rất nhanh -, sức khỏe, sức mạnh, hạnh phúc, tình bạn, tình yêu… Chúng kéo dài cả trăm năm, nhưng rồi… không còn gì nữa. Mọi thứ trôi qua nhanh chóng. Hơn nữa, cho dù những điều này không trôi qua nhanh chóng, nhưng sau một thời gian, chúng không còn đủ nữa, thậm chí trở nên nhàm chán, bởi vì, như thánh Augustinô đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và lòng chúng con không ngừng nghỉ cho đến khi nghỉ yên trong Chúa…” [1]. Có sự bồn chồn của tâm hồn để tìm kiếm vẻ đẹp, sự bình yên, tình yêu, niềm vui.

    Niềm vui của Tin Mừng, không giống bất kỳ niềm vui nào khác, có thể được đổi mới mỗi ngày và trở nên dễ lan truyền. “Chỉ nhờ cuộc gặp gỡ này – hay cuộc gặp gỡ mới mẻ – với tình yêu Thiên Chúa, được biến thành tình bạn hạnh phúc, mà chúng ta mới được giải thoát khỏi ý thức cô lập và tự quy chiếu. […] Nguồn gốc của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở đó. Bởi vì, nếu ai đó đã đón nhận được tình yêu mang lại cho họ ý nghĩa cuộc sống này, thì làm sao họ có thể giữ được ước muốn truyền đạt nó cho người khác? ” (Evangelii gaudium, 8). Đây là đặc tính kép của niềm vui, hoa trái của Thần Khí: nó không những không chịu sự hao mòn không thể tránh khỏi của thời gian, mà còn được nhân lên trong việc chia sẻ với người khác! Niềm vui đích thực được chia sẻ với người khác; nó cũng dễ lan truyền.

    BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 15. NHỮNG HOA TRÁI CỦA CHÚA THÁNH THẦN. NIỀM VUI audience12

    Năm thế kỷ trước, ở Rôma có một vị thánh – ở Rôma đây – tên là Philip Neri. Ngài đã đi vào lịch sử như một vị thánh của niềm vui. Hãy lắng nghe kỹ điều này: vị thánh của niềm vui. Với những đứa trẻ nghèo và bị bỏ rơi trong Dòng Oratoire  của mình, ngài nói: “Hỡi các con của cha, hãy vui lên; cha không muốn sự bối rối hay u sầu; đối với cha, các con không phạm tội là đủ rồi.” Và ngài nói tiếp: “Hãy là người tốt lành nếu các con có thể!” Trái lại, những gì chúng ta biết ít hơn, đó lại chính là nguồn vui của ngài. Thánh Philip Neri có một tình yêu dành cho Thiên Chúa đến nỗi đôi trái tim ngài như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Niềm vui của ngài, theo nghĩa rộng nhất, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Thánh nhân đã tham gia Năm Thánh năm 1575, năm mà ngài đã làm phong phú thêm bằng việc thực hiện, được duy trì sau đó, chuyến thăm Bảy Giáo hội. Vào thời của mình, ngài là một nhà loan báo Tin Mừng đích thực nhờ niềm vui. Và ngài đã có được điều đó, giống hệt như Chúa Giêsu, Đấng luôn tha thứ, Đấng tha thứ mọi sự. Có lẽ một số người trong chúng ta nghĩ: “Nhưng tôi đã phạm tội này, tội này sẽ không được tha…” Hãy lắng nghe kỹ điều này: Thiên Chúa tha thứ tất cả, Thiên Chúa luôn tha thứ. Và đó là niềm vui: được Thiên Chúa tha thứ. Và với các linh mục và cha giải tội, tôi luôn nói: “Hãy tha thứ mọi sự, đừng đòi hỏi quá nhiều; nhưng hãy tha thứ mọi sự, mọi sự và luôn luôn.”

    BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 15. NHỮNG HOA TRÁI CỦA CHÚA THÁNH THẦN. NIỀM VUI audience10

    Từ “Phúc Âm” có nghĩa là tin mừng. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể giao tiếp với vẻ mặt căng thẳng và khuôn mặt u ám, nhưng với niềm vui của người đã tìm thấy kho báu ẩn giấu và viên ngọc quý giá. Chúng ta nhớ lại lời khuyên nhủ của thánh Phaolô gửi đến các tín hữu của Giáo hội Philipphê, và bây giờ là cho tất cả chúng ta – và chúng ta đã nghe từ lúc đầu –: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi” (Pl 4, 4-5).

    Anh chị em thân mến, hãy vui mừng với niềm vui của Chúa Giêsu trong tâm hồn chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

    ———————–

    [1] S. Augustin, Les Confessions, I, 1.

    ————————————

    Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha thông báo :

    Tuần tới, với Mùa Vọng, cũng sẽ bắt đầu bản dịch sang tiếng Trung Quốc phần tóm tắt bài Giáo lý của buổi tiếp kiến chung.

    ——————————–

    Nguồn: xuanbichvietnam.net/

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com