spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmDịp Đặc BiệtThứ Ba, Tuần XXVI/TN: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

    Thứ Ba, Tuần XXVI/TN: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

    Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

    Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

     

    Phúc Âm: Mt 18, 1-4

    Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.

     

    Suy Niệm 1: NẾU ANH EM KHÔNG TRỞ NÊN NHƯ ĐỨA TRẺ NÀY…

    1. Lời Chúa về ‘đứa trẻ’
    Lễ thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng, đằng sau các Bài đọc và Thánh vịnh Đáp ca đều có hình ảnh một đứa trẻ.
    Đứa trẻ được mẹ bồng ẵm nâng niu, được cho bú mớm… trong Isaia: “Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”…
    Đứa trẻ khiêm nhường bình an với niềm vui đơn sơ nép trong lòng người mẹ, như được Thánh vịnh 130 diễn tả: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui…”
    Và đứa trẻ thực, bằng xương bằng thịt, được Chúa Giêsu đưa ra giữa các môn đệ với lời thuyết minh: “Nếu anh em không trở nên như đứa trẻ này, anh em sẽ không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.
    Cần nói ngay, có ít nhất hai ‘đứa trẻ’: đứa trẻ phản diện và đứa trẻ chính diện. Ở đây không nói đến những đứa trẻ ngoài chợ độc tài độc đoán đòi kẻ khác phải theo ý mình, cũng không phải đứa trẻ con non nớt, ngớ ngẩn trong nói năng, trong hiểu biết và trong suy nghĩ mà thánh Phao lô cho rằng cần phải bỏ hết để trở thành người lớn (x. 1Cr 13,11). Ở đây, trái lại, là đứa trẻ của ‘con đường nhỏ’, của ‘hồn nhỏ’… đặc trưng linh đạo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được thánh Têrêsa Lisieux tổng hợp, sống và trình bày cách xuất sắc.
    2. Trở nên như đứa trẻ
    Nên như đứa trẻ, đó trước hết là hoàn toàn tín thác vào Tình yêu Thương xót của Thiên Chúa là Cha và Mẹ của mình. Tâm điểm của Tin Mừng Kitô giáo là lòng Chúa thương xót, thì thái độ căn bản của Kitô hữu là tín thác vào lòng thương xót ấy. Đây là đức cậy, là niềm hy vọng Kitô giáo, rút ra từ đức tin và đức ái, nhưng làm nên một nội lực lôi kéo chính đức tin và đức ái lao về phía trước.
    Nên như đứa trẻ là đi vào kết hợp và đồng hoá với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm hạ giáng, trút sạch (kenosis) của Người, như được thấy từ Nhập thể tới Thập giá, qua đó Người hoàn thành con đường ‘thương xót như Chúa Cha’, cũng chính là con đường cứu độ con người. Bởi Chúa Giêsu là ‘khuôn mặt của Lòng Thương Xót’!
    Nên như đứa trẻ, vì thế, là thực thi sứ mạng thương xót, ‘yêu người như Chúa Giêsu yêu’ (bằng cách để cho Chúa Giêsu hoàn toàn chiếm lấy mình). Đó là qui chiếu tất cả vào tiêu chuẩn tối hậu: Những gì ta làm hay không làm cho người anh em bé nhỏ của Chúa là ta làm hay không làm cho chính Chúa!
    Có thể thấy, trở nên như đứa trẻ theo ý nghĩa trên là ‘con đường tổng hợp’ của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng. Hình ảnh ‘đứa trẻ’ ở đây là kết tinh của Tin Mừng, của sự khôn ngoan Kitô giáo. Tất cả các thánh đều đi con đường này, hiểu sự khôn ngoan này. Thánh Tê rê sa ví như một hành giả tiêu biểu, một ‘chưởng môn nhơn’, chứ không phải một người sáng chế và giữ bản quyền linh đạo con đường nhỏ.
    3. Tiếp đón những ‘đứa trẻ’
    Con đường nhỏ không chỉ là ‘trở nên như đứa trẻ’ mà còn là ‘tiếp đón những đứa trẻ’. Chúa Giêsu nói: “Ai tiếp đón một đứa trẻ như thế này nhân danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.
    Đứng trước mối ám ảnh ‘làm lớn’ của các môn đệ, Chúa Giêsu dội nước lạnh vào mặt các ông để làm cho các ông tỉnh ngộ. Một đàng, không trở nên nhỏ thì không được vào Nước Trời; bởi Nước Trời chỉ gồm toàn những ‘hồn nhỏ’ – hãy lưu ý điều này chứ đừng tưởng bở. Đàng khác, mối ám ảnh ‘làm lớn’ cũng gắn với thái độ khinh mạn, xem thường những người bé nhỏ, vì thế Chúa Giêsu sửa sai thái độ này nơi các môn đệ bằng một cách thức không thể thuyết phục hơn: Người tự đồng hoá chính Người với những anh chị em bé mọn nhất của Người!
    4. Con đường nhỏ ấy và cuộc canh tân Giáo hội hiện nay
    Đức thánh cha Phanxicô muốn trình bày thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng như nguồn cảm hứng cho con đường đổi mới của toàn thể Giáo hội thời chúng ta. Con đường đổi mới này khởi đi từ tâm điểm của Tin Mừng là lòng thương xót, mà lòng tín thác của tâm hồn nhỏ là thái độ đáp trả căn bản. Đây chính là ‘con đường tổng hợp’ của vị thánh nữ Cát minh ở Lisieux.
    Năm ngoái, Đức giáo hoàng công bố Tông huấn C’est la confiance về lòng tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, với sự chọn lựa thời điểm đầy hàm ý: ngày 15/10/2023, ngay giữa khoá Hội nghị đợt I của Thượng Hội đồng Giám mục về ‘Hiệp hành’. Thánh Têrêsa rõ ràng được coi như một phần kho tàng thiêng liêng của Giáo hội!
    Mọi người hẳn chưa quên những nhấn mạnh về phong cách ‘hiệp hành’ (đồng hành đồng nghị) trong thực tiễn, đó là cùng lắng nghe và cùng phân định. Lắng nghe hết mọi người, nhất là những người bé nhỏ nhất, những người có thể chưa bao giờ được có tiếng nói! Không ai bị lãng quên, không một ai bị bỏ lại đằng sau! Ồ, đó không phải là tâm thế khiêm tốn của những người trở nên như đứa trẻ đó sao? Và đặc biệt, đó không phải là thái độ tiếp đón những kẻ bé mọn nhất nhân danh Chúa Giêsu đó sao?
    Thượng Hội đồng về ‘hiệp hành’ được nối tiếp bằng Năm Thánh 2025, với chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng”. Một lần nữa, hy vọng không phải là chính lòng tín thác (c’est la confiance) đó sao?
    Xin thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng khơi động nơi chúng ta niềm cảm hứng ‘trở nên bé nhỏ’ và trân trọng ‘tiếp đón những người bé nhỏ’. Toàn thể Giáo hội chắc chắn sẽ được canh tân đúng hướng và vững vàng bằng con đường nhỏ (mà có võ, sic) này!
    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
    …………………………………………………..

    Suy Niệm 2: NÊN THÁNH THEO CON ĐƯỜNG TRẺ THƠ

    Rất nhiều người trong chúng ta ngưỡng mộ vị thánh trẻ mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người được gọi là “Bông Hoa Nhỏ.” Cuộc đời ngắn ngủi của thánh nhân mang lại nguồn cảm hứng yêu Chúa cho nhiều người hơn là hàng ngàn hàng vạn cuốn sách của các thần học gia. Thật vậy, Thánh Têrêxa chết lúc 24 tuổi, sau khi sống trong Đan Viện Dòng Kín chưa đến 10 năm. Thánh nhân chưa bao giờ đi truyền giáo, chưa lập một dòng tu nào, cũng không bao giờ làm phép lạ khi còn sống như những vị thánh khác. Thánh nhân chỉ viết một cuốn sách duy nhất được in sau khi chết, đó là cuốn nhật ký được chỉnh sửa của ngài, “Chuyện Một Tâm Hồn.” Trong vòng 28 năm sau khi thánh nhân qua đời, dân chúng đã yêu cầu ngài được phong thánh. Linh đạo con đường bé nhỏ của thánh nhân được diễn tả trong những lời sau mà thánh nhân đã viết trong nhật ký: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ với nhiều sáng chế. Chúng ta không cần phải cố gắng để leo lên các bậc thang. Trong những căn nhà sang trọng, đã có thang máy. Và tôi quyết định tìm một cái thang để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên chiếc thang dài của sự hoàn thiện. Do đó, tôi đã tìm kiếm trong Kinh Thánh một vài ý tưởng về cuộc sống này mà tôi muốn nó sẽ là, và tôi đọc thấy những lời này: ‘Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy.’ Lạy Chúa Giêsu, chính trong vòng tay Ngài, chính là cái thang để đưa con lên Thiên Đàng. Và như thế, tôi không cần phải lớn lên: Tôi phải luôn luôn nhỏ bé và trở nên nhỏ bé hơn mỗi ngày.” Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng hãy trở nên nhỏ bé trong vòng tay Chúa Giêsu, để Ngài chăm sóc, yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

    Cả hai bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta về lối sống “trẻ thơ của thánh nhân.” Đây là lối sống đã giúp ngài nên thánh. Chúng ta cùng nhau để lời Chúa hướng dẫn chúng ta, hầu bắt chước thánh nhân trên con đường nên thánh. Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về niềm vui mà Giêrusalem và những người đã than khóc Thành Đô sẽ được tận hưởng. Niềm vui này là niềm vui của những trẻ thơ được người mẹ chăm sóc: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66:12-13). Không một trẻ nhỏ nào không cảm thấy an ủi khi đang khóc mà được mẹ bồng ẵm vào trong vòng tay ấm áp. Chúa cũng luôn giang rộng đôi tay của mình để ôm ấp chúng ta mỗi khi chúng ta mệt mỏi chán chường. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bồng ẵm và an ủi chúng ta không?

    Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại về “quyền lực” giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của trẻ nhỏ để dạy các môn đệ về quyền lực đích thật là gì. Nói cách khác, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh trẻ thơ để dạy các môn đệ về sự vĩ đại đích thật. Đoạn trích này có tương quan chặt chẽ giữa hiện trạng của cộng đoàn Thánh Mátthêu với mục đích cuối cùng của cuộc sống trong Nước Trời. Nó trình bày cho chúng ta về tình trạng thường xảy ra trong đời sống cộng đoàn. Thật vậy, nhiều khi trong đời sống cộng đoàn, chúng ta thường đặt nặng vấn đề quyền bính, ai làm lớn ai làm nhỏ. Nói cách khác, tiêu chuẩn để phân biệt các thành viên trong cộng đoàn là “chức vụ.” Một thực tại mà chúng ta thường cảm nghiệm là ai trong chúng ta cũng muốn được “ăn trên ngồi trước.” Điều này được phản ảnh qua chi tiết “các môn đệ lại gần Đức Giêsu” (Mt 18:1).  Các học giả Kinh Thánh bị phân rẽ bởi chi tiết “các môn đệ.” Một số cho rằng “các môn đệ” ám chỉ đến toàn bộ cộng đoàn hoặc toàn bộ những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Điều chúng ta cần lưu ý rằng trong cộng đoàn Thánh Mátthêu trong thời gian đó không có “phẩm trật,” nhưng chỉ có những người lãnh đạo có quyền trên cộng đoàn (x. 23:34).

    Đứng trước câu hỏi: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu “liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: ‘Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời’” (Mt 18:2-3). Chúng ta thấy có một điều gì đó không ăn khớp trong những lời trên. Các môn đệ hỏi về “vị trí lớn nhỏ trong Nước Trời,” còn Chúa Giêsu thì lại trả lời về “cách thức để vào Nước Trời,” đó là trở nên giống trẻ nhỏ. Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu đưa các môn đệ về với vấn đề căn bản, đó là phải vào Nước Trời trước, còn vấn đề lớn nhỏ không quan trọng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng chạy theo những điều không quan trọng mà bỏ quên những vấn đề căn bản. Hãy tìm cách vào Nước Trời trước, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả là do Chúa sắp xếp. Nhưng làm thế nào để vào Nước Trời? Theo Chúa Giêsu, phải “trở lại mà nên như trẻ nhỏ.” Chi tiết đầu tiên mà chúng ta suy gẫm trong những lời này là “việc trở nên.” Đây chính là lối diễn tả để nói về sự “thay đổi,” hay đúng hơn sự “sám hối.” Qua chi tiết này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đáp lại lời mời gọi của Ngài khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến” (Mt 4:17; x. Mt 19:14). Bên cạnh đó, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ để nói lên đặc tính mà người môn đệ của Ngài phải có, đó là sự khiêm nhường. Chúng ta cần lưu ý rằng, không phải tự bản chất trẻ nhỏ là khiêm nhường. Nhưng đặc tính nói lên sự khiêm nhường của trẻ nhỏ là “hoàn toàn lệ thuộc.” Đây chính là điều Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ phải thực hành. Họ phải sống thái độ hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, vì không có Ngài họ sẽ không làm được gì. Như vậy, người lớn nhất trong Nước Trời là người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu, là người để cho Chúa Giêsu chiếm lấy mình, sống trong mình, yêu thương trong mình, tha thứ trong mình. Đó là người sống mà “không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2:20). Đây chính là con đường trẻ thơ mà Thánh Têrêxa đã sống. Thánh nhân đã hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu; ngài để Chúa Giêsu chiếm lấy mình, không giữ lại gì cho mình.

    Mấu chốt cho thấy người lớn nhất trong Nước Trời nằm ở những lời sau: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:4). Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Để làm người lớn nhất trong nước trời, người môn đệ phải “tự hạ” và “coi mình như em nhỏ.” Người “tự hạ” là người biết được giới hạn của mình để rồi biết kiểm soát khuynh hướng muốn thống trị hay muốn hơn người khác. Hai “hành động” này ám chỉ đến Chúa Giêsu, Đấng đã “tự hạ và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2:8) và là Đấng luôn “coi mình là Con trong tương quan với Chúa Cha.” Nói cách cụ thể hơn, trong những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: Ai trở nên “giống Ngài” sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

    Chúa Giêsu kết lời dạy của mình với việc khẳng định mối tương quan giữa đón tiếp trẻ nhỏ và đón tiếp Ngài: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5). Những lời này không chỉ hàm ý đến việc chúng ta đón tiếp trẻ nhỏ là chúng ta đón tiếp Chúa Giêsu. Điều ẩn chứa bên trong là mỗi khi chúng ta đón tiếp trẻ nhỏ, chúng ta học ở chúng thái độ “tự hạ” và “hoàn toàn lệ thuộc,” là những thái độ giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên một với Ngài. Đây là ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp và chăm sóc trẻ nhỏ. Chúng ta đã khám phá ra được con đường nên thánh theo kiểu trẻ thơ như Thánh Têrêxa chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu từ ngày hôm nay: Hãy bắt đầu sống “tự hạ” và “hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………………………………..

    Suy Niệm 3: Con đường thơ ấu thiêng liêng

    Trong suốt thời gian 9 năm trong bốn bức tường của dòng Kín, Têrêsa đã làm được những gì ? Có đi đâu không ? Có để lại cho hậu thế được những gì lớn lao không ? Mà sao lại được tôn phong làm Quan thầy các xứ truyền giáo và Tiến sĩ Hội thánh, một tước hiệu cao quí và hiếm có như vậy ?

    Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa, chúng ta không thấy có gì là lớn lao đang kể, không có gì làm cho người ta phải lưu ý, đến nỗi khi chị sắp qua đời, có một chị dòng khác đã phải thành thực thốt lên :”Không biết Têrêsa chết rồi thì người ta sẽ phải nói thế nào”!  Nhưng cái mà người ta phải để ý là bí quyết độc đáo riêng của chị  để nên thánh, đó là “Đường thơ ấu thiêng liêng” và từ đó chị đã trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ mọn trong cuộc sống !

    1. Nhiệm vụ phải nên thánh

    Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói với dân Israel :”Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh”. Ngày nay chúng ta là dân Israel mới, chúng ta cũng phải nên thánh. Đây là một điều đòi buộc mọi người phải thi hành.
    Trong Giáo hội, mỗi người được Chúa gọi vào ở một bậc hay một địa vị nhất định,  nhưng mỗi người có chung một ơn kêu gọi là “Phải nên thánh” (x. Mt 5,48; Ep 1,4; 5,3).
    Chúng ta phải công nhận rằng: nên thánh là một nhiệm vụ chung, nhưng bản chất của sự thánh thiện hệ tại sự gì ? Phải chăng ở sự cầu nguyện, sự ăn chay hãm mình, đánh tội, làm việc bác ái ? Tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc, còn yêu tố chinh của sự thánh thiện phải là “Tình yêu Chúa”. Thiếu tinh yêu này mọi sự sẽ trở nên vô ích.
    Thánh nữ thâm tín điều này khi nói :”Trót đời con chỉ dâng hiến cho Chúa duy có tình yêu thôi”.  Thánh nữ coi Tình yêu là khuôn vàng thước ngọc cho mọi hành động của mình.  Chẳng thế mà chị đã viết thư  trả lời cho người em họ thế này :”Em muốn xin chị chỉ cho một phương thế để trở nên trọn lành ư ? Chỉ có một phương thế duy nhất, đó là “Tình yêu”.

     

    1. Nên thánh bằng đường thơ ấu thiêng liêng 

    Từ trước tới nay, chúng ta cho việc nên thánh là khó  và chỉ có những linh hồn đặc biệt mới nên thánh được, vì các thánh đã nên thánh bằng những cách thức khác nhau, nhưng cách nào cũng khó khăn, vượt trên khả năng của chúng ta. Vậy mà thánh nữ đã vạch ra cho chúng ta một con đường mới để nên thánh, một con đường tuyệt vời thích hợp với hết mọi người, đó là “Đường thơ ấu thiêng liêng”. 

    1. a) Đây là con đường mới 

    Chúng ta gọi nó là con đường mới vì con đường nên thánh này khác hẳn với lối nên thánh cổ truyền mà chúng ta đã biết. Con đường này có những đặc tính tiêu cực và tích cực như chúng ta sẽ thấy dưới đây. Dù tích cực hay tiêu cực, nó cũng khác với đường lối xưa và thích hợp cho hết mọi người thời nay  Chúng ta có thể nói đây là con đường nên thánh của thời đại mới, của thế kỷ 21.

    Chúng ta thấy “Con đường thơ ấu thiêng liêng” này có những đặc điểm sau đây :

    * Không có những việc hãm mình kỳ lạ 

    Nhiều người tưởng nên thánh là phải làm những việc anh hùng như không ăn, không uống, không ngủ, kiệt sức vì thức khuya, vì đánh tội đủ mọi cách, và hủy diệt hay hành hạ thân xác trong những công việc nặng nhọc để chỉ lo nguyên đến việc rỗi linh hồn.

    Nhưng thánh nữ đã gạt bỏ mọi điều mà thánh nữ quen gọi là “những khổ hạnh của các thánh”, con đường thơ ấu thiêng liêng  không chấp nhận  những lối quá khổ hạnh của các thánh.

    * Không có những ơn thần bí

    Trái ngược với đa số tiểu sử các thánh, chỉ dựa trên những ơn thần bí thuộc đủ mọi loại : xuất thần, thị kiến, mạc khải, thần thuật trừ quỉ, có thiên thần hiện ra, hiểu biết mọi tâm hồn. Ơn gọi tiên tri và phép lạ.

    Trái lại, Têrêsa Hài Đồng hoàn toàn không có xuất thần, dấu thánh, thị kiến, trừ quỉ hay phép lạ. Như vậy chúng ta thấy con người cần phải trở nên nhà pháp thuật kỳ tài nhất của “thế hệ tận hiến” lại không thực thi một dấu lạ nào trong đời sống.

     *  Không có phương pháp cầu nguyện 

    Thánh nữ Têrêsa Avila đã viết cuốn “Lâu đài linh hồn” để nói về cách cầu nguyện : cầu nguyện bằng lời , cầu nguyện bằng trí, cầu nguyện bằng tâm niệm, cầu nguyện bằng tĩnh niệm, cầu nguyện bằng kết hợp… nói lên 7 bậc thang của sự cầu nguyện.

    Nơi Têrêsa Hài đồng không có dấu vết của một cấp bậc nào, bậc thang nào. Phúc âm là linh hồn đời sống cầu nguyện của chị. Đối với chị, tìm về với Chúa bằng con đường thông thường, đó là một “đà tiến của trái tim”, một cái nhìn ngây thơ hướng về trời, một tiếng gọi tri ân và yêu mến, thốt ra trong cơn thử thách cũng như giữa lúc an vui (cf Philippon OP, Sứ điệp của thánh Têrêsa Lisieux,1967, tr 73).

    *  Không có những hành động hiển hách 

    Trong cuộc sống âm thầm của chị dòng kín Lisieux không có lấy một hoạt động hiển hách hay một công trình bên ngoài nào.  Ngay ở tòa án phong thánh, chỉ vỏn vẹn một trang kể lại những việc làm nhỏ mọn của chị suốt đời dòng Kín : Lần lượt chị đảm nhận chu đáo những việc nhà giặt, phòng ăn, phòng khách và giữ cửa.  Nhiệm vụ đáng chú ý nhất của chị là – chức vụ không được chỉ định – làm phụ tá coi sóc 3 hoặc 4 chị đệ tử và tập sinh khó tính. Sống với các chị này, chị phải luôn luôn cố gắng tận tụy và giữ thái độ cởi mở vui tươi.

    1. b) Đặc tính của con đường mới

    Trong các đặc tính của con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ, chúng ta thấy có mấy điểm trổi vượt, đó là trở nên bé nhỏ, biết từ bỏ mình và chấp nhận trong vui tươi.

    *  Trở nên bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường

    Thánh nữ luôn suy niệm lời Chúa với câu :”Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.  Với một trực giác kỳ lạ về địa vị thiết yếu của đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng,  thánh nữ đã nhấn mạnh về sự thực hành nhân đức này :”Hãy luôn sống như trẻ thơ” theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Ngài chẳng muốn nói với chúng ta rằng :”Nước Trời thuộc về những người giống như trẻ thơ” sao ?

    Chiếm hữu được chân lý nền tảng này, thánh nữ đã lấy “TRẺ THƠ” làm mẫu mực cho cuộc đời

    *  Từ bỏ bản thân mình 

    Suy niệm lời Chúa :”Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá  mình hằng ngày mà theo”, thánh nữ đã quên mình đi, coi mình là hèn mọn hư vô và đặt tất cả tin tưởng của mình vào tình thương vô biên của Chúa.  Chị muốn sống đẹp lòng Chúa và làm cho người ta yêu mến Chúa. Chị muốn làm hài lòng Chúa hơn làm hài lòng mình. Nhưng muốn được thế, chỉ đã sống hết sức quảng đại đối với Chúa, đã từ bỏ mình đi để sống với Chúa và sống với chị em. Chị ví mình như bông hoa hồng  được dâng tiến  Chúa, và theo chị , hoa hồng nào cũng có gai. Chị viết :

    Chúa ơi, này đóa hoa hồng
    Trên bàn thờ Chúa hương nồng sắc tươi.

    Con đây mơ ước này thôi :
    Tách từng cánh một, Chúa trời, hiến dâng.            

         

     *  Chấp nhận trong vui tươi   

    Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, chị chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không.  Thái độ đó là thái độ “CHẤP NHẬN”. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ !  Đối với chị, việc gì xẩy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên chị đã nhận lấy một cách thực tình và vui tươi.  Tinh thần vui tươi  trước những hy sinh còn được ghi lại trong mấy vần thơ :

     Nếu Chúa chẳng đoái hoài ve vuốt
     Con vẫn tươi cười trước khổ đau.

        Hoặc :
    Mỉm cười với Chúa tôi thờ      
    Đó là thiên quốc thỏa mơ ước rồi.
                       

     Thánh nữ Têrêsa Hài đồng chỉ là một chị nữ tu dòng Kín, âm thầm giam mình trong bốn bức tường của nhà dòng, một chị nữ tu nhỏ bé không ai biết tới, không làm được một việc gì hiển hách, mà ngày nay đã trở nên vị thánh vĩ đại : quan thầy các xứ truyền giáo và Tiến sĩ Hội thánh !  Bí quyết độc đáo của thánh nữ là “Trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ bé”. Con đường thơ ấu thiêng liêng đã giúp thánh nữ trở thành một vị thánh vĩ đại.

    Hôm nay mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Giáo hội cũng muốn giới thiệu cho chúng ta Con đường thơ ấu thiêng liêng ấy vì nó phù hợp với hết mọi người, nó giúp mọi người nên thánh một cách dễ dàng.  Đi vào con đường đó là có một chỗ đứng ở giữa trái tim của Giáo hội để muốn làm mọi sự ở trong Giáo hội của Chúa.

    Và cho được như vậy, hãy dâng mình cho Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì yêu Chúa, hãy chia sẻ tâm tình với Chúa Cứu Thế đang đau đớn trong các chi thể của Giáo hội, để cứu độ trần gian với Chúa Kitô.

     

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm. Gp.  Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com