BÀI ĐỌC I: Hc 3, 3-7. 14-17a
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.
BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.
PHÚC ÂM: Lc 2, 41-52
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy Niệm 1: MỘT THÁNH GIA THÌ NHƯ THẾ NÀO?
Con Thiên Chúa làm người cần một gia đình. Và chúng ta có thể ghi nhận ngay rằng gia đình, trong mọi nền văn hoá, đều là một giá trị ‘linh thiêng một cách nhân bản’! Sự có mặt của Chúa Giêsu làm cho mối dây hôn nhân của Đức Maria và thánh Giuse trở thành một gia đình – một thánh gia – đúng nghĩa.
Trong tư cách một người con, Chúa Giêsu học biết sống đạo làm con, hay đạo hiếu, theo giáo huấn của sách thánh – ví như bản văn sách Huấn ca hôm nay (3,3-7.14-17a): Yêu mến, thảo kính, vâng lời cha mẹ… xây dựng đức công chính của mình bằng đạo hiếu đối với cha mẹ mình.
Thánh vịnh 127 (Đáp ca), rất nổi tiếng về chủ đề ‘hôn nhân gia đình’, lấy người chồng/người cha làm tiêu điểm để nhìn toàn bộ bức tranh gia đình lý tưởng: “Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa”. Điểm nhấn của Thánh vịnh này là thái độ “tôn sợ Thiên Chúa” của người chồng/người cha, và do đó cũng là của mọi thành viên trong gia đình lý tưởng ấy.
Thánh Phaolô, trong Thư Côlose (3,12-21), nêu những giáo huấn chi tiết hơn nữa cho đời sống hôn nhân gia đình, một cách tổng quát (“trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương”) lẫn một cách chuyên biệt từng vị thế trong ‘cộng đồng định mệnh’ này (chồng / vợ / con cái). Đặc biệt, trong bối cảnh Tân Ước, thánh Phaolô qui hướng thực tại đời sống hôn nhân gia đình về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xét như nền tảng: “Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em… Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. Quả thật, như người ta có thể nói: Thiên Chúa Ba Ngôi là một Gia Đình!
Gia đình nhân loại thánh thiện kiểu mẫu là gia đình Nadaret của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Trình thuật của Luca về câu chuyện cha mẹ lạc mất Giêsu trong Đền thờ năm 12 tuổi (x. 2,41-52) chỉ là một ‘phóng sự’ tường thuật sự kiện cụ thể ấy chứ không phải một miêu tả chuyên đề gia đình Nadaret. Tuy nhiên trình thuật này cũng giúp ta một số thông tin cơ bản để hiểu về ‘Thánh Gia’:
-Đây là một gia đình tín hữu thuần thành trong lòng Do thái giáo, ‘tôn sợ Thiên Chúa’ và chu toàn bổn phận đi dự lễ ở Đền Thờ.
-Trong gia đình này, cha mẹ quan tâm truyền đạt đức tin và hướng dẫn thực hành đức tin cho con cái.
-Một gia đình có niềm vui, có sự ấm áp như bao gia đình cảm nghiệm hạnh phúc đơn sơ của mình, nhưng cũng có những khủng hoảng, những âu lo không tránh được… Như vụ lạc mất con lần này, cha mẹ phải đau khổ tìm kiếm trong ba ngày!
-“Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Được giáo dục đúng đắn, tiến trình lớn lên của đứa con cũng là tiến trình dần trưởng thành trong nhận thức và trong tự do cũng như trách nhiệm về sự chọn lựa và hành động của mình. Rốt cục, đứa con thuộc về Thiên Chúa, và cha mẹ cũng vậy!
-Thiếu niên Giêsu 12 tuổi theo cha mẹ về Nadaret, và vâng phục hai ông bà! Cái chân trời ‘thuộc về Thiên Chúa’ của đứa con không loại bỏ tinh thần vâng phục đối với cha mẹ, nhưng giả thiết sự vâng phục ấy, nhất là khi chính cha mẹ cũng ‘thuộc về Thiên Chúa’, cho dẫu mức độ cảm thức ‘thuộc về’ này không luôn đồng nhịp với đứa con của mình!
Cuối cùng, một gia đình thánh thiện, một gia đình lý tưởng… là gia đình trong đó con cái được cha mẹ nuôi dạy, chăm sóc để “tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta”.
Xin Thánh Gia Nadaret phù giúp và dẫn dắt các gia đình của chúng ta!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………………..
Suy Niệm 2: NIỀM VUI SỐNG TRONG NHÀ CHÚA
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Gia Thất, là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo. Cùng nhau suy gẫm lời Chúa mà Giáo Hội qua phụng vụ hôm nay đề nghị, chúng ta trở về với những giá trị nền tảng của Kinh Thánh để xây dựng gia đình chúng ta thành một gia đình thánh thiện theo gương Gia Đình Na-da-rét, thành ngôi trường dạy đời sống tin-cậy-mến và các nhân đức. Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay với mẫu chuyện đơn sơ sau:
Một bác sĩ đang ngồi trầm ngâm nghiên cứu bệnh án của một bệnh nhân. Ngay lúc đó, đứa con nhỏ 4 tuổi của ông chạy đến kề bên nhìn ông và lẳng lặng chơi dưới chân ông. Bị quấy rầy và mất tập trung với sự hiện diện của đứa con, ông rút trong ngăn kéo một thanh sô-cô-la và đưa cho chú bé, nhưng chú bé lắc đầu. Ông lại rút ra ít tiền và bảo chú bé nói mẹ đưa đi mua kẹo bánh. Nhưng chú bé cũng lắc đầu và tiếp tục quấn quít dưới chân ông. Ông liền tức giận hét lên:
“Vậy mày thích cái gì? Mày không biết là mày đang quấy rầy tao không?”
“Con chỉ thích được ở gần bố thôi mà!” chú bé vừa trả lời, vừa mếu máo khóc.
Chúng ta có thích được ở gần những người thân trong gia đình của chúng ta không? Hay chúng ta cảm thấy bị quấy rầy với sự hiện diện của họ? Hỏi một cách khác, chúng ta thích dành thời gian cho ai: thành viên trong gia đình hay những người không phải là thành viên trong gia đình? Trong cuộc sống, chúng ta thường dành nhiều thời gian ở những nơi chúng ta cảm thấy thích, cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, và với những người mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Nói một cách cụ thể, ngoài khoảng thời gian bắt buộc trong ngày để làm việc hoặc học hành, khoảng thời gian còn lại chúng ta dành ở đâu và cho ai quyết định tầm quan trọng của nơi đó hoặc người đó trong cuộc đời chúng ta. Thật vậy, chúng ta chỉ dành thời gian cho những người chúng ta yêu thương, chứ không bao giờ dành thời gian cho những người chúng ta không thích hoặc không yêu. Chúng ta tuyên xưng rằng, chúng ta yêu Chúa “hết sức lực, hết linh hồn, và hết trí khôn,” nhưng chúng ta dành cho Chúa bao nhiêu thời gian trong 168 tiếng đồng hồ mỗi tuần sống của chúng ta?
Một cách cụ thể, đa số ai trong chúng ta cũng có cảm giác một đồng hồ ở trong nhà thờ để tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật dài hơn hai đồng hồ xem phim hoặc nói chuyện, hoặc ‘ăn uống’ với bạn bè. Dành thời gian với ‘con người,’ chúng ta thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Còn đến với Chúa chúng ta thấy thời gian trôi thật chậm. Chúng ta có cảm giác như thế vì chúng ta chưa yêu Chúa đủ, chưa cảm thấy mình được yêu và được đón nhận. Điều này chúng ta rút ra từ kinh nghiệm sống của chúng ta: Khi chúng ta ngồi với người chúng ta yêu thương, chúng ta dường như không còn quan tâm đến thời gian và thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Điều chúng ta quan tâm chính là được ở với người mình yêu. Được ở với người mình yêu là diễm phúc. Đây là điều Thánh Vịnh Gia trong đáp ca ngày hôm nay hát mừng: Những ai ở trong nhà Chúa luôn được chúc phúc (xem Tv 83:5a). Đây là bối cảnh để chúng ta hiểu ý nghĩa của bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay.
Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói, có chung một cốt chuyện: Trong bài đọc 1 chúng ta thấy cha mẹ đưa Samuen cùng với của lễ là “một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu” (1 Sam 1:24) lên đền thờ và dâng cho Đức Chúa; còn trong bài Tin Mừng, Thánh Luca thuật lại việc, “hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2:41-42). Cả hai bài đọc chỉ ra vai trò quan trọng nhất của cha mẹ trong gia đình, đó là: Đem con của mình đến đền thờ để dâng cho Chúa. Nói một cách khác, vai trò của cha mẹ là dạy con cái biết kính sợ Đức Chúa và bước theo đướng lối của Ngài (hoặc “tìm thấy niềm vui trong thánh điện Ngài”). Nhiều khi quá bận rộn với công việc làm ăn, các bậc làm cha mẹ quên mất vai trò là “nhà giáo dục đầu tiên của đức tin cho con cái mình,” và là “những người xây dựng một mái ấm tình thương nơi con cái học yêu và biết được yêu.”
Một thái độ khác mà Tin Mừng hôm nay đề nghị cho các bậc làm cha mẹ là học nơi Thánh Giuse và Mẹ Maria sự dịu hiền và bình thản dù con cái có “lỗi phạm.” Đây là thái độ “chậm giận nhưng giàu tình thương và lòng thành tín.” Ai làm cha mẹ lại không sốt ruột khi lạc mất con của mình [hoặc con cái sai lạc]. Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng thế. Họ phải tìm Chúa Giêsu ba ngày. Nhưng khi gặp con trong đến thánh, là nhà của Cha Ngài, thánh Giuse không nói lời nào, ngài vẫn luôn thinh lặng để lắng nghe; Mẹ Maria đơn giản “trách yêu”: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Đáp lại lời “trách yêu” của mẹ, Chúa Giêsu cũng “trách yêu” lại cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Một cuộc đối thoại đượm tình yêu thương và cảm thông!
Về phận những người làm con, lời Chúa nói gì với họ hôm nay? Lời Chúa mời gọi những người làm con hãy nhìn vào Đức Kitô, mẫu gương của sự vâng phục và khiêm nhường. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng: Chúa Giêsu đang ‘làm đúng’ vì Ngài đang ở trong nhà Cha của Ngài. Nhưng khi Mẹ Maria và Thánh Giuse nói Ngài về nhà của họ ở Na-da-rét, thì “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài (Lc 2: 51). Trong cuộc sống, cha mẹ cũng có lúc sai hoặc không hiểu con cái, nhưng đó không phải lý do để con cái giận hờn và chê trách, hoặc tệ hơn là coi thường cha mẹ. Đó là những cơ hội để con cái hiểu và cảm thông cho cha mẹ hơn vì họ là những người sinh ra và lớn lên khác “thời” với mình. Hỡi những kẻ làm con, hãy học ở Chúa Giêsu, dù là Chúa mà Ngài đã học vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Heb 5:8).
Điều thứ hai lời Chúa đề nghị với những ai mang phận làm con là: Hãy nghĩ xem mình muốn lớn lên như thế nào? Trong xã hội cạnh tranh hôm nay, ai trong chúng ta cũng muốn trở nên tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ, được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiêm, bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết để lớn lên và thành công trong cuộc sống: “Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Con cái được mời gọi lớn lên như Chúa Giêsu, đó là, phải lớn lên không chỉ trong ân nghĩa trước mặt người đời, nhưng còn trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Kinh nghiệm hằng ngày cảnh báo chúng ta rằng: Nhiều lúc vì chạy theo chúng bạn [hoặc người khác] để được ‘ân nghĩa’ trước mặt họ mà chúng ta đánh mất ân nghĩa trước mặt Chúa. Hãy lớn lên trong ân nghĩa với Chúa và cao lớn trước mặt người đời. Đừng chỉ chọn lựa lời khen của người đời mà đánh mất sự hạnh phúc vĩnh cửu.
Cuối cùng, chúng ta có thể khẳng định rằng: Gia đình Nadarét được xem là “Thánh Gia” vì có Chúa Giêsu hiện diện như trung tâm của gia đình. Cùng cách thức ấy, gia đình Kitô giáo muốn trở nên thánh và “lớn lên trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và hàng xóm” cũng phải đặt Chúa Giêsu làm trung tâm của đời sống gia đình và của từng thành viên trong gia đình.
Về phần mình, Thánh Gioan trong bài đọc 2 chỉ ra ơn gọi cao quý của người Kitô hữu, đó là được gọi là con Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này không tuỳ thuộc vào ơn ích của mỗi người, mà tuỳ thuộc vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3:1). Khi là con Thiên Chúa, là những người “tuân giữ điều răn của Người và làm những gì đẹp lòng Người” (1 Ga 3:22), chúng ta có thể xin bất cứ điều gì, Thiên Chúa cũng ban cho. Bên cạnh đó, Thánh Gioan cũng chỉ rõ điều răn Thiên Chúa muốn chúng ta tuân giữ là chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3:23). Khi chúng ta tuân giữ điều răn của Thiên Chúa “thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3:24). Những chi tiết trên nhắc nhở chúng ta về nhân phẩm và ơn gọi cao quý của mình. Để sống trọn vẹn ơn gọi cao quý này, chúng ta không thể cậy dựa vào sức mình, nhưng hoàn toàn phó thác và đi theo đường lối của Thiên Chúa hầu ở lại trong Ngài. Thiên Chúa luôn muốn ở lại với và trong chúng ta. Về phần mình, chúng ta có muốn ở lại với và trong Thiên Chúa không?
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………….
Suy Niệm 3: Hãy trở nên một gia đình thánh
Sống đơn độc trong ngày lễ Giáng sinh là một thử thách đáng sợ cho đời linh mục. Đang khi mọi phần tử trong gia đình trong dịp lễ này tìm về mái ấm, sống những giây phút êm đềm hạnh phúc bên nhau, thì tôi sau khi dâng thánh lễ còn lại một mình sống trơ trọi ở nhà xứ rộng lớn, đối diện với những cảm xúc luôn dâng trào khi nghĩ về người thân. Khi còn trong chủng viện đêm Giáng sinh chả còn ai, ra đường đi dự lễ thì thấy mình giống như con chim lạc bầy! Những năm có tuyết rơi thì còn tệ hại hơn.
Bầu khí của ngày lễ Giáng sinh làm cho mọi người cảm thấy rộn rã ấm áp, từ nơi gia đình đến đường phố, nhất là những cảnh tượng được trang trí chung quanh thánh đường. Lễ Giáng sinh bên trời Tây còn ngày lễ của gia đình. Nếu như trong những ngày này tất cả đều đong đầy sắc thái hạnh phúc của gia đình thì tại sao chúng ta còn cần đến ngày lễ kính Thánh Gia Thất để làm gì? Gia đình là nơi cần thiết cho cuộc sống con người. Đây là nơi mà những sinh hoạt thường nhật của con người xảy ra nối tiếp nhau. Tất cả cùng nhau chia sẻ những tháng ngày vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc và âu lo, lên voi xuống chó, … Kinh nghiệm còn cho thấy ngày càng có nhiều áp lực dẫn đến cảnh chia ly, gia đình đổ vỡ. Lễ Thánh Gia Thất muốn nhấn mạnh rằng, mỗi một cuộc sống chung đều phải đối diện với những khúc mắc, hoài nghi, khủng hoảng và đau khổ. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Con người là những cá thể dị biệt, không ai giống ai, từ vóc dáng đến tính tình, từ sở thích đến khả năng, từ nơi xuất thân đến hoàn cảnh xã hội. Nơi nào con người chia sẻ cuộc sống với nhau thì ở đó có đụng chạm, bất đồng, đố kỵ, … Cuộc sống chung lúc nào cũng trơn tru là chuyện mộng tưởng! Nỗi hoài nghi của thánh Giuse khi nghe tin Đức Maria mang thai, hành trình trốn sang Ai cập, cuộc hành hương từ làng Nazarét lên thành Giêrusalem của Đức Giêsu cùng với gia đình lúc 12 tuổi là một số bằng chứng.
Lễ Thánh Gia Thất là lời mời gọi gửi tới từng gia đình: Hãy trở nên một gia đình thánh. Cuộc sống chung nơi gia đình luôn có những khó khăn và những đe doạ rình rập nhưng nếu có Đức Giêsu hiện diện thì hy vọng tai qua nạn khỏi sẽ lớn mạnh. Chính Đức Giêsu đã chia sẻ cuộc sống với chúng ta khi suốt 30 năm sống ẩn dật nơi làng Nazarét, hoàn thành nghĩa vụ của kẻ làm con trong gia đình. Ngày lễ mời gọi chúng ta hãy dành cho Đức Giêsu một chỗ ở giữa gia đình. Một gia đình trở thành một gia đình thánh khi ở đó được sự vững tin và hy vọng che phủ. Khi con người đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa thì sẽ có khả năng trở thành người ban phát niềm tin và hy vọng. Đức Giêsu đã sống trong mái ấm gia đình và lời Ngài nhắn nhủ luôn có giá trị: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có thầy ở đó, giữa họ“ (Mt 18,22).
Lm. Phêrô Trần Minh Đức