Thứ năm, Tháng Một 2, 2025
spot_img
Thêm

    26/12: Thánh Têphanô

    BÀI ĐỌC I: Cv 6,8-10; 7,54-59

    Trong những ngày đó, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ, có nhóm người kia, thuộc Hội đường, mệnh danh là “của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Á đông, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiền răng phản đối ông. Nhưng Têphanô, đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolê. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn tôi”. Thế rồi ông quì gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi nầy”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.

    PHÚC ÂM: Mt 10,17-22

    Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Chúng con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường. Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

    Suy Niệm 1: TRONG CHÚA GIÊSU, CÓ TINH THẦN PHI BẠO LỰC, THA THỨ VÀ BÌNH AN

    Lễ thánh Têphano tuẫn đạo nối liền sau lễ Chúa Giáng Sinh. Liền sau ‘sinh’ là ‘tử’! Có vẻ tương phản và không hợp tình hợp cảnh… nhưng thật ra chính vì đón nhận và tin vào Chúa Giêsu mà Têphano đã đón nhận cái chết ‘tuẫn đạo tiên khởi’ này của mình. Cần thấy ngay, cái chết của Têphano hoàn toàn qui Kitô! Nó là một phiên bản cái chết của chính Chúa Giêsu. Têphano bị xử tử – cũng như Chúa Giêsu – trong niềm phó thác linh hồn mình trong tay Chúa, và trong lời kêu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại mình!

    Têphano là học trò xuất sắc của Chúa Giêsu trong tinh thần và thái độ phi bạo lực. Những người chống lại Têphano đã đổ dồn bạo lực trên con người hiền lành như ‘chiên con giữa sói dữ’ này. Hãy tưởng tượng trận ném đá với tất cả sự cuồng nộ mà Têphano phải hứng chịu! Nhưng chính trong sự phủ ngập bạo lực ấy, Têphano vẫn bình an một cách lạ lùng, sự bình an của một tâm hồn phi bạo lực, sự bình an chứa đầy khả năng tha thứ, sự bình an của người thiện tâm mà thiên sứ đã loan báo trong đêm Chúa Giêsu ra đời…

    Sách Công vụ Tông đồ kể rằng sau khi cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết mình, Têphano đã “an nghỉ”. Tức là chết đấy, cái chết bình an, ta thường gọi là ‘chết lành’. Và thật rõ, không ai chết bình an, chết lành, khi đi đến cái chết với một tâm hồn không bình an! Têphano ở trong bình an trước, trong và sau khi chết. Sống chết không quan trọng nhất. Người ta giết thì mình chết, chứ không tự chết. Điều quan trọng nhất là tìm và giữ được sự bình an của Chúa ngay trong những nghịch cảnh phũ phàng nhất, như kinh nghiệm của Têphano.

    Tìm sự bình an của Chúa có quá khó không? Không. Vì sự bình an của Chúa là chính Chúa – có Chúa là có bình an. Thế mà, Chúa không trốn biệt trên trời cao xa kia để ta không thể với tới. Chúa đã bỏ trời xuống tận đây, đang ở ngay cửa nhà ta, chỉ chờ chúng ta mời Người vào.

    Hãy chân thành mời Chúa ghé vào tâm hồn bạn, thì bạn sẽ đầy ắp bình an – như Têphano!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………….

    Suy Niệm 2: SỐNG LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

    Theo truyền thống, chúng ta có lý do để tin rằng Thánh Têphanô là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, thánh nhân được chọn làm một trong bảy phó tế của Giáo Hội tiên khởi. Sứ vụ của thánh nhân sinh nhiều hoa trái và vì vậy làm cho nhiều người ghen ghét và chống đối. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, khi sống hoàn toàn cho Chúa, chúng ta cũng sẽ đối diện với kinh nghiệm bị chống đối và loại trừ. Nhưng trong những giây phút đó, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Chúa và sống Tin Mừng yêu thương và tha thứ.

    Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc tử đạo của Thánh Têphanô. Tác giả sách Công Vụ Các Tông Đồ trình bày Thánh Têphanô là người “được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6:8). Việc làm điềm thiêng dấu lạ của những người môn đệ Chúa Giêsu luôn có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, với quyền lực của Thiên Chúa mà người môn đệ thực hiện những kỳ công. Nhiều lần, khi làm được điều gì đó mang lại danh thơm tiếng tốt, chúng ta cho đó là do sức riêng của mình mà quên mất mọi sự đến từ Thiên Chúa. Thánh Têphanô làm điềm thiêng dấu lạ vì thánh nhân được đầy ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa. Vì thánh nhân đã luôn sống cho Thiên Chúa nên đã gây ra sự chống đối trong những người thuộc hội đường, là những người đi tìm danh vọng riêng cho chính mình. Vì được đầy ân sủng và quyền năng, nên không ai có thể “địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:10). Chi tiết này cho thấy, Thánh Têphanô chỉ tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, chứ không tìm ở người đời. Còn chúng ta, sự khôn ngoan của chúng ta đến từ đâu: Thiên Chúa hay người đời?

    Chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là những lời cuối cùng của Thánh Têphanô trước khi chết: “‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7:59-60). Chúng ta nhận ra những lời này là lời của Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá. Điều này dạy chúng ta rằng: Cuộc đời của người môn đệ phải lặp lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là trong hành động tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và trong đời sống yêu thương và tha thứ. Nói cách cụ thể hơn, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta phải phản chiếu những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ về thực tại họ sẽ bị trao nộp khi theo Ngài. Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ sẽ bị trao nộp bởi hai loại người:

    (1) Những người ở bên ngoài: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:17-20). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ thái độ họ cần phải có khi bị “người đời” trao nộp, đó là họ hoàn toàn tin tưởng và để Thần Khí của Thiên Chúa Cha hướng dẫn họ trong việc làm chứng. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa, chúng ta phải hoàn toàn để cho mình dễ dạy với Chúa Thánh Thần chứ không đi tìm những luận chứng con người để trình bày. Thật vậy, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta tìm những lý do con người để làm chứng cho Chúa. Càng sử dụng những lối suy luận con người bao nhiêu, ngườc khác càng xa Chúa và không tin Chúa bấy nhiêu. Tuy nhiên, những khi bị bắt bớ, chúng ta chỉ nói với ngôn ngữ của tình yêu cho dù phải đau khổ để người khác sẽ nhận ra được Thiên Chúa là ai mà chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ và chết. Đó chính là cách làm chứng tốt nhất mà chúng ta có thể làm như Thánh Têphanô đã làm.

    (2) Những người trong gia đình của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Cuộc sống dạy chúng ta rằng, chúng ta sẽ đau buồn hơn khi một người thân của chúng ta ‘phản bội’ hay ‘trao nộp’ [làm tổn thương] chúng ta. Điều này xảy ra cho hết mọi người, ngay cả những người theo Chúa Giêsu. Trong những trường hợp như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần có sự “bền chí” [kiên nhẫn chịu đựng]. Theo Chúa Giêsu, chỉ những người bền chí mới được cứu độ! Hay nói cụ thể hơn, chỉ những người bền chí mới có thể làm cho việc làm chứng của họ sinh hoa trái trong đời sống những người thân của họ.

    Lm. Anthony, SDB.

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com