Chị – một người đồng hành trẻ – đã có những lời Tản Mạn nhưng chất chứa nhiều Tâm Tư để: “Dành tặng cho những ai sắp tới sẽ cùng tôi đi chung một con đường.”
Có lẽ ai cũng đã từng một lần trong đời nghe câu tục ngữ: thương cho roi cho vọt. Lúc còn nhỏ, với suy nghĩ non nót của mình, tôi cho rằng thương là phải nói lời yêu thương, khích lệ, không la mắng và để cho mình được tự do, chứ sao lại cho roi cho vọt. Nhưng càng lớn lên, tôi càng hiểu rằng, trước khi giao cho ai một nhiệm vụ thì người đó cần được học đầy đủ để bắt đầu một hành trình mới. Hay con cái phải được cha mẹ chỉ bảo tận tình, bằng những lời dạy dỗ, bằng gương sáng, để khi bước vào thế giới rộng lớn bao la thì không cảm thấy lo sợ quá. Sự nuông chiều sẽ dẫn đến tác hại nào? Ai trong chúng ta cũng muốn được chiều chuộng, yêu thương, đó là nhu cầu căn bản của con người, nhưng khi nhu cầu đó có thể làm cản trở ta không thể lớn lên được, thì ta phải cắt bỏ nó cho nó khỏi lây lan. Khi nhìn vào những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống thường ngày, tôi nhận thấy những khác biệt rất lớn trong vấn đề này. Có gia đình thương rất mực, mặc dù không giàu có gì nhưng luôn lo lắng đầy đủ cho con, yêu thương con vô điều kiện, con muốn gì cũng được. Chính vì vậy mà con cái lớn lên không dám đối diện với đời, sống cuộc đời bình an trong cái bỏ vọc đó, không biết giải quyết vấn đề, gây ra biết bao nhiêu chuyện đáng tiếc. Có gia đình thì dạy con theo kiểu cho nó làm mọi thứ, phải rèn luyện như những chiến sĩ chuẩn bị ra mặt trận, phải có đủ tài, lực, mưu để đối phó, những đứa con sinh ra trong gia đình đó rất kiên trì và mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Tất nhiên, gia đình nào cũng thương con, nhưng dạy theo mỗi kiểu khác nhau mà thôi.
Tôi không có ý đổi tội cho sự giáo dục của các gia đình, nhưng tùy đứa trẻ đó như thế nào nữa, nhất là trong thời đại hôm nay, nếu dùng cách nói ngon ngọt mà đứa trẻ nghe lời và tự mình chịu trách nhiệm về các hành vi của mình thì đó là điều hay, nhưng khi thấy đứa trẻ đó nếu không la mắng thì sẽ dẫn đến tình trạng không thể nào thay đổi, ta lại phải nhắc nhở và day dỗ.
Thử hỏi trong cuộc đời này có người cha, người mẹ nào khi la mắng con mà trong lòng vui vẻ, hớn hở, chỉ toàn là cảm nhận một nỗi buồn và đau khổ vì nhìn thấy chúng như vậy. Nếu sau này chúng có nhìn lại ta như thế nào, đó là quyền của chúng, về phần ta, việc chu tàn bổn phận sẽ được đặt lên hàng đầu trong trách nhiệm và bổn phận dạy dỗ.
Những từ dạy dỗ có nghĩa gì, chúng thường đi với nhau hay tách rời nhau. Dạy là truyền đạt tri thức hoặc kỹ năng một cách có phương pháp giúp phân biệt phải trái, biết cách tu dưỡng và đối xử. Dỗ là một hành vi biểu trưng sự quan tâm, san sẻ của con người[1]. Nếu đi với nhau thì cũng tạo ra một từ láy để nói đến một phương pháp giáo dục để dạy cho người khác những điều hay trong sự chia sẻ và quan tâm. Nhưng có lúc dạy mà không dỗ được, để chúng tự cảm nghiệm và rút ra những bài học cho riêng mình, ở đây không phải là không quan tâm, nhưng quan tâm như thế nào cho hợp lý và tốt nhất.
Có một bài hát:“Vai ác”( Hứa Kim Tuyền) với những ca từ như sau:
Đóng vai mẹ thường là vai ác
Thường hay mắng với la rầy con …
Đóng vai mẹ thường là vai ác
Vì vai ác ấy phải dạy con…
Mẹ ước giá như mẹ có thể bên con suốt đời
thì mẹ chẳng cần hành trang cho con nhiều như thế
Mẹ mong bé con… chẳng cần giỏi giang nhất trên đời
Mà con hãy trở nên mạnh mẽ, làm người hạnh phúc nhất…
Lỡ mai này mẹ rời xa mãi
Tựa bông tuyết tan khi mùa xuân
Mẹ chỉ muốn bé con hồn nhiên suốt đời
Với đôi chân thật vững bước.
Thật vậy, giáo dục không là điều dễ dàng, vừa phải dạy bằng sự nghiêm khắc và mềm dẻo để đứa con có thể cảm ngiệm được tình yêu mà ta dành cho chúng, chứ không phải chỉ là sự trách phạt hay la mắng.
Dìu dắt là cho đi cùng với mình, và giúp đỡ cho tiến lên được theo cùng một hướng với mình.[2] Có một em nói với tôi: Chị chỉ cần dắt chúng em thôi, chứ đừng dìu chúng em, vì như vậy chị sẽ không có đủ sức, hãy để chúng em dìu chị nhé.
Muốn dắt một người đi theo mình thì phải biết được chắc chắn mình đi đâu và đi như thế nào, phải chịu trách nhiệm về sự dẫn dắt của mình, để người đó cũng có thể tới nơi giống mình. Nhưng có khi nào chúng ta cảm thấy đuối sức khi hành trình của mình chỉ chìm đắm trong trách nhiệm, bởi sức lực giới hạn của con người, để rồi người ta cũng cần có sự đồng cảm và thấu hiểu, điều đó có cần không. Con người trưởng thành thường đi qua cây cầu “độc mộc” một mình, nghĩa là phải tự mình giải quyết và sống cuộc đời của mình dù có nhận được sự trợ giúp của khác hay không. Quả đúng là như vậy, khi chúng ta đau bệnh, thì cơn bệnh đó là của riêng ta, dù ta có nhận được sự thăm hỏi và chia sẻ, cho ta thêm sức mạnh, nhưng không ai gánh căn bệnh của ta được, chỉ mình ta đối diện với nó và cố gắng vượt qua.
Dạy dỗ và dìu dắt thường là công việc của người lớn với người nhỏ hơn, nên dắt phải cho chúng đường, đúng lối, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường. Nhưng cũng có những trường hợp người nhỏ khó đón nhận cách dạy dỗ của người trên, có thể là do cái tôi quá cao nên không thể khiêm nhường đón nhận, hay cũng có thể do cả hai không có sự đồng cảm nên mỗi người nhìn một hướng mà mình cho là đúng. Chỉ có vì chu toàn bổn phận mà người ta mới có thể vượt qua được những khó khăn và khác biệt để phó thác hoàn toàn cho Chúa và dấn thân cho sứ mạng.
Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một thế giới đang phát triển không ngừng, mỗi ngày có thêm nhiều điều mới đang hẹn gặp chúng con. Giữa những điều đó, chúng con thấy mình thật nhỏ bé và nếu không để ý, chúng con sẽ bị nhấn chìm vào trong những tham vọng và đặt sai mục tiêu chính của cuộc đời. Xin Chúa là ánh dương soi dẫn cuộc đời chúng con, xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa, học theo Chúa và sống như Chúa. Đời sống thánh hiến của chúng con là mỗi ngày bước theo sát dấu chân Đức Giesu, nhưng hình như chúng con đang còn đi xa xa mà không theo sát Ngài. Xin biến đổi chúng con và cho chúng con luôn nhớ rằng cuộc đời của chúng con chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc và là cùng đích, để từ đó, chúng con luôn cố gắng không ngừng.
Xin cùng cầu nguyện cho nhau trên bước đường tận hiến, nhớ đến nhau bởi những biến cố đã cùng trải qua, tha thứ cho nhau những thiếu sót và cố gắng sống niềm vui trong cuộc đời này.
Sao Băng.
[1] https://languages.oup.com/
[2] https://languages.oup.com/