spot_img
Thêm
    Trang chủThông TinGiáo Hội Hoàn Vũ10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Dấu ấn –...

    10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Dấu ấn – Con người – Viễn tượng

    Phanxicô Maria Nguyễn Mai Kha, S.J.

    Sau hơn 10 năm làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô gây được ấn tượng gì cho dân chúng? Ngài đã để lại những dấu ấn nào trên cương vị người kế vị thánh Phêrô? Đâu là những nét tiêu biểu để phác họa bức chân dung, cả về con người lẫn sứ vụ, của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo? Bài viết không nhắm mục đích liệt kê những gì ĐTC Phanxicô đã làm, nhưng, một cách rất I-nhã, chỉ nhìn lại những nét chính, những “điểm đánh động” để qua đó phác họa dung mạo của vị kế vị Tông đồ Phêrô trong thời đại này.

    Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 13 tháng Ba năm 2013, sự tĩnh lặng sau cơn mưa chiều của thành Roma bị phá vỡ bởi tiếng chuông dồn dập từ các nhà thờ báo hiệu một biến cố quan trọng đang diễn ra. “Habemus papam” là câu cửa miệng mọi người thốt ra khi gặp nhau. Quả vậy, trước đó ít phút, làn khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistine báo hiệu việc bỏ phiếu bầu vị Giáo Hoàng kế tiếp đã có kết quả. Dân chúng tại Roma, bất luận là du khách hay dân địa phương, chẳng ai bảo ai, nhất loạt tiến về Quảng trường thánh Phêrô. Chỉ trong ít phút, quảng trường này, vốn có thể chứa được khoảng 80 ngàn người, đã dần được lấp đầy. Dân chúng bàn tán xem ai có thể là người được chọn. và rồi giây phút mọi người chờ đợi cũng đã đến. Xuất hiện tại ban công của Đền thờ thánh Phêrô, vị Hồng Y niên trưởng công bố: “Chúng ta đã có Đức Thánh Cha, đó là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám mục của Buenos Aires, với danh hiệu Phanxicô.” Nhiều người hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô còn đang phân vân về những gì mình vừa nghe bởi cái tên Bergoglio có lẽ không nằm trong danh sách các ứng viên mà mọi người đồn đoán cho người kế vị tông đồ Phêrô, thì họ còn ngạc nhiên hơn nữa bởi vị mặc áo trắng tiến ra trước ban công và nói: “Chào buổi tối” (Buonasera).

    Những lời đầu tiên của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô ngỏ với dân chúng không phải là một bài diễn văn với lời lẽ bay bổng, thay vào đó là lời lẽ của một cuộc trò chuyện thân tình. Ngài nói thành Roma phải có vị giám mục và các chư huynh Hồng Y của tôi dường như đã tìm thấy vị giám mục ấy từ tận cùng thế giới. Ngay lập tức, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người cầu nguyện cho ĐTC danh dự Biển Đức XVI bằng một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Về sứ mạng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, ĐTC Phanxicô ngỏ lời: “Chúng ta cùng nhau khởi sự cuộc hành trình này, cả Giám mục Roma và các tín hữu ở đây, một hành trình của tình huynh đệ, bác ái và tin tưởng lẫn nhau.” ĐTC nhấn mạnh sứ mạng của ngài và của giáo phận Roma là: “Chúng ta hãy luôn luôn cầu nguyện cho nhau và cho tất cả thế giới nhằm mưu cầu tình huynh đệ lớn lao và để tiếp tục công cuộc truyền giáo nơi giáo phận xinh đẹp này.” 

    Một nghĩa cử khác của ĐTC Phanxicô còn đọng lại nơi tâm trí không chỉ của những ai hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô tối hôm ấy là việc trước khi ngài ban phép lành cho dân chúng, ngài xin họ cầu nguyện xin Chúa ban phép lành cho ngài để ngài chúc lành cho dân chúng. Hình ảnh ĐTC cúi đầu trong khi dân chúng cầu nguyện cho ngài trong thinh lặng. Cả quảng trường với khoảng 80 ngàn người chìm trong thinh lặng gần như tuyệt đối tạo nên một khung cảnh kỳ diệu và giây phút ấy thật thiêng liêng và cảm động. Sau nghi thức ban phép lành toàn xá cho dân chúng, ĐTC không quên cảm ơn mọi người về tấm thịnh tình dành cho ngài. Một cách đơn sơ, ngài chúc mọi người ngủ ngon.

    Về danh xưng “Phanxicô”, ĐTC vẫn còn nhớ như in rằng trong lần bỏ phiếu kế cuối, tên của ngài đã có số phiếu cao, và còn tăng nữa. Nhưng bản thân ĐTC cảm thấy bình an, chính ngài nói ngài cũng không hiểu vì sao. Ngay lúc ấy, một vị Hồng Y tiến lại gần ngài và nói nhỏ: “Cứ bình tĩnh, đó là cách Chúa Thánh Thần làm việc.” Và khi số phiếu đạt tới con số đắc cử, vị Hồng Y kia tiến tới ôm ngài và nói: “Xin cha đừng quên người nghèo.” Từ biến cố đó, cái tên Phanxicô xuất hiện trong tâm trí ĐTC và trở thành danh hiệu Giáo hoàng của ngài. Bởi vì đối với ĐTC Phanxicô, thánh Phanxicô Assisi: “là một người nghèo, người của hoà bình, người yêu mến và bảo vệ thiên nhiên.”

    Đã hơn mười năm sau buổi tối tháng Ba năm 2013, ĐTC Phanxicô đã thi hành sứ mạng người kế vị Tông đồ Phêrô và là giám mục giáo phận Roma, và qua đó là cả Giáo Hội hoàn vũ. Trong hành trình hơn mười năm ấy, được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, ĐTC Phanxicô đã thực hiện hơn 40 chuyến tông du, gặp gỡ những nhân vật quyền lực và có tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, khoa học, văn hoá cho đến thể thao và nghệ thuật. ĐTC cũng gặp gỡ các vị nguyên thủ quốc gia, từ Obama cho đến Putin, từ Trump cho đến Angela Merkel, cũng như các thủ tướng Ý như Renzi, Gentiloni, Conte, Draghi, Meloni và tổng thống Sergio Mattarella. Ngài cũng gặp gỡ các vị hữu trách các tôn giáo khác như rabbi Riccardo di Segni, người đứng đầu cộng đoàn Do Thái ở Roma hay đại giáo chủ Hồi Giáo Al-Sistani ở Irắc. ĐTC cũng có những cuộc gặp gỡ thân tình với những người có ảnh hưởng ở các lĩnh vực khác: từ Greta Thunberg cho đến Bono Vox, hay Roberto Benigni và Diego Armando Maradona. Các tài liệu được ĐTC Phanxicô ban hành thể hiện rõ nét ý định và đường hướng ngài muốn Giáo Hội và giáo dân tiến bước trong thời đại này: quan tâm đến môi trường, hoà giải với Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ. Từ Lumen Fidei hay Laudato Sì cho đến Fratelli Tutti đều thể hiện rõ nét sợi chỉ đỏ trong ý hướng và thực hành của ĐTC trong việc dẫn dắt đàn chiên của Chúa. Bài viết này không có mục đích liệt kê các thành tựu của ĐTC Phanxicô sau hơn mười năm giáo hoàng, nhưng nhằm đưa ra một vài nhận định về những dấu ấn của ĐTC Phanxicô. Qua đó làm rõ điều gì đã ảnh hưởng đến các quyết định của ngài trong việc tạo ra những dấu ấn như vậy. Cho đến nay, có thể kể ra ba dấu ấn rõ nét trong thời đại giáo hoàng của  ĐTC Phanxicô: hướng đến người nghèo, cổ võ hoà giải và xây dựng tình huynh đệ. Ba dấu ấn ấy phần nào phác hoạ bức chân dung của ĐTC Phanxicô.

    Người nghèo của Chúa

    Một trong những định nghĩa về người nghèo của ĐTC Phanxicô đó là những người buộc phải rời bỏ nhà cửa và quê hương để đi lánh nạn hoặc tìm kiếm một cơ hội để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Họ là những người di dân bắt buộc. Nói cách khác, họ là nạn nhân của những xung đột về chính trị, tôn giáo ở cấp độ quốc gia lẫn cấp độ quốc tế. Họ đều có quê hương xứ sở của mình, nhưng thực tế đau thương đã buộc họ phải rời khỏi quê hương với hy vọng sẽ được sống trong hoà bình và ổn định. Trong thông điệp nhân ngày thế giới hòa bình năm 2018, ĐTC Phanxicô đã nêu ra câu hỏi tại sao hiện nay có nhiều người di dân và người lánh nạn như thế? Nhiều năm trước, ĐTC Gioan Phaolô II đã từng đề cập đến những nguyên nhân của vấn nạn di dân bắt buộc như là hậu quả của hàng loạt các cuộc chiến tranh, tranh trừng sắc tộc, xung đột lẫn nhau của các phe nhóm. Đã nhiều năm trôi qua, những nhận định về nguyên do nạn di dân bắt buộc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn còn nguyên tính thời sự bởi nhìn vào thực tế thế giới hiện tại, những cuộc chiến không có hồi kết vẫn còn đang tiếp diễn, thậm chí còn lan rộng và phức tạp hơn. ĐTC Phanxicô cũng được đánh động bởi nhận xét của vị tiền nhiệm của mình rằng: “ Nếu ‘giấc mơ’ về một thế giới hoà bình được nhiều người ấp ủ, nếu người ta chân nhận những đóng góp của người di dân và người lánh nạn, nhân loại đã luôn có thể trở thành một gia đình cho tất cả mọi người và trái đất này thực sự là ‘ngôi nhà chung’.”

    Tuy nhiên, thực tế đã không xảy ra như trong ‘giấc mơ’. Thậm chí trong nhiều trường hợp, vấn nạn di dân và người lánh nạn còn tạo ra bầu khí lo sợ và từ đó đưa đến thái độ tự động khép kín, triệt để hơn nữa là những chính sách chính trị nhằm loại trừ người di dân ra khỏi biên giới lãnh thổ. Hệ quả là con người ngày càng đóng cửa trái tim và tâm hồn mình trước vấn nạn di dân, trước những người đang nuôi hy vọng về một thực tại tốt đẹp hơn, trước những người đang trong nỗi lo sợ mất đi tất cả, và trước tiếng gào thét của những người đang cần trợ giúp nhất.

    Có lẽ nhiều người đã nhìn ra vấn nạn và nhu cầu cấp thiết này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những phản ứng có phần tiêu cực và thờ ơ của những người đang sống trong vòng an toàn của thời cuộc và bảo đảm về kinh tế. ĐTC Phanxicô cảnh báo về hiện tượng “toàn cầu hoá về sự thờ ơ” của thế giới hiện tại. Trong chuyến tông du đến Lampedusa, chỉ ba tháng sau khi lên ngôi giáo hoàng và cũng là chuyến tông du đầu tiên của mình, ĐTC Phanxicô bày tỏ rằng:

    “Người di dân chết trên biển, trên chuyến tàu mà đáng lẽ là con đường của hy vọng, đã trở nên con đường dẫn đến cái chết. […] Tôi đã xem thông tin này trên báo, và tiếc thay, nó cứ lặp lại nhiều lần. Suy nghĩ ấy cứ đến trong tôi như một mũi kim đâm vào con tim làm cho tôi đau khổ.” 

    “Toàn cầu hoá về sự thờ ơ” có lẽ chỉ là một trong số những biểu hiện của sự mất phương hướng của con người trong đời sống hiện tại. Khởi đi từ câu nói đầu tiên trong Kinh Thánh khi Thiên Chúa ngỏ lời với con người sau khi con người phạm tội: “Ađam, ngươi ở đâu?” Ađam là hình ảnh con người bị mất phương hướng, bị mất vị trí của mình trong tạo dựng bởi đã tin rằng mình có thể trở nên quyền lực, có thể chế ngự tất cả, trở nên bằng Thiên Chúa. Trật tự ban đầu của tạo dựng bị con người phá vỡ. Hệ quả là tương quan với tha nhân cũng bị ảnh hưởng. Giờ đây, tha nhân không phải là người tôi cần bày tỏ lòng bác ái, nhưng họ trở nên mối nguy cho sự sung túc của tôi.

    Đỉnh điểm của sự thờ ơ đó là thái độ giả tạo được Tin Mừng nhắc đến trong dụ ngôn người Samari nhân hậu. Đứng trước những mảnh đời bất hạnh, con người có thể chép miệng và nhủ thầm rằng “tội nghiệp quá” và rồi tiếp tục những gì họ đang làm, tiếp tục những dự định và cả những trách nhiệm chính đáng. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng vấn đề là chúng ta cảm thấy bình an với thái độ thờ ơ ấy. Không coi đó là nhiệm vụ của mình khi phải giúp đỡ người khác đang trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta cảm thấy bình an với những gì mình đang làm. ĐTC Phanxicô trải lòng: “Văn hóa hưởng thụ khiến chúng ta chỉ nghĩ về mình, làm chúng ta không thể nghe thấy tiếng gào thét của tha nhân, nó khiến chúng ta sống trong bong bóng xà phòng, rất đẹp nhưng không là gì cả, chỉ là ảo ảnh. Tất cả đưa chúng ta đến sự thờ ơ đối với tha nhân, thậm chí là hiện tượng toàn cầu hoá về sự thờ ơ.”

    Đối với ĐTC Phanxicô, khởi đi từ quan niệm Kitô giáo về thế giới như là nơi tạm và toàn thể nhân loại đang trên hành trình về quê hương đích thật là Nước Trời, tất cả chúng ta đều là di dân. Đối diện với hiện tượng khép kín và đóng cửa, ĐTC Phanxicô cảm thấy trách nhiệm phải mời gọi mọi dân mọi nước mở cửa ra đón nhận người nghèo. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô trải lòng:

    Tôi nghĩ đến những người vô gia cư, những người nghiện ngập, những người tị nạn, những dân tộc bản địa, những người già đang ngày càng bị cô lập và bỏ rơi, và nhiều thành phần khác. Thành phần di dân là một thách thức đặc biệt đối với tôi, vì tôi là mục tử của một Giáo Hội không biên giới, một Giáo Hội coi mình là mẹ của mọi người. Vì lý do này, tôi khuyến khích tất cả các nước hãy quảng đại mở cửa, và thay vì sợ mất đi bản sắc địa phương của mình, họ sẽ có khả năng tạo ra những hình thức tổng hợp văn hoá mới.

    Trong bối cảnh đó, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người cùng đi với người di dân và người lánh nạn để bày tỏ sự gần gũi, để quan sát và lắng nghe họ, hầu có thể đón tiếp, bảo vệ và giúp đỡ họ, hỗ trợ và hội nhập nhằm hướng đến những giải pháp lâu dài. ĐTC Phanxicô xác tín rằng:

    […] lịch sử Giáo Hội là một lịch sử cứu độ, giúp chúng ta nhớ đến những vị thánh đã đưa Tin Mừng nhập thể vào đời sống của các dân tộc và gặt hái những hoa trái của của truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội, mà không cần làm ra một hệ tư tưởng tách rời kho tàng này, như thể chúng ta muốn phát minh ra Tin Mừng một lần nữa. Đồng thời, nguyên tắc này thúc đẩy chúng ta đưa lời ra thực hành, thể hiện những công cuộc bác ái và công bằng để làm cho lời ấy sinh hoa kết quả. Không đưa lời vào thực hành, không biến lời thành thực tại, tức là xây trên cát, dừng lại ở trạng thái thuần ý tưởng và dẫn đến tình trạng bất động và vô hiệu quả của chủ nghĩa vị kỷ và ngộ đạo.

    Hai trích dẫn trên đây phần nào thể hiện rõ quan điểm của ĐTC Phanxicô trong việc định hướng hành động cho Giáo Hội trong liên đới với người di dân và người lánh nạn. Nói cách khác, đây có thể được coi như tuyên ngôn của ĐTC trong việc hướng dẫn Giáo Hội trong tương quan với người nghèo: đó là một Giáo Hội được mời gọi mở ra đến các biên cương mới, một Giáo Hội đồng hành với tín hữu, những người tự bản thân họ cần ý thức mình cũng là những người lữ hành, để có thể đến với những ai đang cần trợ giúp, bất luận họ đến từ đâu, xuất thân từ văn hóa hay tín ngưỡng nào, để đi đến sự hoà hợp cùng nhau tìm kiếm một giải pháp cho sự phát triển chung. Để làm được điều này, theo ĐTC Phanxicô, chúng ta cần nhìn lại bản thân và thực hiện cuộc hoán cải (metanoia) để sắp xếp lại những ngổn ngang của chính chúng ta.

    Con người cần hoà giải

    Đứng trước những vấn nạn của thế giới và con người đương đại, ĐTC Phanxicô, ngoài việc kêu gọi thực hiện những biện pháp cụ thể, ngài còn mời gọi tất cả suy tư phản tỉnh về những nguyên do sâu xa của những bất ổn chính trị, văn hoá, và nhân văn ấy. Lời mời gọi ấy được soi sáng và thúc đẩy từ nền linh đạo I-nhã mà ĐTC Phanxicô, với tư cách là Giêsu hữu, chắc hẳn đã thấm nhuần cả về tư tưởng lẫn hành động. Đó là quay trở lại với chính bản thân mình để thực hiện cuộc hoán cải tận căn: hoán cải với Thiên Chúa, với thụ tạo và với chính mình. Một trong những nỗ lực mời gọi hoà giải của ĐTC Phanxicô là thông điệp Laudato Sí, đặc biệt trong việc chăm lo ngôi nhà chung – hoà giải với thụ tạo.

    Trong việc ban hành thông điệp Laudato Sí, ĐTC Phanxicô, ngay từ những số dẫn nhập của tài liệu, đã nhấn mạnh rằng điều ngài muốn nói qua thông điệp này không phải là mới mẻ. Quả vậy, ngài chỉ đang tiếp nối các vị tiền nhiệm là ĐTC Phaolô VI, ĐTC Gioan Phaolô II và ĐTC Biển Đức XVI trong những ưu tư và bận tâm về con người và những vấn nạn con người đang phải đối đầu. Những vấn nạn đó, rất nhiều khi do chính con người và thói quen sinh sống của mình gây ra. Điều đó đang huỷ hoại ngôi nhà chung và làm mất cân bằng thế giới ở nhiều cấp độ và khía cạnh. Môi trường bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm, gây ra đói nghèo bởi thiếu lương thực, phát sinh bệnh tật bởi môi trường ô nhiễm. Từ đó, làm trầm trọng thêm các vấn nạn xã hội và đời sống.

    Nguồn gốc của những vấn nạn này lại đến từ chính suy nghĩ và hành động của con người. Chương thứ Ba của tài liệu này chỉ ra những tập quán xã hội và ý thức hệ con người đang gây ra những vấn đề môi trường. Trong đó bao gồm cả việc tận dụng các kỹ thuật, khuynh hướng thay đổi và điều khiển tự nhiên, quan niệm con người sống tách biệt khỏi môi trường, lý thuyết về lợi nhuận kinh tế và chủ nghĩa tương đối về luân lý làm cho vấn đề môi trường trở nên phức tạp hơn. Như vậy, những phản ứng tiêu cực của môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người lại có nguyên do sâu xa từ chính những hành xử và tác động của con người lên môi trường sống. Do đó, giải pháp cho vấn nạn môi trường không thể dừng lại ở việc sửa chữa những trục trặc hay băng bó những vết thương đang rỉ máu của mẹ thiên nhiên, mà cần một giải pháp tổng hợp và nhất quán từ phía con người: từ quan niệm cho đến cung cách hành xử. ĐTC Phanxicô chỉ ra rằng:

    “Chúng ta không đối diện với hai khủng hoảng riêng biệt, về môi trường và xã hội, đúng hơn, chúng ta đang đương đầu với một khủng hoảng kép đến từ cả xã hội và môi trường. Các chiến lược cho một giải pháp đòi hỏi lối tiếp cận tổng hợp để chống lại nghèo đói, phục hồi nhân phẩm cho những ai bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên.”

    Các giải pháp cho khủng hoảng kép này, theo ĐTC Phanxicô, không chỉ dừng lại ở việc giáo dục các thế hệ trong việc thay đổi thói quen tập trung vào chủ nghĩa tiêu dùng hay những biện pháp lâu dài từ các nhà lãnh đạo, mà còn trở thành một nếp sống thiêng liêng, điều mà ĐTC Phanxicô gọi là “hoán cải môi sinh”. Cùng với đó là đời sống thiêng liêng bằng việc tham dự các bí tích, hiểu biết về môi sinh, và tình yêu dành cho tổ quốc của mình.

    Qua thông điệp Laudato Sì, ĐTC Phanxicô giới thiệu một cái nhìn, một lối tiếp cận cho những vấn nạn con người đương đại đang đối diện. Hành trình hoán cải nêu trên có thể trở thành một hướng đi trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn nạn khác. Trên hết, việc hoán cải này đặt con người trở lại trật tự của tạo dựng ban đầu, của sứ mạng “canh tác và bảo vệ” đất đai, của việc được mời gọi cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Khi con người nghĩ mình có thể làm chủ tất cả, đến độ không còn nhìn nhận Thiên Chúa, khi đó con người rơi vào hoàn cảnh hỗn mang và môi trường sống của chính con người cũng phản ứng tiêu cực với cách con người đối xử với nó. Hoán cải và sắp xếp lại chính con người, từ suy nghĩ cho đến hành động, là tiến trình hoán cải mà ĐTC Phanxicô mời gọi. Với tinh thần lạc quan, ĐTC khẳng định rằng: “[…] không phải đã mất tất cả, bởi nhân loại, nếu họ có thể trở nên xấu xa tột cùng, họ cũng có thể vượt qua chính mình, trở lại để chọn lựa điều tốt và được tái sinh, bất kể là ở điều kiện tâm lý và xã hội nào mà họ đang bị áp đặt.”

    Xây dựng tình huynh đệ

    Theo ĐTC Phanxicô, một trong những nỗ lực hoán cải là xây dựng tình huynh đệ, cũng là một trong những ưu tư của ngài ngay từ khởi đầu hành trình là người kế vị Tông Đồ Phêrô. Trong bài diễn văn buổi tối sau khi được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô gọi mối tương quan giữa giám mục (Roma) và dân Chúa là “hành trình của tình huynh đệ” và ngài ước mong và kêu gọi mọi người cầu nguyện để thế giới có được tình huynh đệ tuyệt hảo. Đây là nền tảng để ĐTC Phanxicô ban hành thông điệp Fratelli Tutti (Hỡi tất cả anh em).

    Trong thông điệp này, ĐTC Phanxicô làm nổi bật cặp từ tình huynh đệ và bằng hữu xã hội. Theo đó, ngài không chỉ dừng lại ở mặt khái niệm ngữ vựng, nhưng khẳng định “tình huynh đệ” không chỉ đơn thuần là cảm xúc, tình cảm hay ý hướng, nhưng là một hiện hữu mà ngầm hiểu rằng cần hành động ra khỏi mình, hành động của sự tự do để tự vấn rằng: “Ai là anh em tôi?” Từ ngữ này xuất hiện 44 lần trong thông điệp Fratelli Tutti. Nhiều gấp đôi từ xuất hiện nhiều thứ hai là “tình liên đới”. Nếu tình liên đới là kết quả của tiến trình đấu tranh cho quyền con người, khởi đi từ cuộc cách mạng Pháp, nhằm đạt tới tình trạng xã hội nơi đó mọi người đều bình đẳng với nhau về quyền và lợi. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô, bằng từ ngữ tình huynh đệ, còn muốn đi xa hơn viễn tượng này. Ngài viết: “Trong khi tình liên đới là nguyên lý của việc hoạch định xã hội, là điều giúp cho người bị áp bức được trở nên bình đẳng, tình huynh đệ là điều giúp cho người bình đẳng dám trở nên một người khác.”

    Trở nên một người khác đồng nghĩa với việc phải thay đổi cái nhìn, không còn chỉ nhắm đến việc đòi quyền lợi để trở nên bình đẳng, nhưng còn dám ra khỏi mình để đón nhận người khác, kể cả khi họ đến từ chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ khác với mình. Như vậy, mọi người mới có thể trở thành anh em của nhau, mới có thể bình đẳng về quyền và lợi ích và cùng nhau chia sẻ công bình. Do đó, ĐTC Phanxicô kêu gọi một tình huynh đệ không biên giới, nơi mà mỗi người được nhìn nhận, trân trọng và yêu thương, vượt ra khỏi sự gần gũi về thể lý hay nơi chốn họ được sinh ra và lớn lên. Về điểm này, ngay từ đầu thông điệp, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu tấm gương của tình huynh đệ là thánh Phanxicô Assisi:

    Trong cuộc đời thánh Phanxicô, có một tình tiết cho chúng ta thấy tấm lòng rộng mở không biên giới của ngài, một tấm lòng có khả năng vượt khỏi những cách biệt về xuất xứ, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là câu chuyện ngài viếng thăm vị Sultan Malik-el-Kamil tại Ai Cập. Cuộc viếng thăm vô cùng gian nan, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều vì ngài thì nghèo khó, phương tiện thì ít ỏi, mà đường xá lại cách trở xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và tôn giáo khác biệt… Cuộc hành trình này, vào thời điểm của cuộc Thập tự chinh lúc đó, càng cho thấy thánh Phanxicô muốn biểu lộ hơn nữa tình yêu vĩ đại, ước ao ôm trọn tất cả mọi người.

    Không chỉ nêu gương như người kiến tạo hòa bình, thánh Phanxicô Assisi còn muốn hòa mình vào với thiên nhiên, trở nên “anh em với mặt trời, biển khơi và các ngọn gió”, làm bạn với “những người nghèo khó, những người bị bỏ rơi, những người bệnh, những người sống bên lề xã hội, những người rốt hết”. Chỉ trong quan điểm và viễn tượng này, con người mới thôi phân biệt và tự tách mình ra khỏi tương quan với đồng loại. Chỉ như thế con người mới có thể tra vấn ai là bạn của tôi khi tôi dám ra khỏi mình để đồng hoá với họ. Khi đó, như ĐTC Phanxicô quả quyết, “chúng ta không còn suy nghĩ kiểu ‘bọn chúng’, ‘bọn nó’, mà chỉ còn là ‘chúng ta’”.

    Tình huynh đệ luôn hướng đến việc ra khỏi mình để đến với tha nhân, qua đó, thiết lập tương quan rộng lớn hơn là những tương quan gia đình và chủng tộc. Đây chính là biểu hiện của tình yêu, là nền tảng của tình bằng hữu và huynh đệ. Chỉ với tình yêu thể hiện qua đức ái, con người mới có thể đón nhận giúp đỡ lẫn nhau. Đối lập với sự cục bộ và khép kín, tình yêu mở rộng là điều ĐTC Phanxicô xác tín và mời gọi con người thời nay thực hành:

    Tình yêu thúc đẩy chúng ta hiệp thông với hết mọi người. Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác. Bởi tính năng động của nó, tình yêu đòi ngày một mở rộng, ngày càng có khả năng đón nhận người khác, bằng cách thực hiện một cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ làm cho tất cả các vùng ngoại vi cùng hướng đến cảm thức thật sự thuộc về nhau. Như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”(Mt 23,8).

    Một cách cụ thể, ĐTC Phanxicô gợi ý bốn bước thực hành, cũng là bốn động từ diễn tả những hành động thực tiễn: đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Bốn hành động này không phải chỉ là chương trình hoạch định mang tính cơ cấu, nhưng là một hành trình nơi đó tất cả được mời gọi cùng nhau thực hiện những bước cụ thể nói trên. Viễn tượng đó, theo ĐTC Phanxicô, giúp chúng ta ra khỏi cái nhìn thiển cận của việc khép kín và não trạng cục bộ. Việc đón nhận người khác luôn tiềm tàng những nguy cơ dẫn đến dị biệt. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đó cũng là cơ hội để thăng tiến và làm phong phú đời sống nhờ những giá trị văn hoá, tinh thần, tín ngưỡng đến từ những khác biệt ấy.

    Trong cùng hướng suy tư về nội hàm của thuật từ tình huynh đệ và liên đới, ĐTC Phanxicô đưa ra một cách hiểu nữa về khái niệm “dân tộc”. Dân tộc không chỉ là từ ngữ dùng để chỉ một nhóm người cùng chủng tộc hay từ các chủng tộc khác nhau sinh sống trong một môi trường sống nhất định, được chi phối bởi quy ước và luật lệ là kết quả của sự đồng thuận lẫn nhau. Đối với ĐTC Phanxicô, dân tộc còn mang ý nghĩa sâu xa hơn là những phạm trù logic: “Thuộc về một dân là tham dự vào căn tính chung phát sinh từ các mối liên kết xã hội và văn hóa. Và đó không phải là cái gì có tính tự động, nhưng là một quá trình chậm chạp và khó khăn… tiến tới một dự phóng chung.”

    Điều này hoàn toàn ngược lại với xu hướng hiện tại của cái gọi là “chủ nghĩa dân tuý”, một dạng thức của xu hướng đóng kín và chỉ chăm lo cho lợi ích riêng của mình, dù là ở cấp độ của một dân tộc. Nếu nỗ lực lãnh đạo không hướng đến lợi ích ở cấp độ phổ quát, rất có thể việc lãnh đạo ấy đang ngả theo hướng chủ nghĩa dân túy:

    Nỗ lực phục vụ của họ, qua cố gắng tập hợp và lãnh đạo, có thể trở thành cơ sở cho một dự phóng dài hạn để thay đổi và tăng trưởng, bao hàm việc thừa nhận vị trí của người khác trong việc theo đuổi thiện ích chung. Nhưng điều này có thể bị thoái hóa để thành một thứ “chủ nghĩa dân túy” không lành mạnh, đó là khi khả năng lãnh đạo biến thành tài khéo léo hấp dẫn của một cá nhân, dùng nền văn hóa dân tộc làm khí cụ chính trị, nhờ vào ngọn cờ ý thức hệ nào đó, để phục vụ cho kế hoạch cá nhân và để tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hoặc có khi, họ tìm cách lấy lòng dân bằng cách khơi gợi những xu hướng hạ cấp và ích kỉ của một số thành phần dân chúng. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi các cơ chế và luật pháp bị khống chế, với những chiêu trò thô thiển hay tinh tế.

    Như thế, dù là chính trị, xã hội hay tôn giáo, ở cấp độ nào đi nữa, cũng cần hướng đến lợi ích phổ quát của mọi dân tộc, khởi đi từ dân tộc mình, trong viễn tượng tương quan với các dân các nước khác. Hành trình ấy, như mong ước của ĐTC Phanxicô ngay từ khi được bầu làm Giáo Hoàng, là tình huynh đệ lớn lao ngự trị trên thế giới này. Đây không chỉ là một mơ ước hay khái niệm trừu tượng. Đúng hơn, đây là phương thuốc hữu hiệu giúp điều trị tận căn những vấn nạn con người ngày nay đang phải đối diện.

    Ba dấu ấn trên đây phần nào phác hoạ được những đặc nét của hành trình mười năm giáo hoàng của ĐTC Phanxicô. Các dấu ấn ấy, dĩ nhiên đến từ những đặc nét cá nhân, lịch sử, văn hoá và đời tu của ĐTC Phanxicô. Bên cạnh đó, một khía cạnh rất riêng tư và phần nào là nền tảng cho những suy tư và viễn tượng của ĐTC Phanxicô đến từ thói quen đọc các tác phẩm văn chương mà không ít lần, trong các bài diễn văn hay trả lời phỏng vấn, ĐTC Phanxicô đề cập đến những ảnh hưởng đến từ văn chương ấy. Có thể kể ra đây ba ví dụ điển hình: suy tư dang dởvăn chương dân tộc, và hình ảnh người mục tử, người trên hành trình sứ vụ.

    Dostoevsky với “suy tư dang dở”

    Trong kinh nghiệm nhân sinh, ĐTC Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng mộ với các nghệ sĩ theo chiều hướng bi kịch. Nhà văn người Nga Fyodor Dostoevsky là một trong những tác giả mà ĐTC Phanxicô có ấn tượng và ít nhiều chịu ảnh hưởng theo chiều hướng này. Tác phẩm Anh em nhà Karamazov (I Fratelli Karamazov) phản ánh bi kịch của ba anh em nhà Karamazov, đồng thời cũng phản ánh những đấu tranh nội tâm sâu sắc của con người khi đứng trước thực tại với nhiều vấn đề văn hoá, xã hội và chính trị, đặc biệt khi phải đón nhận thực tại ấy trong tương quan với đời sống đức tin. Nói cách khác, thực tế luôn là tấm lưới đan xem dày đặc những vấn nạn, căng thẳng trong kinh nghiệm nhân sinh. ĐTC Phanxicô đặc biệt yêu thích khía cạnh này, cũng là một đặc nét trong linh đạo I-nhã, khi các Giêsu hữu được mời gọi sống cách quân bình các mối căng thẳng trong đời tu và sứ vụ.

    Điểm nhấn của bi kịch anh em nhà Karamazov là kinh nghiệm về ký ức hầm trú, và còn hơn là ký ức, nó là thực tại khó có thể gọi tên. Đó là tình trạng của một người không danh phận, không có đặc nét gì: “không xấu, không tốt, không gian dối, không trung thực, không anh hùng, không hèn nhát”. Dù biết thế nào là tốt, nhưng người đó luôn có xu hướng nghiêng về cái xấu, giữa những khao khát không được thỏa mãn và nuôi ý định trả thù. Hình ảnh về một người vô định như thế phá tan những quy luật của xã hội về một thế giới của logic và nguyên tắc. Giờ đây, hai với hai có thể không phải là bốn mà có thể là một đáp án khác. Đứng trước xu hướng toàn cầu hoá, nơi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tổng thể, mọi sự đều có thể được quy tụ, khái quát hoá để đồng phục hoá ý thức hệ, nhằm xoá nhoà những khác biệt. Sư tư dang dở, trong bối cảnh này, trở thành phương thuốc giúp con người mở ra cả về tư tưởng lẫn hành động đến những ranh giới mới. Đây chính là nền tảng của những sáng kiến về trợ giúp người di dân, người nghèo và bị bỏ rơi mà ĐTC Phanxicô mời gọi.

    Văn chương dân tộc

    Đối với ĐTC Phanxicô, tác phẩm văn chương bất hủ luôn là tác phẩm của cộng đồng, phải phổ biến cho đại đa số dân chúng chứ không phải chỉ đáp ứng nhu cầu văn học của một nhóm đặc thù nào. Ngược lại, về phía tác phẩm, phải là một tác phẩm có liên hệ với quần chúng, phải lột tả được những đặc nét của dân tộc mình. Theo ngôn từ của ĐTC Phanxicô, tác phẩm cộng đồng có khả năng khơi lên “lòng khao khát để không đánh mất giấc mơ về tổ quốc nơi các thế hệ cha anh đã dẫn dắt nhiều thế hệ trên mảnh đất quê hương”.

    Tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là Adán Buenos Ayres của nhà văn Leopoldo Marechal, một trong những tác giả tác phẩm yêu thích của ĐTC Phanxicô. Điều gây ấn tượng của tác phẩm văn học này đối với ĐTC Phanxicô là hình ảnh “thành phố của các huynh đệ” có tên Filadelfia. Đó là kết quả của sự tưởng tượng của nhà văn về một Buenos Aires đầy dẫy người đến từ các nơi khác nhau làm thành một sự hội tụ về chủng tộc, văn hoá và ngôn ngữ. Nơi thành phố huynh đệ này, ĐTC Phanxicô ý thức hơn về căn tính của mình – ngài cũng là một người di cư – và ý thức hơn về chính quê hương xứ sở của mình xét như một dân tộc. Trên hết, nơi hình ảnh tượng trưng về sự phong phú ấy, không có chỗ cho sự cục bộ hay chủ nghĩa phổ quát, không có thái độ cực đoan của chủ nghĩa dân túy hay thái độ đánh đồng của chủ nghĩa toàn cầu hoá. Nơi thành phố huynh đệ ấy, dù tràn ngập sự khác biệt, họ vẫn tăng trưởng và xây dựng đời sống mới. ĐTC Phanxicô từng xác tín rằng: “Sự pha trộn làm chúng ta thăng tiến, cho chúng ta sự sống mới. Điều này thúc đẩy giao lưu và làm thay đổi những gì đã cũ. […] Xây dựng những bức tường đồng nghĩa với việc lên án tử. Chúng ta không thể sống khép kín kiểu như trong phòng vô trùng.”

    Thành phố huynh đệ cũng là giấc mơ của ĐTC Phanxicô về môi trường sống với nhiều sắc dân pha trộn ở những trung tâm lớn của thế giới hiện tại. Thay vì dựng lên những bức tường ngăn cách, phân biệt nhóm và lợi ích nhóm, thành phố huynh đệ mở ra viễn tượng về môi trường sống nơi đó mọi người được đón nhận và thăng tiến bản thân. Sự khác biệt tạo nên sự phong phú và bổ túc cho nhau. Sống cùng nhau trong sự khác biệt và giao thoa là nền tảng để ĐTC Phanxicô viết ra thông điệp Hỡi tất cả anh em (Fratelli tutti).

    Người mục tử

    Là giám mục giáo phận Roma, ĐTC Phanxicô ắt hẳn ý thức về hình ảnh và căn tính của người mục tử. Cả ở khía cạnh này, ĐTC Phanxicô cũng được đánh động từ thói quen thưởng thức các tác phẩm văn học. Những người đính hôn (I Promessi Sposi), tác phẩm của nhà văn người Ý Alessandro Manzoni, là ví dụ điển hình. Tác phẩm đặt bối cảnh bắc Ý vào thế kỷ XVII trong thời kỳ bệnh dịch hạch tung hoành, nơi con người hứng chịu nhiều bất ổn, lo sợ, đan xen với đó là can thiệp từ phía Giáo Hội, hoặc từ những nhân vật có quyền lực. Tác phẩm là bức tranh tả thực về thân phận con người vật lộn với nghịch cảnh để sống sót, để sống đúng với nhân phẩm của mình.

    Khi được hỏi về phản ứng của Giáo Hội trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, dưới ánh sáng của tiểu thuyết nói trên, ĐTC Phanxicô nhận xét:

    Hồng Y Federigo là vị anh hùng của thành Milan trong thời gian dịch bệnh. Tuy vậy, có thời điểm vị Hồng Y này đi ra thăm hỏi dân chúng, nhưng lại ngồi trong kiệu, đằng sau khung cửa sổ khép kín, có lẽ để bảo vệ mình khỏi bị lây bệnh. [Do vậy,] dân chúng không cảm thấy được an ủi nâng đỡ. Dân Chúa cần vị mục tử ở gần họ, không phải là chỉ lo bảo vệ bản thân. Ngày nay, dân Chúa cần người mục tử hiện diện bên cạnh họ […].

    Ở gần đàn chiên chính là cách mà ĐTC Phanxicô chọn khi thi hành sứ mạng mục tử. Chưa biết người mục tử có thể làm gì cho đàn chiên, trước tiên vị mục tử phải ở giữa dân Chúa, để có cùng cảm thức với họ, ở gần để hiểu những gì họ đang trải qua, hầu mới nhận định xem phải làm gì để giúp đỡ họ. Trực giác về vị mục tử trên đây đã hiện hữu từ những ngày đầu ĐTC Phanxicô thi hành sứ mạng của mình. Trong bài giảng lễ Truyền dầu đầu tiên trong sứ vụ giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đã ngỏ lời với các linh mục điều mà sau đã trở thành slogan khi nói về người mục tử: bốc mùi chiên. Chỉ có mục tử nào ở giữa đàn chiên mới bị mùi chiên ám vào mình. Chỉ có mục tử nào hết mình với đàn chiên, dám vác chiên lên vai và chăm sóc chiên bị tổn thương, mới có thể bốc mùi chiên.

    Trực giác ấy tuy chân thực nhưng lại lột tả ý nghĩa sâu xa của ý nghĩa thế nào là người mục tử và trở thành lối tiếp cận mục vụ của ĐTC Phanxicô, điều ngài muốn chia sẻ và khuyến khích các mục tử trong Giáo hội thực hành cách cụ thể trong sứ vụ chăm sóc đàn chiên Chúa. Bản thân ĐTC Phanxicô trong thực tế cũng nhiều lần phá cách để đến với dân chúng trong các cuộc tiếp kiến. Trong chuyến viếng thăm Rio de Janeiro, vì một lỗi an ninh, xe của ĐTC bị kẹt giữa đám đông không tiếp tục di chuyển được, đây là điều cấm kỵ đối với những người bảo đảm an ninh cho ĐTC. Tuy vậy, thay vì lo lắng hay sợ sệt, ĐTC Phanxicô hạ cửa kính xe xuống giơ tay ra ngoài để vẫy chào giáo dân. Có lẽ nhân viên an ninh cũng “than trời” trong tình huống này!

    Tạm kết

    Bài viết không có tham vọng, và cũng không thể, kể hết những gì ĐTC Phanxicô đã làm trong hơn mười năm qua trong cương vị người kế vị Tông đồ Phêrô dẫn dắt đàn chiên Chúa. Những nét chấm phá trên đây phần nào phác họa dung mạo của ĐTC Phanxicô, qua đó, thấy được chiều sâu nội tâm, sở thích cá nhân, và cả những gì ảnh hưởng lên suy nghĩ và hành động của ngài trong việc thi hành sứ mạng cao cả ấy. Cho dù ở khía cạnh nào đi nữa, một điều dễ nhận thấy nơi ĐTC Phanxicô là tấm lòng mục tử được trải rộng ra đến tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, xu hướng chính trị, giới tính,… Tất cả đều cảm nhận nơi ĐTC Phanxicô sự gần gũi, ân cần và chu đáo, khởi đi từ đức ái mục tử sâu xa. Lối hành xử ấy ắt hẳn xuất phát từ việc ngài cảm nghiệm sâu xa tình yêu thương tha thứ của Chúa, và ngài thấm nhuần lời mời gọi của Chúa là “hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).

     Khởi đi từ kinh nghiệm này, ĐTC Phanxicô công bố Năm thánh lòng thương xót, là năm thánh ngoại thường, như một sáng kiến và nỗ lực để các tín hữu trở về với Chúa ngang qua việc cảm nhận được ơn tha thứ và đến lượt họ, cũng thực hành sự tha thứ đối với tha nhân. Gần đây, trong bài diễn văn cho các Linh mục, tu sĩ họp mặt ở Verona, khi nói về lòng thương xót Chúa, ĐTC Phanxicô ngỏ lời với các Linh mục, là những thừa tác viên của Bí tích hoà giải, rằng:

    Anh em linh mục thân mến, tôi muốn dừng lại ở điểm này, ở lòng thương xót Chúa. Vậy anh em hãy tha thứ tất cả, tha thứ hết. Khi dân chúng đến xưng tội, anh em đừng cố hỏi tại sao, thế nào…Anh em đừng hỏi gì hết. Nếu khi đó anh em không hiểu, Chúa hiểu. Xin anh em đừng “tra tấn” hối nhân. […] Bí tích hoà giải không phải là nơi tra tấn. Vậy tôi xin anh em hãy tha thứ tất cả. Tha hết.

    Điều ĐTC Phanxicô nhấn mạnh khi ngỏ lời với các linh mục khi thi hành tác vụ hoà giải có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, đặc biệt đối với những ai chú trọng nguyên tắc và mưu cầu sự minh bạch trong toà giải tội. Tuy nhiên, ở tận sâu thẳm trong tâm khảm con người, khi đến với Bí tích hoà giải, là khao khát ơn tha thứ, bình an và hoà giải. Những thứ khác là dấu chỉ bên ngoài của món quà tình yêu Thiên Chúa ban tặng. Hiểu rõ điều này, có lẽ xuyên suốt thời gian làm giáo hoàng, ĐTC Phanxicô không ngừng gợi nhớ và bày tỏ quan điểm của mình về lòng thương xót Chúa. Trên huy hiệu giáo hoàng, ĐTC Phanxicô chọn khẩu hiệu Miserando atque Eligendo – được thương xót và được chọn. Điều này ắt hẳn khởi đi từ kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân. Từ việc cảm nhận sâu xa rằng Giêsu hữu là tội nhân được Chúa mời gọi lao tác trong vườn nho của Chúa. Ngạc nhiên, ngỡ ngàng và cảm kích trước tình yêu bao la ấy, ĐTC Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, đã luôn làm tất cả những gì có thể để Cho Vinh Danh Chúa hơn.

    Nguồn: dongten.net/

    [1] – ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Paolo Rodari của Đài truyền hình Thuỵ Sĩ (RSI). X. Paolo Rodari, “Dieci anni di pontificato: intervista a Papa Francesco,” Radiotelevisione Svizzera. Truy cập 19.2.2025. https://www.rsi.ch/info/mondo/Dieci-anni-di-pontificato-intervista-a-Papa-Francesco–1812513.html

    [2] – Cláudio Hummes (1934-2022), Tổng Giám Mục giáo phận São Paulo, Braxin.

    [3] – Antonio Bonanata, “I dieci anni del pontificato di Francesco, il primo Papa gesuita che ha cambiato la Chiesa,” Radiotelevisione Italiana. Truy cập 19.2.2025. https://www.rainews.it/articoli/2023/03/papa-francesco-dieci-anni-papato-cambiato-storia-87947cfc-29ba-472a-9bde-7b2bfd4ffe00.html

    [4] – Greta Tintin Eleonora Ernman Thunberg, nhà hoạt động người Thuỵ Điển về chống biến đổi khí hậu.

    [5] – Paul David Hewson, nghệ danh “Bono Vox”, ca sĩ nhạc pop rock người Ai-Len.

    [6] – Roberto Remigio Benigni, nghệ sĩ, nhà làm phim người Ý.

    [7] – Danh thủ bóng đá người Argentina.

    [8] – Cho đến hết năm 2024, ĐTC Phanxicô đã ban hành: 2 Tông sắc, 4 Thông điệp, 7 Tông huấn, 8 Tông thư, 56 Tông thư dưới dạng Tự sắc, 20 Tông hiến.

    [9] – X. ĐTC Phanxicô, Migranti e rifugiati: uomini e donne in cerca di pace. 1.1.2018.

    [10] – X. Michael Schopf, “Papa Francesco, dieci anni di viaggio con migranti e rifugiati”, La Civiltà Cattolica 2023, 471.

    [11] – Michael Schopf, “Papa Francesco”, 471.

    [12] – X. Michael Schopf, “Papa Francesco”, 472.

    [13] – ĐTC Phanxicô, Bài giảng tại Lampedusa, 8.7.2013.

    [14] – X. Michael Schopf, “Papa Francesco”, 473.

    [15] – ĐTC Phanxicô, Bài giảng tại Lampedusa, 8.7.2013.

    [16] – X. Michael Schopf, “Papa Francesco”, 474.

    [17] – ĐTC Phanxicô, Evangelii Gaudium, s. 210. Bản dịch của Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên đăng trên website của HĐGMVN. Truy cập 3.1.2025. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

    [18] – ĐTC Phanxicô, Evangelii Gaudium, s. 233.

    [19] –  Với thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình cho thế giới).

    [20] – Với thông điệp Redemptor Hominis (Đấng cứu độ nhân loại).

    [21] – ĐTC Biển Đức XVI, Diễn văn dành cho các đoàn ngoại giao thăm Tòa Thánh, 8.1.2007.

    [22] – ĐTC Phanxicô, Laudato Sì, s. 4-6.

    [23] – ĐTC Phanxicô, Laudato Sì, s. 139.

    [24] – ĐTC Phanxicô, Laudato Sì, s. 205.

    [25] – Antonio Spadaro, “Fratelli tutti. Una guida alla lettura”, La Civiltà Cattolica 2020, 105.

    [26] – “Thông Điệp Fratelli Tutti Về Tình Huynh Đệ Và Tình Bằng Hữu Xã Hội”, bản dịch của Nhóm dịch thuật HĐGMVN. Truy cập 7.3.2025. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-fratelli-tutti-ve-tinh-huynh-de-va-tinh-bang-huu-xa-hoi-41849

    [27] – Antonio Spadaro, “Fratelli tutti. Una guida alla lettura”, 105.

    [28] – ĐTC Phanxicô, Messaggio del Santo Padre Francesco alla Prof. ssa Margaret Archer, Presidente della Pontificia Accademia delle Scienze Sociali, in occasione della sessione plenaria, 24.4.2017.

    [29] – X. Antonio Spadaro, “Fratelli tutti. Una guida alla lettura”, 107.

    [30] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 3. Câu chuyện của thánh Phanxicô Assisi nhắc nhớ biến cố ĐTC Phanxicô gặp gỡ vị giáo chủ tối cao Hồi giáo Ahmad al-Tayyeb ở Abu Dhabi vào ngày 4.2.2019, và đã ký kết với nhau một tài liệu về tình huynh đệ có tựa đề Documento sulla fratellanza umana per la pace mondiale e la convivenza comune. (Tài liệu về tình huynh đệ con người vì nền hòa bình thế giới và việc sống chung).

    [31] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 2.

    [32] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 35.

    [33] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 95.

    [34] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 129.

    [35] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 159.

    [36] – ĐTC Phanxicô, Fratelli Tutti, s. 159.

    [37] – Fyodor Pavlovich có ba người con hợp pháp và một người con rơi. Các mối quan hệ trong gia đình Karamazov bị chi phối bởi lòng thù hận, dục vọng và những vấn đề đạo đức sâu xa. Dmitri và Fyodor tranh giành tình nhân tên Grushenka, dẫn đến những cuộc cãi vã dữ dội. Dmitri bị nghi ngờ là người sát hại cha mình. Ivan, với tư duy triết học sâu sắc, ngày càng bị dằn vặt bởi câu hỏi về sự tồn tại của Thiên Chúa và cái ác trong thế giới. Alyosha là người duy nhất trong số họ sống theo lý tưởng Kitô giáo, đóng vai trò như một nhân vật cứu rỗi, kết nối hy vọng và đức tin. Smerdyakov mới là người thật sự giết Fyodor, nhưng do ảnh hưởng từ những lập luận vô thần của Ivan và sự buông xuôi đạo đức, hắn đã thực hiện hành động này và tự tử sau đó.

    [38] – Arturo Sosa, Được sai đi để cộng tác vào sứ vụ hoà giải mọi sự trong Đức Kitô, 2023, 69-85.

    [39] – X. Antonio Spadaro, “La mappa di Bergoglio. La letteratura nella formazione di papa Francesco”, La Civiltà Cattolica 2023, 421.

    [40] – X. Antonio Spadaro, “La mappa di Bergoglio”, 423.

    [41] – Antonio Spadaro, “La mappa di Bergoglio”, 423.

    [42] – Adán Buenos Ayres kể lại trong bảy phần cuộc hành trình trí tuệ, tâm linh và hiện sinh của nhân vật chính – Adán, một nhà thơ sống ở Buenos Aires – trong bảy ngày, tương ứng phần nào với bảy tầng của một cuộc “hành hương tinh thần”. Tác phẩm được kể lại bởi một “người bạn” phát hiện ra cuốn nhật ký bí mật của Adán sau khi ông qua đời. Từ đó, câu chuyện được dẫn dắt theo cả lối kể thứ nhất và thứ ba, đan xen giữa hiện thực và huyền thoại.

    [42] – Antonio Spadaro, “La sovranità del popolo di Dio”. I dialoghi di papa Francesco con gesuiti di Mozambico e Madagascar”, La Civiltà Cattolica 2019, 3-15.

    [43] – Antonio Spadaro, “La sovranità del popolo di Dio”. I dialoghi di papa Francesco con gesuiti di Mozambico e Madagascar”, La Civiltà Cattolica 2019, 3-15.

    [44] – Renzo và Lucia chuẩn bị làm đám cưới, nhưng Don Rodrigo, say mê Lucia, đe dọa linh mục Don Abbondio để ngăn đám cưới. Đôi trẻ buộc phải chia tay và trốn chạy: Lucia vào tu viện; Renzo bị truy nã và phải chạy sang Milan. Trên hành trình, họ gặp nhiều khó khăn: nạn đói, loạn lạc và dịch hạch hoành hành ở Lombardy. Lucia bị bắt cóc bởi một tên cướp quyền thế được gọi là Người vô danh, nhưng được Fra Cristoforo và Đức Hồng y Borromeo cảm hóa. Renzo thì bị cuốn vào bạo loạn ở Milan. Cuối cùng, sau nhiều thử thách, Don Rodrigo chết vì dịch, Người vô danh cải tà quy chính, và Renzo – Lucia được đoàn tụ, kết hôn và xây dựng cuộc sống mới tại vùng Bergamo.

    [45] – Austen Ivereigh, “Il Papa confinato. Intervista a papa Francesco”, La Civiltà Cattolica 2020. Cũng xem Antonio Spadaro, “La mappa di Bergoglio”, La Civiltà Cattolica 2023, 428.

    [46] – ĐTC Phanxicô, Bài giảng lễ Truyền Dầu, Roma 2013. Truy cập 2.4.2025 https://www.vatican.va/content/francesco/it/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130328_messa-crismale.html

    [47] – Gerson Camarotti, “Per una Chiesa vicina. Intervista di Papa Francesco all’emittente televisiva Rede Globo”, L’Osservatore Romano, 1 agosto 2013. Ít lâu sau khi được bầu làm Giáo hoàng, ĐTC Phanxicô ngỏ ý muốn được đi tản bộ vào buổi chiều muộn ở quảng trường thánh Phêrô, vừa là để thư giãn sau ngày làm việc, vừa là để gặp gỡ giáo dân. Tuy nhiên, ước mong ấy của ĐTC Phanxicô lại là thách thức quá lớn với nhân viên an ninh. Do vậy, mong ước ấy đã không thể trở thành hiện thực.

    [48] – ĐTC Phanxicô, Diễn văn cho các Linh mục và Tu sĩ, Verona 2024. Truy cập 4.4.2025 https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2024/may/documents/20240518-verona-consacrati.html

    ————————————-

    THƯ MỤC THAM KHẢO

    Bài báo 

    Antonio Spadaro, “La sovranità del popolo di Dio. I dialoghi di papa Francesco con gesuiti di Mozambico e Madagascar”, La Civiltà Cattolica 2019.

    Antonio Spadaro, “Fratelli tutti. Una guida alla lettura”, La Civiltà Cattolica 2020.

    Antonio Spadaro, “La mappa di Bergoglio. La letteratura nella formazione di papa Francesco”, La Civiltà Cattolica 2023.

    Austen Ivereigh, “Il Papa confinato. Intervista a papa Francesco”, La Civiltà Cattolica 2020.

    Gerson Camarotti, “Per una Chiesa vicina. Intervista di Papa Francesco all’emittente televisiva Rede Globo”, L’Osservatore Romano, 1 agosto 2013.

    Michael Schopf, “Papa Francesco, dieci anni di viaggio con migranti e rifugiati”, La Civiltà Cattolica 2023.

    ĐTC Phanxicô, Bài giảng lễ Truyền Dầu, Roma 2013.

    ĐTC Phanxicô, Messaggio del Santo Padre Francesco alla Prof. ssa Margaret Archer, Presidente della Pontificia Accademia delle Scienze Sociali, in occasione della sessione plenaria, 24.4.2017.

    ĐTC Phanxicô, Migranti e rifugiati: uomini e donne in cerca di pace. 1.1.2018.

    ĐTC Phanxicô, Diễn văn cho các Linh mục và Tu sĩ, Verona 2024.

    Website

    https://www.rsi.ch/info/mondo/Dieci-anni-di-pontificato-intervista-a-Papa-Francesco–1812513.html

    https://www.rainews.it/articoli/2023/03/papa-francesco-dieci-anni-papato-cambiato-storia-87947cfc-29ba-472a-9bde-7b2bfd4ffe00.html

    https://www.vatican.va/content/francesco/it/homilies/2013/documents/papa-francesco_20130328_messa-crismale.html

    https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2024/may/documents/20240518-verona-consacrati.html

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com