Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
spot_img
Thêm

    10/01, Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh

    BÀI ÐỌC I: 1 Ga 5, 5-13

    Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình. Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời.

    PHÚC ÂM: Lc 5, 12-16

    Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

    Suy Niệm 1: HÃY CHO PHÉP CHÚA GIÊSU CHẠM ĐẾN TA!

    Sắp đến lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, đoạn Thư 1 Gioan nhắc đi nhắc lại rằng Chúa Giêsu đến trong Thánh Thần, nước, và máu. Và chính Thánh Thần, nước, và máu làm chứng về Chúa Giêsu. Ba yếu tố này gợi cho ta nghĩ đến Phép Rửa của mình trong Chúa Giêsu Kitô, là cánh cửa mà ta đã bước qua để trở thành Kitô hữu.

    Trước hết, Chúa Giêsu xuống sông Giođan để được Gioan Tẩy giả rửa bằng NƯỚC – một hình ảnh Người tự đồng hoá với tội nhân. Sự kiện được Gioan Tẩy giả thấy ở đây là: THÁNH THẦN trong hình ảnh chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu, cùng với tiếng Chúa Cha xác nhận rất hài lòng về Con Yêu Dấu. Sự ‘hài lòng về Con Yêu Dấu’ này vang âm lại điều sách thánh (Isaia) nói về người Tôi Tớ đau khổ, nghĩa là gợi cho ta chân trời Thập giá Canvê của Chúa Giêsu. Ta ghi nhận, trong biến cố Hiển Dung chuẩn bị cho việc đi vào cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu cũng được Chúa Cha tuyên bố ‘rất hài lòng’. Thế mà cuộc Khổ Nạn và Thập giá ấy chính là ‘Phép Rửa’ bằng MÁU mà Chúa Giêsu ý thức mình phải chịu, bởi Người đồng hoá mình với tội nhân! Cần nói thêm, thánh sử Gioan tường thuật cái chết của Chúa Giêsu không chỉ có yếu tố MÁU, mà cả NƯỚC nữa.

    Thánh Thần, máu, nước là 3 ‘yếu tố’ mà Thư 1 Gioan nhận diện rằng “cả ba chỉ là một”. Cả ba đều là năng lực ‘thanh tẩy’, và ‘Thanh Tẩy’ là tên gọi khác cho Phép Rửa của chúng ta. Sự kiện Chúa Giêsu chữa lành người phong hủi là minh hoạ sắc bén cho ý nghĩa thanh tẩy này. Chúa Giêsu đã làm gì? Người giơ tay chạm đến người ấy. Chúng ta biết, phong hủi là ô uế đối với tâm thức Do thái, và ai chạm đến người phong hủi sẽ tự động nhiễm ô uế – vì thế kẻ phong hủi phải tránh xa người khác, và phải la lớn để nhắc người ta đừng tới gần mình… Thế nhưng, Chúa Giêsu sờ chạm bệnh nhân phong hủi thì Người không nhiễm uế, mà ngược lại, Người ‘truyền nhiễm’ sự tinh sạch của Người để thanh tẩy tình trạng ô uế kia! Người lật ngược cục diện… sự thiện và sự sống khải thắng trên sự dữ và sự chết! Chạm đến để để đồng hoá mình với tội nhân, hoá ra Chúa Giêsu cho phép tội nhân ‘đồng hoá’ với chính Người!

    Đó là điều chúng ta nhận được từ Phép Rửa của mình, trong Chúa Giêsu Kitô. Cũng vậy, bất cứ khi nào ta thấy mình bị ‘nhiễm bẩn’ do tách rời khỏi Chúa Giêsu, tất cả những gì ta cần làm là cho phép Người chạm đến mình, chúng ta sẽ được thanh tẩy và được SỐNG!

    Lm. Giuse lê Công Đức, PSS.

    ………………………………..

    Suy Niệm 2: HÃY XIN ĐIỀU CHÚA MUỐN

    Bài đọc 1 hôm nay là phần cuối thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Chúng ta có thể nói rằng: đây là kết luận của tất cả những luận chứng mà Thánh Gioan đã trình bày để làm chứng cho mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu: qua việc “mặc lấy xác phàm,” Chúa Giêsu là chứng từ hữu hình và sống động của tình yêu của Chúa Cha dành cho con người, và cũng là Đấng kêu gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Thánh Gioan muốn nói rõ cho chúng ta những lời chứng về Đức Kitô mà Ngài đề cập trong thư của ngài không phải là lời chứng của người phàm, nhưng là của Thần khí: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật” (1Ga 5:6). Theo Thánh Gioan, không chỉ có Thần Khí là chứng nhân duy nhất, nhưng còn nước và máu: “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước, và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều” (1Ga 5:7-8). Khi nói đến Thần Khí, nước và máu, Thánh Gioan muốn đưa chúng ta về với mầu nhiệm Thập Giá, là đỉnh cao của tình yêu của Thiên Chúa, nơi con tim của Chúa Giêsu bị đâm thâu để nước và máu chảy ra trở nên nguồn suối ân sủng cho con người (Ga 19:34). Thập giá chính là lới chứng hùng hồn và chân thật nhất của Chúa Cha về việc “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình” (Ga 13:1). Đây là điều Thánh Gioan khẳng định trong câu: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người” (1Ga 5:11).

    Tuy nhiên, Thánh Gioan cũng khuyến cáo chúng ta về việc chậm tin của chúng ta vào lời chứng của Chúa Cha, lời chứng của tình yêu thập giá. “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người (1Ga 5:9). Chúng ta thường nhận lời chứng của người phàm, còn lời chứng tình yêu cao trọng của thập giá thì đôi khi chúng ta không đón nhận vì có sự “rợp bóng” của đau khổ. Mấy ai trong chúng ta chấp nhận rằng: Đau khổ là dấu chứng hùng hồn nhất của một tình yêu chung thuỷ. Nhưng quả vậy, một tình yêu chân thật và trung thành với bản chất của mình [yêu cho đến cùng] chỉ được chứng thực khi đối diện với đau khổ và sự chết mà vẫn trung thành với chính mình. Còn một tình yêu bỏ cuộc khi đối diện với đau khổ là tình yêu nửa vời.

    Để hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần phải đặt nó vào trong bối cảnh lớn hơn. Bài Tin mừng này thuật lại một trong hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu thực hiện lại trong chương 5: Chữa lành người phong cùi (5:12-16) và chữa lành người bị bại liệt (5:17-26). Điều làm chúng ta quan tâm ở đây đó là hai phép lạ chữa lành này được đặt giữa hai lần Chúa Giêsu gọi các môn đệ: Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên (5:1-11) và gọi Lêvi (5:27-28). Điều này có ý nghĩa gì? Như chúng ta đã trình bày trong bài chia sẻ hôm qua, đây là lối viết theo kiểu “bánh mì kẹp,” qua đó Thánh Luca muốn nói rằng: Khi được Chúa Giêsu gọi, chúng ta sẽ được chữa lành để có thể đứng lên đi theo Ngài (chữa lành khỏi bại liệt) và hội nhập với cộng đoàn, không còn phải sống ngoài trại, chia cắt với người thân, với cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa (chữa lành khỏi bệnh phong cùi). Thật vậy, đây là một kỹ thuật Thánh Luca sử dụng để chuyển tải điều ngài muốn nói với người nghe: Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn mang lại sự chữa lành, hay nói một cách tích cực hơn, khi chúng ta đáp lại tiếng Chúa gọi, chúng ta sẽ tìm được Ngài chữa lành. Nếu chúng ta chưa được chữa lành khỏi mọi chứng bệnh ngăn cản chúng ta đến với Chúa và người khác cách tự do, đó là vì chúng ta chưa đáp lại tiếng Chúa Giêsu và theo Ngài cách triệt để.

    Chúng ta đi vào chi tiết của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra thêm một vài điểm để suy gẫm: (1) Sự khiêm nhường của người phong cùi khi cầu xin Chúa Giêsu: Chúng ta để ý cử chỉ và lời xin của anh ta thật khiêm tốn: “vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5:12). Trong câu này, “nếu Ngài muốn,” chúng ta thấy người phong cùi xin điều anh ta thật sự cần, nhưng anh vẫn để quyền tự do quyết định cho Chúa Giêsu. Thái độ khiêm nhường của người phong cùi làm chúng ta xét lại thái độ của chúng ta khi đến với Chúa, nhất là khi đến để xin Ngài một điều gì mà chúng ta thật sự cần. Hãy để Chúa làm những gì Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta. Đừng nài ép Ngài thực hiện những gì chúng ta muốn cho cuộc đời của mình. Trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa cũng cao hơn của chúng ta như thế: Điều Ngài muốn cho cuộc đời của chúng ta là vĩnh cửu, còn điều chúng ta thường muốn cho cuộc đời của mình là chóng qua và mau tàn.

    (2) Căn bệnh phong cùi: Trong xã hội chúng ta ngày hôm nay, nhiều nước tuyên bố đã xoá sạch căn bệnh này. Ngay cả ở Việt Nam cũng thế, căn bệnh phong cùi không còn là một căn bệnh nguy hiểm như những thập niên hoặc thế kỷ trước. Tuy nhiên, điều chúng ta đang nói đến là bệnh phong cùi thể lý. Tin Mừng không chỉ nói đến bệnh phong cùi thể lý, mà còn nói đến bệnh phong cùi luân lý và thiêng liêng. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi không chỉ nói đến căn bệnh gây ra bởi virút Hansen, nhưng là tất cả những chứng bệnh về da. Điều làm cho một người mắc bệnh này đau khổ nhất không phải là cái đau của thể xác, nhưng là cái đau của tâm hồn vì bị chia cắt khỏi gia đình, người thân. Họ phải sống ngoài lều trại, không được tham dự vào đời sống cộng đoàn và việc phụng tự (x. Lv 13:46; Ds 5:2). Chứng bệnh phong cùi thiêng liêng và luân lý là chứng bệnh mà nhiều người chúng ta đang mắc phải. Chúng ta để cho nhiều thứ chia cắt chúng ta khỏi đời sống tương quan với người khác và với Chúa. Hãy xin Chúa chữa lành chúng ta để chúng ta có thể được sạch để tôn vinh Chúa qua đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta.

    (3) Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu khi tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng: Thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc “yêu thinh lặng” trong đời sống cầu nguyện sau khi thực hiện nhiều công việc thành công. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng tìm kiếm vinh quang nơi con người, nhưng hãy tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa. Càng thành công trong công việc bao nhiêu, càng phải lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện bấy nhiêu, để chúng ta “không bị sa chước cám dỗ” đi tìm hư danh hơn là tìm vinh danh Thiên Chúa như lời Kinh Lạy Cha mà Ngài đã dạy chúng ta.

    Lm. Anthony, SDB.

    …………………………….

    Suy Niệm 3: Chúa chữa người phong cùi

    1.Chúa Giêsu đang ở trong thành thì có người phong cùi đến sấp mình van xin Người cứu chữa. Người liền giơ tay sờ anh ta, tức thì anh được lành sạch. Người dặn anh đừng cho ai biết, những hãy đi trình diện với tư tế để chứng minh anh đã khỏi bệnh. Nhưng đi tới đâu anh ta cũng thuật lại phép lạ Chúa đã làm cho anh, nên dân chúng khắp nơi kéo nhau theo nghe Chúa giảng và xin Người cứu chữa bệnh tật.

    1. Luật Do thái về bệnh phong cùi.

    Theo luật Do thái, những ai mắc bệnh cùi không được sống trà trộn  trong dân chúng vì bệnh này là bệnh nan y và hay lây. Vì vậy số phận của họ đã khổ vì bệnh hoạn lại còn khốn nạn hơn vì tình trạng cô đơn.

    Căn bệnh đáng sợ nhất đối với người Do thái là bệnh cùi. Nó như cơn đại dịch truyền nhiễm gieo rắc biết bao khiếp sợ cho những nạn nhân của nó vì hồi đó không có hy vọng cứu chữa, số phận của người bệnh cùi thực sự rất đáng thương. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh bị cách ly khỏi mọi đời sống xã hội và buộc phải trốn tránh xa xã hội.

    1. Đau đớn thể xác của người cùi.

    Có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này: nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè… Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.  Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân còn sống lâu năm nhưng ở trong tình trạng đau đớn và thất vọng.

    1. Đau khổ tinh thần của người cùi.

    Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau đớn về thể xác. Theo sách Lêvi, người phong cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Và sách còn cho biết thêm :”Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên :”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, ô uế : nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại. Ngoài ra người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và bị coi như Chúa phạt”. 

    1. Đức Giêsu đã chữa người phong cùi.

    Theo luật, không ai được phép chào hỏi một người phong cùi ở ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phung hủi đứng đầu gió thì người ở cuối gió phải cách xa 45 mét. Ngay cả một quả trứng, các rabbi Do thái cũng không ăn nếu bán ở đường phố có người phong cùi đi qua. Thế mà Chúa Giêsu bất chấp những cấm cách ấy, Ngài tỏ lòng thương xót bệnh nhân nên đã giơ tay ra sờ vào bệnh nhân và anh ta được khỏi. Đối với Chúa Giêsu, trong cuộc sống chỉ có một điều bó buộc duy nhất là luật yêu thương.

    1. 6. Bệnh phong cùi thiêng liêng.

    Ngoài bệnh cùi thể xác ra, còn một loại bệnh cùi thiêng liêng nữa. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hóa về thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng khiến người ta bị cô lập hóa về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác.

    1. Thái độ đối với người bệnh cùi.

    Đứng trước nạn nhân phong cùi đau khổ này, chúng ta phải có một quyết tâm không bao giờ tự làm cho mình thành người cùi và cũng đừng làm cho những người sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa là có những người cư xử như mình bị cùi, khi tự xây cho mình một pháo đài ích kỷ, lập dị… Có những người khác lại đối xử với anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ, phân biệt đối xử… chẳng hạn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu người Do thái xa lánh người phong cùi.

    1. Truyện : Léon Tolstoi và người hành khất.

    Một hôm Tolstoi, một đại văn hào người Nga, đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá trong một công viên gần nhà, thì bỗng có người đàn ông lớn tuổi, áo quần nhếch nhác, đến gần và giơ chiếc mũ cũ rách ra trước mặt nhà văn để xin giúp đỡ. Nhà văn liền thò tay vào túi áo định lấy tiền cho người ăn xin, nhưng tìm hết túi này sang túi khác mà không kiếm thấy đồng nào.

    Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói với sự hối tiếc như sau :

    – Này người anh em, xin thứ lỗi cho tôi. Vì hôm nay tồi rất tiếc đã để quên ví tiền ở nhà rồi.

    Bấy giờ, người ăn xin thay vì buồn giận, thì đã mỉm cười và nói :

    – Tôi thật không biết phải cám ơn ông thế nào cho xứng. Vì hôm nay ông đã cho tôi một món quà quí báu hơn tiền bạc. Đó là ông đã không những không khinh dể tôi, mà còn tôn trọng tôi khi gọi tôi là “Người anh em”.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt

                                                                                       

     

               

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com