BÀI ÐỌC I: 1 Ga 4, 7-10
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.
PHÚC ÂM: Mc 6, 34-44
Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.
Suy Niệm 1: AI KHÔNG YÊU THƯƠNG, NGƯỜI ẤY KHÔNG BIẾT THIÊN CHÚA
“Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đoạn Thư 1 Gioan hôm nay là một trong những bản văn quan trọng nhất của (trường phái) thánh Gioan, âm vọng lại lời tuyên bố mấu chốt của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để những ai tin vào Người Con đó thì được sống đời đời” (3,16).
Từ tiền đề nền tảng ấy, Thư 1 Gioan tiếp tục truy nguồn, theo luận lý nguyên nhân-hiệu quả: Nếu A, thì B; nếu ai sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa, thì người ấy sẽ (có khả năng) yêu thương! Và ngược lại: Nếu ai không yêu thương, thì người ấy (cho thấy rằng mình) không biết Thiên Chúa! Việc truy nguồn này nhằm chỉ ra rõ NGUỒN TÌNH YÊU nằm ở đâu: ở chính Thiên Chúa! Nghĩa là, Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và nhờ tình yêu đi bước trước ấy mà chúng ta có khả năng yêu Chúa và yêu người. Chúng ta thường hát “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời” – đó là muốn tuyên xưng rằng “Đâu có Đức Chúa Trời, ở đó có tình yêu”…
Tình yêu của Thiên Chúa đã nhập thể nơi Chúa Giêsu, Đấng là ‘khuôn mặt của tình yêu thương xót của Chúa Cha’ (misericordiae vultus). Chúng ta thấy các sách Phúc Âm thường xuyên kể những hành động của lòng thương xót nơi Chúa Giêsu: tất cả những gì Người nói hay làm đều bởi lòng thương xót. Đặc biệt, Phúc Âm thường trực tiếp mô tả Chúa Giêsu ‘chạnh lòng thương’ – như hôm nay thánh Mác-cô kể rằng “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều”. Chúa hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông ấy cũng vì thương họ. Không chỉ một mình Chúa chạnh lòng thương, mà Người muốn đưa cả các môn đệ vào trong quĩ đạo ‘chạnh lòng thương’ của Người, khi Người bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”…
Câu chuyện ở đây rất thú vị nếu ta đọc từ quan điểm ‘đức ái làm ra phép lạ’. Thật vậy, ta thường nghe nói ‘đức tin làm nên phép lạ’, nhưng cả đức ái cũng thế. Năm chiếc bánh và hai con cá được bẻ ra và chia cho đám đông – bẻ mãi và chia sẻ mãi mà vẫn không hết! Bẻ bánh và phân phát là hành động của đức ái. Mọi người đều ăn no mà vẫn còn dư một mớ bánh vụn! Bạn hãy lưu ý và chiêm nghiệm hình ảnh bẻ bánh và phân phát này: Chúa Giêsu không dùng một năng lực nào đó để hoá năm chiếc bánh thành một núi bánh, rồi các môn đệ xúc bánh đem đi phân phát. Mà Người chỉ bẻ bánh ra thôi! Đoạn phim quay được không có hình ảnh một đống bánh to đùng nào hết, chỉ có hành động bẻ bánh mà thôi – đó là hành động của tình yêu thương xót!
Con Thiên Chúa làm người để nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu”, một tình yêu thương xót. Người đưa chúng ta vào quĩ đạo thương xót của Người, và cho thấy rằng thương xót là bẻ bánh của mình ra mà phân phát. Bẻ bánh ra, móc túi ra, chia sẻ đi, nhường cơm sẻ áo đi, để chứng minh rằng ta có Chúa ở cùng (emmanuel), và chúng ta sẽ nhận thấy năng lực diệu kỳ của những hành động chia sẻ ấy!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………….
Suy Niệm 2: ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN!
Chúng ta có thể nói rằng: chúng ta sinh ra vì tình yêu, nên ơn gọi của chúng ta là “yêu.” Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Vì con người là một nhân vị, nên không có cách thức nào khác để đối xử với con người ngoài tình yêu.” Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta hiểu tình yêu với cái nhìn của tâm lý học: tình yêu là một cảm xúc. Cũng theo Thánh Gioan Phaolô II, “tình yêu không phải là một cảm xúc, nhưng là một quyết định của con tim được hướng dẫn bởi lý trí: Một quyết định yêu cho đến trọn đời. Chính vì vậy, khi yêu, những ai không quyết định yêu cho đến trọn đời sẽ cảm thấy rất khó để yêu dù chỉ một ngày.” Yêu cho đến cùng chỉ tìm thấy ở Đức Kitô: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13:1). Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu lời Chúa ngày hôm nay.
Trong bài đọc 1, Thánh Gioan trình bày ý nghĩa và những nét đặc trưng về một tình yêu chân thật, điều mà trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đi tìm. Như đã trình bày, tình yêu chận thật chỉ tìm thấy ở nơi Thiên Chúa và những ai sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Ngài, vì nguồn gốc của tình yêu luôn bắt đầu từ Thiên Chúa (x. 1Ga 4:7). Thật vậy, theo Thánh Gioan, tiêu chuẩn để biết một người được sinh ra và biết Thiên Chúa đó chính là đời sống yêu thương của họ: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:7-8). Trong hai câu này, Thánh Gioan cho chúng ta biết “bản tính” của Thiên Chúa là Tình yêu. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Thánh Gioan nói: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra.” Bởi vì, bản tính của Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được chia sẻ trong bản tính của Ngài, nên “bản tính” của chúng ta cũng là tình yêu. Giống như khi người con được sinh ra, thì người con được chia sẻ trong bản tính “là người” của người cha. Hơn nữa, Thánh Gioan thêm một tiêu chuẩn khác, đó là, “biết” Thiên Chúa để xem một người sống yêu thương hay không. Theo nghĩa Kinh Thánh, “biết” không phải chỉ là kết luận của một tiến trình lý trí, nhưng là hoa trái của kinh nghiệm, của gặp gỡ cá vị; khi đạt đến mức trưởng thành, “biết” trở thành “tình yêu.” Như vậy, khi chúng ta nói là mình “biết” Thiên Chúa “thật sự,” thì chúng ta khẳng định rằng mình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Tuy nhiên, tình yêu chân thật không phải là một cái gì trừu tượng. Tình yêu không phải là những học thuyết để học thuộc, nhưng là những “hành động cụ thể”: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4:9). Trong Tin Mừng và các thư của mình, Thánh Gioan luôn muốn khẳng định rằng: nơi Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể và hữu hình. Quả vậy, chúng ta có thể chạm đến Ngài, cảm nếm sự dịu ngọt của Ngài với cảm xúc thật con người khi đụng chạm đến Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta cảm nghiệm được “cái cụ thể” của tình yêu Chúa [nhất là trong Bí Thánh Thể], chúng ta sẽ khám phá ra rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1Ga 4:10).” Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu! Chúng ta chỉ là những người đáp trả. Những người không đáp trả là những người chưa cảm nghiệm được rằng: Thiên Chúa luôn yêu họ một cách tuyệt đối, dù tội “họ có đỏ như son, có đen như mực” (Is 1:18).
Ngày hôm qua chúng ta nghe từ Tin Mừng Thánh Mátthêu về khởi đầu sứ vụ tại Galilê của Chúa Giêsu. Ngài hoàn thành công việc rao giảng Nước Trời bằng lời nói và hành động. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực hiện điều này qua việc dạy dỗ đám đông và thực hiện một ‘hành động’ quan trọng để củng cố lời rao giảng của Ngài. Một cách cụ thể, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu. Những chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng này đáng để chúng ta suy gẫm là:
Thứ nhất, mọi sứ vụ [hành động tốt] bắt đầu từ tình yêu: “Khi ấy, Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34). Chính tình yêu dành cho đám đông không người chăm sóc, dạy dỗ đã ‘thúc đẩy’ Chúa Giêsu dạy dỗ và rồi sẽ làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi họ. Trong cuộc sống, chúng ta cũng làm nhiều điều, nhất là những công việc phục vụ. Nhưng nhiều lần, động lực thúc đẩy chúng ta phục vụ không phải là tình yêu, mà là sự ghen ghét, đố kỵ hoặc đi tìm vinh quang danh dự cho riêng mình: Một công việc thành công không lệ thuộc vào vinh quang danh dự cho riêng mình, nhưng lệ thuộc vào chiều sâu của tình yêu chúng ta đặt trong đó, để người khác có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và tôn vinh Ngài chứ không phải chúng ta.
Thứ hai, sự ‘đối nghịch’ trong cách giải quyết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúng ta viết lại đoạn hội thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ như sau:
Các môn đệ: “Nơi đây hoang vắng và giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6: 35:36).
Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37).
Các môn đệ: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?”
Chúa Giêsu: “Anh em có mấy cái bánh? Đi coi xem!”
Các môn đệ: “Có năm cái bánh và hai con cá.”
Đứng trước sự kiện đám đông dân chúng đã ở với Chúa Giêsu cho đến khi trời quá muộn và trong một nơi thanh vắng, ‘lòng tốt’ của các môn đệ được diễn ta qua việc đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ tự đi mua thức ăn cho mình. Đề nghị này ám chỉ việc các môn đệ không muốn nhúng tay vào việc kiếm thức ăn cho đám đông. Với đề nghị này, Chúa Giêsu đối diện với các môn đệ với đề nghị làm các ông kinh ngạc và phải tính toán: ‘Chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ Ngài muốn các môn đệ “nhúng tay vào việc tốt.” Nghe nói thế, các môn đệ liền nghĩ ngay đến việc phải bỏ tất những gì là của riêng mình ra để cho đám đông ăn. Họ không hiểu rằng Chúa Giêsu chỉ muốn họ đóng góp phần họ có theo khả năng của mình, phần còn lại, chính Ngài sẽ bù đắp và hoàn thiện. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta cũng sợ không dám nhúng tay vào việc tốt, chúng ta sợ phải mất đi một cái gì đó, hoặc tất cả những gì thuộc về mình. Nhiều khi chúng ta cũng sợ không dám đóng góp một phần nhỏ chúng ta có so với nhu cầu thật to lớn của anh chị em. Điều Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta là sẵn sàng trao vào tay Ngài “một chút” chúng ta có trong khả năng của mình. Liệu chúng ta có đủ quảng đại để làm điều đó không?
Thư ba, sứ vụ của các môn đệ là được chia sẻ với sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong những lời sau: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người” (Mc 6:41). Chúa Giêsu là người trao bánh và cá cho các môn đệ, để các ngài dọn ra cho dân chúng. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu chính là người cung cấp mọi sự cần thiết để nuôi dưỡng dân chúng. Vai trò của các môn đệ là ‘dọn ra’ hay đúng hơn là phân phát những gì Chúa Giêsu trao ban. Chúng ta cũng được mời gọi vào trong sứ vụ ‘phân phát’ những gì của Thiên Chúa cho anh chị em mình. Những gì chúng ta trao ban cho anh chị em không thuộc về chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Đừng trở nên những người ngăn cản ân sủng Thiên Chúa ban cho anh chị em mình. Chính khi các môn đệ ý thức được sứ vụ của mình là tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu thì mọi người mới được ăn no nê: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông” (Mc 6:42-43).
Lm. Anthony, SDB.
………………………………….
Suy Niệm 3: Phép lạ hóa bánh ra nhiều
- Thấy dân chúng kéo theo đông đảo, Chúa Giêsu rất cảm động. Người thương họ vì thấy không ai lo lắng dạy bảo họ.
Và mãi đến chiều tối mà họ vẫn ở lại nghe Chúa giảng dạy. Thấy vậy, các môn đệ xin Chúa cho họ đi mua thức ăn. Chúa bảo các ông lo cho họ ăn, nhưng các ông thưa không thể lo nổi vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Người bảo các ông cho họ ngồi từng nhóm rồi cầm lấy năm chiếc bánh với hai con cá ngước mắt lên cầu nguyện với Chúa Cha, rồi trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng ăn. Mọi người đều ăn no nê mà còn dư được mười hai thúng đầy.
- Chúa thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người.
Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dầy của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn ở trong nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Bằng ấy thực phẩm nhằm nhò gì với một biển người như vậy! Nhưng Chúa cứ bảo cho họ ngồi xuống thảm cỏ cho Người làm việc. Thánh Matthêu kể :”Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đề ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người thu lại được 12 giỏ đầy”.
- Chúa thỏa mãn nhu cầu tinh thần con người.
Lời giảng của Chúa đã làm cho dân chúng say mê. Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế, Chúa không quên thỏa mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên :”Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Ngài sẽ thêm cho”.
Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, quí trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiêp tục tuốn đến với Chúa mong Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của thánh Gioan, Người còn nói với họ :”Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể.
- Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người.
Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5 cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa với sự cộng tác nhỏ bé của con người.
Khi cộng tác với Chúa, Chúa không đòi hỏi chúng ta những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo chúng ta :”Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ sử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta”.
Thi sĩ Amado Nervo, một đại thi sĩ và cũng là một nhà huyền bí, người Mễ Tây Cơ tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài Tin Mừng hôm nay trong bài thơ :
Con chỉ là một tia lửa,
Xin biến con thành ngọn lửa.
Con chỉ là một sợi dây,
Xin biến con thành chiếc đàn.
Con chỉ là ngọn đồi cỏn con
Xin biến con thành ngọn núi.
Con chỉ là một giọt nước,
Xin biến con thành một dòng suối.
Con chỉ là một cọng lông,
Xin biến con thành chiếc cánh.
Con chỉ là gã ăn mày,
Xin biến con thành một ông vua.
- Truyện : Người chạnh lòng thương.
Mẹ Têrêsa Calcutta thuật lại một câu chuyện như sau : Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn cho những người nghèo.
Ở Calcutta mỗi ngày dòng nữ tu Bác ái Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9000 người. Bởi đó, không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.
Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi :
– Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế ?
Họ trả lời :
– Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con.Mẹ Têrêsa hỏi tiếp :
– Ở Ấn Độ, không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ và họ hàng ?
Họ thưa :
– Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh mà cả hai cùng đóng góp vào.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt