BÀI ÐỌC I: 1 Ga 3, 22 – 4, 6
Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta. Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi. Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Ðấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá.
PHÚC ÂM: Mt 4, 12-17. 23-25
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.
Suy Niệm 1: ÁNH SÁNG THẬT… VÀ NHỮNG ‘ÁNH SÁNG GIẢ’
Gioan Tẩy giả bị bắt. Chúa Giêsu cảm nhận sứ vụ của Người bắt đầu. Người lui về miền Galile dân ngoại, bên kia sông Giođan, gần ranh giới Nepthali và Giabulon. Điều này ứng nghiệm lời sách thánh trong đó nói về Người là ánh sáng huy hoàng chiếu soi dân ngồi trong tối tăm… Như vậy, chúng ta tiếp tục được mời gọi chiêm ngắm ‘Chúa Giêsu là Ánh sáng’, một chủ đề lớn của mầu nhiệm Giáng Sinh.
Ngày nay các loại đèn pha và đèn trang trí đủ màu thường xuyên được thấy hầu như mọi lúc mọi nơi, nên ánh sáng của các hang đá Giáng sinh, các cây thông và các ngôi sao lạ cũng bị cạnh tranh và bớt bắt mắt đi phần nào. Dù sao, chính ánh sáng làm cho các hang đá có hồn và thể hiện hết vẻ đẹp của nó. Ít ai ghi hình kỷ niệm với hang đá ngoài trời vào ban ngày khi ngắt điện, nhưng thường chọn buổi tối khi các thứ đèn được bật lên, lung linh nhấp nháy rộn ràng… Bởi lễ Giáng Sinh và mầu nhiệm Giáng Sinh là lễ và mầu nhiệm của Ánh Sáng!
Chúa Giêsu là Ánh Sáng, là “vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta”. Người là Ánh Sáng “xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết”, là Ánh Sáng thúc giục ta “hãy hối cải vì Triều đại Thiên Chúa đã gần đến”, và là Ánh Sáng “chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” cho ta.
Vì thế, việc nhận ra và đón nhận Người là điều vô cùng khẩn thiết. Bởi nếu không thì chúng ta vẫn còn ở trong “bóng tối sự chết”. Thánh Gioan Tông đồ cho biết rằng ai đón nhận Chúa Giêsu thì ở trong Thánh Thần của Người, không còn ở trong thần trí của thế gian nữa! Hồi đó, ngay trong thế kỷ thứ nhất, đã có những người rao giảng sai trái làm lung lạc mọi người, nên thánh Gioan lưu ý các tín hữu “chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian”…
Qua dòng lịch sử, cho tới ngày nay thế kỷ 21, vẫn luôn có những ‘ánh sáng giả’ mê hoặc người ta, và kéo người ta lạc xa khỏi Ánh Sáng thật là Chúa Giêsu. Ánh sáng giả là những triết thuyết, chủ nghĩa, ý thức hệ vô thần, duy vật, phi nhân, bác bỏ Thiên Chúa thật và Đấng Kitô của Ngài. Chúng có thể mang một số nét có vẻ hấp dẫn, thú vị – nhưng, như người ta nói, không phải cái gì lấp lánh cũng là kim cương, và một nửa sự thật không phải là sự thật. Lại cũng có những ánh sáng giả là các xu hướng (trend) thời thượng của đám đông, các tiện nghi vuốt ve bản năng hưởng thụ, các hào quang và các lời ngợi khen chúc tụng rẻ tiền của thế gian…
Chúng ta dễ choáng và dễ bị ‘ngu người’ trước vô vàn ánh sáng giả xung quanh mình và cả trong con người xác thịt của mình, vì thế thánh Gioan nhắc chúng ta: Chỉ Chúa Giêsu Kitô mới là Ánh Sáng thật; chỉ Thần Trí của Người mới là Thần Trí sự thật. Và chúng ta luôn cần phân định các loại thần trí!
Mùa Giáng Sinh vẫn còn đó. Vẫn còn kịp để đón Chúa Giêsu vào máng cỏ tâm hồn dẫu tồi tàn tối tăm của mình. Người sẽ khử mùi, sẽ soi sáng, sẽ tinh luyện chúng ta bằng Ánh Sáng thật của Người – và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta thành ‘ánh sáng của thế gian’ (lumen gentium)!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………………
Suy Niệm 2: HÃY SÁM HỐI
Có thật là tất cả những gì chúng ta xin đều được ban cho không? Chúa Giêsu cũng nói rằng: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7:7). Thánh Gioan cũng tuyên bố như thế trong bài đọc 1 hôm nay: “Anh em thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Thiên Chúa ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3:22). Nhưng trong thực tế thường ngày, chúng ta thấy điều này không có thật, vì bao nhiêu lần chúng ta xin nhưng chúng ta không nhận được. Nếu đọc kỹ lời của Thánh Gioan, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta xin, với điều kiện là chúng ta phải “tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý người.” Nói như thế, khi chúng ta xin mà chúng ta không nhận được, chúng ta phải xét lại: Chúng ta đã giữ giới răn [yêu thương] của Người và làm những gì đẹp ý Người chưa? Tức là, chúng ta phải “tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3:23).
Theo Thánh Gioan, người tuân giữ các điều răn và làm những điều đẹp ý Chúa là những người dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Trong bài đọc 1, ngài cũng nhắc nhở chúng ta không phải thần khí nào chúng ta cũng tin (x. 1Ga 4:1). Ngài đưa ra tiêu chuẩn để chúng ta phân biệt đâu là Thần Khí Thiên Chúa và đâu không phải là Thần Khí của Ngài: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên Phản Ki-tô” (1Ga 4:2-3). Điều này giúp chúng ta hiểu mục đích của Tin Mừng và những lá thư của Thánh Gioan, đó là, tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Đây là mầu nhiệm chúng ta mừng kính trong những ngày vừa qua. Câu tuyên xưng trên về tương quan giữa Thánh Thần và việc trở nên người phàm của Đức Giêsu Kitô của Thánh Gioan đưa chúng ta về với Tin Mừng của Thánh Luca: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
Điểm cuối cùng mà Thánh Gioan muốn nhắc nhở cộng đoàn của ngài và chúng ta là sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện. Họ là những người thuộc về thế gian và nhiều người đã nghe theo họ (x. 1Ga 4:5). Ngài khuyến cáo chúng ta đừng đi theo những ngôn sứ giả đó, đừng thuộc về thế gian, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Chúng ta cũng nên dừng lại ở điểm này để duyệt xét lại chính mình. Chúng ta đang thuộc về ai: Thiên Chúa hay thế gian. Nhiều lúc trong đời sống thường ngày, chúng ta đã để cho hào nhoáng của tiền tài và danh vọng kéo chúng ta đi theo chúng. Chúng ta để cho những lo lắng về của cải vật chất, những bận rộn và ồn ào của thế gian và công việc lấp đầy con tim của chúng ta đến nổi chúng ta không còn một chỗ, dù chỉ thật nhỏ trong ngày sống cho Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài. Khi đặt bài Tin Mừng hôm nay vào bối cảnh của nó, chúng ta khám phá ra rằng bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm tắt về bối cảnh, nội dung và thành quả của sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Tin Mừng của Luca trình bày bản tóm lược về sứ vụ của Chúa Giêsu xảy ra trong hội đường Caphácnaum. Điều này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Mátthêu hôm nay: “Khi ấy, Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4:13-16). Theo Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu là Môisen Mới, Ngài đến để hoàn thành tất cả những gì mà lề luật và ngôn sứ viết về Ngài. Ngài đến để mang lại ánh sáng cho dân đang “ngồi trong vùng bóng tối của tử thần” (Mt 4:16).
Một cách cụ thể, bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận ra những điểm sau: (1) Bối cảnh: “Sau khi Gioan đã bị nộp” (Mt 4:13). Điều này nói cho chúng ta biết rằng sứ vụ chuẩn bị và làm chứng của Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng; (2) căn tính của Chúa Giêsu: Là ánh sáng cho những ai ngồi trong vùng bóng tối tử thần (x. Mt 4:16); (3) nội dung của sứ vụ của Chúa Giêsu: Rao giảng sự sám hối và Nước Trời, chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 4: 17, 23); (4) thành quả: Danh tiếng Người đồn đi khắp xứ, dân chúng lũ lượt kéo đi theo Ngài (x. Mt 4:24-25). Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều cốt yếu chúng ta rút ra là: Cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu chỉ xoay quanh mầu nhiệm Nước Trời, nơi mà con người sẽ tìm được hạnh phúc đích thật. Vì tất cả những ai đón nhận Nước Trời sẽ được chữa lành “mọi bệnh hoạn tật nguyền.” Còn cuộc đời “sứ vụ” của mỗi người chúng ta xoay quanh cái gì? Những người đến với chúng ta có được chữa lành, có tìm thấy được niềm an ủi và niềm vui hay không? Để làm được điều này, chúng ta phải bước vào hành trình: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Đó là hành trình của Metanoia (“sám hối”). Metanoia không đơn giản mang nghĩa tiêu cực là sám hối tội lỗi. Nó mang một nghĩa thật tích cực, đó là, thay đổi lối suy nghĩ, lối nhìn, lối yêu thương, và lối sống để trở nên một con người mới, một con người sống trọn vẹn giới răn yêu Chúa và yêu người, một con người sẵn sàng cho Nước Trời.
Lm. Anthony, SDB.
…………………………..
Suy Niệm 3: Chúa Giêsu rao giảng ở Galilê
- Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu lánh về Galilê để tránh sự thù hằn của nhóm biệt phái và luật sĩ, đúng như lời tiên tri Isaia đã nói : dân ngồi trong bóng tối sự chết đã nhìn thấy ánh sáng của Chúa, Vì ở đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối và chữa lành các bệnh tật. Tiếng tăm người đồn ra khắp xứ Syria, nên dân chúng từ khắp nơi tuốn đến theo Người.
- Capharnaum, trung tâm truyền giáo.
Khi Gioan bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức Giêsu đã rời Nazareth đến Galilê và chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo. Vùng Galilê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư phức tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày.
Thế mà tại sao Đức Giêsu lại tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ ? Thưa Ngài chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo vì ba lý do :
– Thứ nhất để thực hiện lời tiên tri Isaia đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân ngoại.
– Thứ hai Capharnaum là quê hương của bốn môn đệ đầu tiên mà có lẽ nhà ông Phêrô là nơi thuận tiện cho việc truyền giáo.
– Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất : để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hoàng”.
- Nội dung việc rao giảng của Chúa Giêsu.
Có thể nói thánh Matthêu đã tóm gọn nội dung việc rao giảng của Chúa Giêsu trong một câu :”Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng dạy này đã được Gioan Tẩy Giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực hiện.
“Sám hối” là bước dứt khoát đầu tiên vào Nước Trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên mới. Nền tảng sự hối cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lỗi lầm và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Galilê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngoại cư ngụ, buôn bán ở Capharnaum.
Sám hối là nền tảng niềm tin của Kitô giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo là càng nhận ra sự nhỏ bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi Gioan Tẩy Giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại cho Ngài được lớn lên, chính lúc ý thức mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh Ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời.
- “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 4,17).
Lời đầu tiên Đức Giêsu dạy khi rao giảng Tin Mừng là “Hãy sám hối”. Theo nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia). Tại sao chúng ta phải quay trở lại ? Vì đã đi lạc đường. Đời sống con người là một hành trình đi về quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết thúc khi tới đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì càng xa đích đến. Thánh Augustinô khen họ là những người “bene currit, sed extra viam” : chạy nhanh đấy nhưng lạc hướng.
Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói :”Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiếng : “Anh hãy tự biết mình”.
- Truyện : Tướng cướp biết sám hối.
Trong một khu rừng già núi Hắc Sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm. Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau đó chúng mới bán lại cho người khác.
Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu giá là một cuốn Thánh Kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng này bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở đại một trang như kiểu bói toán. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên rồi thêm những lời trào phúng làm cho cả bọn cười ngặt nghẹo.
Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Ba mươi năm về trước, chính vào buổi sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh Kinh này trong giờ kinh sáng của gia đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng hắn lại nghe vang lên những lời ấy.
Tên cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo :”Này, sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế? Đàn anh muốn mua nó không? Đàn anh cần cuốn Thanh Kinh hơn đàn em đó, vì điển mặt anh hùng phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.
Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ chậm rải trả lời: “Mày nói đúng! Tao chính là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.
Bọn cướp chia tay để đem các món hàng đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh Kinh, đi tìm một chỗ vắng trong rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi ngày một tin vui).Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt