BÀI ĐỌC I: 1 Ga 3, 7-10
Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa gạt các con. Ai thi hành sự công chính là người công chính, cũng như chính Người là Đấng công chính. Ai phạm tội thì bởi qủy mà ra, vì qủy là kẻ phạm tội từ ban đầu. Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá hủy công việc của ma qủy. Bất cứ ai đã sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, vì mầm giống của Người ở trong kẻ ấy. Kẻ ấy không phạm tội được, vì đã bởi Thiên Chúa mà sinh ra. Do đó, mà nhận ra được con của Thiên Chúa và con cái ma quỷ. Bất cứ ai không phải là người công chính, và không thương yêu anh em mình, thì không bởi Thiên Chúa mà ra.
PHÚC ÂM: Ga 1,35-42
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
Suy Niệm 1: CHÚA GIÊSU ĐẾN, NGƯỜI MỞ RA SỨ MẠNG CHO CHÚNG TA
Thánh Gioan nêu ra và nhấn mạnh sự tương phản giữa tội lỗi và sự công chính – đồng thời truy nguồn cả hai. Ai phạm tội thì thuộc về ma quỉ. Ai thực hành sự công chính thì thuộc về Chúa Giêsu Kitô, và do đó thuộc về Thiên Chúa. Điểm đặc sắc đáng ghi nhận của Gioan, đó là nhận diện người công chính là người “yêu thương anh em mình”. Rất thực tiễn và rất ‘tổng hợp’!
Nhưng thuộc về Chúa Giêsu Kitô thì… như thế nào? Trình thuật Tin Mừng, cũng của thánh Gioan, cung ứng một số minh hoạ. Chúng ta thấy ‘thuộc về Chúa Giêsu’ thì như Gioan Tẩy giả, người đã hướng các môn đệ mình về Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” Và các môn đệ ấy đã rời Gioan Tẩy giả để đi theo Chúa – đúng như điều chính vị Tiền Hô mong muốn.
‘Thuộc về Chúa Giêsu’ thì như hai môn đệ ấy… Họ khao khát tìm Người, muốn biết Người ‘ở đâu’ – nghĩa là muốn biết Người là ai – và họ đã được mời đến, ở lại với Người và ‘kinh nghiệm’ về Người. Chúa Giêsu như thể một thỏi nam châm hút lấy họ vậy.
Một trong hai môn đệ ấy là Anrê đã cho thấy ‘thuộc về Chúa Giêsu’ không chỉ là gặp và ở lại với Chúa, mà còn là giới thiệu và thúc đẩy, đưa dẫn người khác (như Simon) cũng đến gặp Chúa nữa… Như một phản ứng dây chuyền! Thật vậy, trong cùng văn mạch này, ta còn thấy Philip – hầu chắc là người đã đi với Anrê – cũng đi tìm gặp Nathanael và giới thiệu Chúa Giêsu cho anh này.
Sứ mạng Kitô giáo diễn ra như thế. Nó là việc làm chứng về mối tương quan với Chúa Giêsu, và giúp chia sẻ để nhân lên những mối tương quan cá vị sống động với Chúa Giêsu nơi nhiều người khác nữa. Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nói rất hay về mối tương quan này, và được Đức Phanxicô trích dẫn lại: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 7).
Chân trời mới ấy và định hướng dứt khoát ấy là Triều đại Thiên Chúa, triều đại mà Chúa Giêsu đến để thiết lập và chính Người là hiện thân. Xét phương thức sứ mạng (làm chứng về mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu) và mục tiêu sứ mạng (xây dựng Triều đại Thiên Chúa) một cách căn bản như thế, có thể nhận ra cách nói ‘truyền giáo’ hay ‘truyền bá đức tin’ không phù hợp lắm để nói về sứ mạng Kitô giáo. Quả thật, Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức loại bỏ cách nói như vậy cách đây 58 năm rồi (1967)!
Trở lại với câu chuyện Phúc Âm, Gioan Tẩy giả đã làm gì cho hai môn đệ của mình? Anrê đã làm gì cho Simon? Và Philip đã làm gì cho Nathanael? Đó không chính xác là ‘truyền giáo’; đúng hơn, đó là làm chứng / loan báo Tin Mừng / giới thiệu Chúa Giêsu / thúc đẩy tương quan cá vị với Người / thi hành sứ mạng / xây dựng Triều đại Thiên Chúa, vân vân…
Tại sao chúng ta phải làm thế? Bởi vì Chúa Giêsu đã đến, và “mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” – mọi người đã “nhìn thấy”, nhưng không phải ai cũng nhận ra, ta chỉ còn phải giúp họ NHẬN RA nữa thôi!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………
Suy Niệm 2: CHÚNG TA ĐANG TÌM GÌ TRONG CUỘC SỐNG?
Như chúng ta đã biết, Thánh sử rất thích dùng hình ảnh tương phản trong Tin Mừng và các thư của mình. Và trong bài đọc 1 hôm nay, hình ảnh tương phản được sử dụng là: Phạm tội-không phạm tội, con cái Thiên Chúa-con cái ma quỷ. Thánh Gioan muốn nhắc nhở cho chúng ta về một thực tế luôn xảy ra trong cuộc đời chúng ta, đó là, chúng ta luôn đứng giữa sự giằng co của hai thế lực: Sự thiện và sự dữ. Sự giằng co này được Thánh Phao-lô diễn tả cách trung thực như sau: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. … Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7:15-20). Khi đứng về phía Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm điều thiện; còn khi để xác thịt chiến thắng, chúng ta sẽ phạm tội. Chúng ta rút ra được điều gì ở điểm này? Theo Thánh Gioan, nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa thì chúng ta không phạm tội. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc không phạm tội, chúng ta chỉ mới đạt đến mức “hoàn hảo tối thiểu.” Sự “hoàn hảo tối đa” là: “Hãy đi, bán hết những gì anh có, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Tôi” (Mc 10:21; Mt 19:21). Để hoàn toàn ở trong Thiên Chúa như Đức Ki-tô chúng ta phải “làm việc thiện” và trở nên giống Đức Ki-tô trong mọi sự.
Trong bài đọc 1, Thánh Gioan tiếp tục khai triển đề tài ‘công chính’ và ‘không phạm tội’ mà chúng ta đã nghe ngày hôm qua. Tuy nhiên, trong bài đọc hôm nay, Thánh Gioan liên kết tội với tư tưởng ‘đi lạc đường,’ tức là, đi theo ma quỷ (1 Ga 3:7-8). Tiếp đến, Ngài nối kết sự công chính với tình yêu. Sống công chính và yêu thương là hai tiêu chuẩn để biết một người thuộc về Thiên Chúa hay không. Như chúng ta đã biết, công chính hệ tại việc nghe và tin vào lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thấy có nhiều người tự hào về việc đi lễ mỗi ngày để nghe lời Chúa, và là người tin Chúa. Nhưng họ lại sống trong hận thù, ghen tỵ, không tha thứ và cảm thông. Khi Thánh Gioan liên kết tư tưởng công chính với tình yêu, hay đúng hơn, đồng hoá sự công chính với đời sống tình yêu, ngài cảnh báo chúng ta về tình trạng nghe lời Chúa, tin vào Chúa mà không sống yêu thương. Tiêu chuẩn để thẩm định một người có nghe lời Chúa hoặc tin Chúa hay không tuỳ thuộc vào lối sống của họ: yêu thương hoặc không yêu thương!
Bài Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta đối diện với thực tế của đời mình với câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1: 38). Trong ngày sống, chúng ta thường bận rộn với nhiều việc và chúng ta thường cho rằng mình đã làm quá nhiều việc và đôi khi cảm thấy thoả mãn và tự hào về những thành quả mà mình đạt được. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta tự hỏi: Tôi đang chạy theo cái gì? Khi đi vào sự thinh lặng của tâm hồn và đối diện với Thiên Chúa, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tự nhận rằng: Tôi đang chạy theo những gì không quan trọng và bỏ quên những gì quan trọng. Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: “Con đang tìm gì thế?” Các tông đồ đầu tiên không tìm gì khác ngoài “nơi ở” của Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1:38). Tại sao các tông đồ không tìm gì khác ngoài “chỗ ở” của Chúa Giêsu? Đây là điểm mấu chốt để biết được một trong những đề tài quan trọng của Tin Mừng Thánh Gioan, đó là, đề tài “ở lại.” Điều này chúng ta thấy ngay trong hành động của các tông đồ sau khi đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu “đến và xem” (Ga 1: 39): “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Trong câu này có một điểm cần chú ý nhất: Các môn đệ đầu tiên không ở lại với ai khác ngoài Chúa Giêsu. Như vậy, “ở lại với Chúa Giêsu” quyết định ơn gọi làm môn đệ của những ai muốn theo Chúa. Các môn đệ ‘tìm chổ ở’ của Chúa Giêsu, nhưng ‘không ở lại trong chỗ ở,’ mà ‘ở lại với Chúa Giêsu.’ Nói một cách cụ thể, ‘nơi ở’ không làm nên người môn đệ của Chúa Giêsu, vì “con chồn có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chổ gối đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58). Chỉ có ‘ở lại với Chúa Giêsu’ mới làm nên người môn đệ.
Điểm kế tiếp mà bài Tin Mừn gợi cho chúng ta là việc khẳng định rằng: Chỉ có người môn đệ ‘ở lại với Chúa Giêsu’ mới có khả năng giới thiệu Chúa cho người khác cách thuyết phục và đem họ đến với Chúa. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của ông An-rê. Sau khi ở với Chúa Giêsu, ông đến gặp em mình và nói cho em mình về Chúa Giêsu. Điều làm chúng ta ngạc nhiên ở đây là việc ông chỉ mới ở với Chúa Giêsu một ngày, thời gian rất ngắn, nhưng ông ta biết được căn tính của Chúa Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1:41). Danh hiệu này chính là danh hiệu mà sau này Phê-rô sẽ đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em gọi Thầy là ai?” (Mt 16:16; Mc 8:29). Điều này làm cho chúng ta ý thức rằng: Chỉ những ai ở lại với Chúa mới có thể biết Chúa Giêsu là ai để giới thiệu cho người khác. Chúng ta không thể nói cho người khác về Đấng chúng ta không biết và không yêu.
Điểm cuối cùng cho chúng ta suy gẫm hôm nay là mẫu gương của Thánh Gioan Tẩy Giả. Trong thực tế thường ngày, khi thấy một ai đó hơn mình chúng ta cũng có tí ghen tỵ và ‘ước muốn’ hơn họ. Nếu có một ai đó hơn mình, liệu chúng ta có can đảm để cho những người thuộc về chúng ta đi theo người đó không? Chúng ta luôn có khuynh hướng giữ lại cho mình những thứ và những người mà mình cảm thấy gần gũi hoặc mang lại cho mình sự an toàn và vui vẻ. Hơn nữa, chúng ta phải đồng ý rằng: Bỏ đi một thứ gì thì dễ hơn bỏ đi một người mà mình đã gắn bó. Chúng ta thấy ở Thánh Gioan Tẩy Giả một sự thanh thoát không chỉ trong tương quan với sự vật, mà còn cả trong tương quan với những người đã theo ngài. Ngài không giữ lại cho chính mình cái gì, dù là môn đệ của mình. Tất cả đều dành cho Chúa Giêsu. Như vậy, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy cho chúng ta rằng: Đừng để một tương quan với con người nào ngăn cản chúng ta đến với Chúa và trở thành môn đệ của Ngài. Những tương quan không giúp người khác đến với Chúa và gần Chúa là những tương quan mang tính con người!
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………………………
Suy Niệm 3: Giới thiệu Chúa cho người khác
- Qua lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ của ông đã đi theo Đức Giêsu. Anrê, một trong hai vị tiên khởi, sau khi đã gặp được Đức Giêsu rồi lại giới thiệu cho em mình là Simon Phêrô. Philipphê cũng giới thiệu cho Nathanaen sau khi ông đã đi theo Chúa. Động lực thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Đức Giêsu, sau khi đã gặp được Ngài.
- Lại một lần nữa chúng ta gặp ông Gioan. Phải nói ông là người luôn ý thức được sứ mạng của mình là người luôn “đi trước mở đường cho Chúa”, chính vì thế mà hôm nay ông đã khuyên các môn đệ của mình hãy lìa bỏ ông để đi theo vị Thầy mới là Chúa Giêsu. Gioan là người rất quảng đại, không ganh tị. Rõ ràng ông là người đến để đưa người khác đến với Chúa Giêsu chứ không phải với chính ông. Khi Chúa Giêsu đã xuất hiện trên sân khấu thì Gioan hiểu rằng vai trò của ông cần phải dần dần chấm dứt để cho Chúa được nổi bật lên.
Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gioan, chúng ta biết giới thiệu Chúa cho những ai chúng ta gặp gỡ (Mỗi ngày một tin vui).
- Hôm nay Anrê lại giới thiệu Phêrô em mình cho Chúa Giêsu :”Chúng tôi đã gặp Đức Messia (Ga 1,41). Rồi dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê là người luôn đứng ra giới thiệu người khác cho Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, ba lần nhắc đến Anrê đến với Chúa, thứ đến ông dẫn em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, cuối cùng ông đưa những người Hy Lạp thắc mắc đến với Chúa. Anrê rất vui đưa được người khác đến với Chúa. Ông nổi bật như là một người chỉ có mong muốn là chia sẻ vinh quang, ông là người có tâm tình truyền giáo. Sau khi chính mình đã được ở gần Chúa, ông dành trọn đời mình để dẫn đưa người khác bước vào tình yêu thương đó.
Khi Anrê đưa Phêrô đến với Chúa Giêsu, Ngài nhìn ông, đó là một cái nhìn tập trung chăm chú, chẳng những thấy mặt bên ngoài mà còn đọc được cả tâm trí bên trong nữa. Khi nhìn Simon, tên của ông lúc bấy giờ, Ngài bảo :”Ngươi là Simon, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha” (nghĩa là đá). Khi một người có mối liên hệ mới đối với Chúa, cuộc đời người ấy như được bắt đầu lại, trở thành một người mới, nên cần một tên mới…
- Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lại lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác ? Nếu chúng ta gọi Phúc âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những người mà chúng ta biết đang tìm kiếm một niềm tin.
Chúng ta có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Thực tế đã chứng minh : nhiều người trở lại tin Chúa vì thấy đời sống gương mẫu, bác ái của các tín hữu. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều bài giảng hùng hồn.
Người ta thường nói :”Trăm nghe không bằng một thấy”, chính cái hình ảnh tốt đẹp in sâu vào tâm hồn người ta, khiến họ phải suy nghĩ và có một sức lôi kéo mãnh liệt khiến họ không thể chống lại được. Vì thế người ta thường nói :
Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.
- Truyện : Chúa tin tưởng nơi con người.
Có một câu truyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề giới thiệu Chúa cho người khác.
Chuyện kể rằng : sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã phục sinh trở về Thiên đàng trong uy nghi hiển vinh. Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích. Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa. Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề :
– Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó ?
Chúa đáp :
– Đúng vậy.
Thiên sứ hỏi tiếp :
– Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không ?
Chúa Giêsu trả lời :
– Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp :
– Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết ?
Chúa Giêsu đáp :
– Ta đã trao cho Phêrô, Giacôbê, Gioan và các đồ đệ của Ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.
Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ. Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào nên nói tiếp :
– Vâng, nhưng nếu như Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao ? Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao ? Hay như những người ở thế kỷ 21 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao ? Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không
Chúa Giêsu trả lời :
– Không ! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa vẫn tin tưởng những ai tin Chúa.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt