Thứ năm, Tháng Một 2, 2025
spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmLời Chúa Hàng Ngày02/01,Thứ Năm đầu tháng: Thánh Baxiliô Cả và Thánh Nazianzênô.

    02/01,Thứ Năm đầu tháng: Thánh Baxiliô Cả và Thánh Nazianzênô.

    BÀI ĐỌC I: 1Ga 2,22-28

    Các con thân mến, ai là kẻ nói dối, nếu chẳng phải là kẻ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô? Ai không nhận Chúa Cha và Chúa Con, chính nó là Phản Kitô, ai không nhận Chúa Con, thì cũng không được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha. Phần các con, ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời. Ta đã viết những điều này cho các con biết về những người lừa dối các con. Về phần các con, việc xức dầu mà các con đã nhận lãnh nơi Người vẫn ở lại trong các con, nên các con không cần ai dạy dỗ, nhưng như việc xức dầu của Người đã dạy các con mọi sự, và lại là sự thật, chứ không phải sự dối trá, nên như các con đã được dạy dỗ, hãy ở lại trong Người. Và giờ đây, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở lại trong Người, để khi Người tỏ hiện, chúng ta được dạn dĩ, không phải xấu hổ lìa xa Người, lúc Người đến.

    PHÚC ÂM: Ga 1,19-28

    Đây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

    Suy Niệm 1: ‘CON ĐƯỜNG TỔNG HỢP’ CỦA GIOAN TÔNG ĐỒ VÀ GIOAN TẨY GIẢ

    Là chứng nhân trực tiếp biến cố Chúa Giêsu Kitô và là một tâm hồn chiêm niệm thâm sâu, lại có cơ hội chiêm niệm dài lâu, thánh Gioan ở tuổi xế chiều viết sứ điệp cho các tín hữu rất cô đọng và hàm súc. Độc giả hời hợt, chưa đủ chiều sâu kinh nghiệm tâm linh một mức nào đó, có lẽ không hứng thú lắm khi nghe thánh Gioan nói, thậm chí có thể cảm thấy nhàm chán. Nhưng nếu biết dừng lại, chậm lại, nghiền ngẫm kỹ một chút, thì người ta sẽ nhận ra xác tín sâu xa của thánh Gioan và nhận ra những tinh tuý kết đọng trong lời ngài nói. “Ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha… Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời”.

    Ta nhận ra, Gioan rất xác tín về sự cần thiết phải ‘ở lại’ trong Chúa Giêsu, cũng như về Chúa Giêsu là ‘sự sống’ ở trong Chúa Cha. Trong cùng văn mạch này, ta cũng đọc thấy sự khẳng định mạnh mẽ người tín hữu nhận lãnh Thánh Thần của Chúa Giêsu, tức “được xức dầu”, thì sẽ ở lại trong Người là sự thật, và không có sự dối trá! Chúng ta nhớ lại, chính Tin Mừng Gioan cung cấp cho ta thông điệp rõ rệt về Chúa Giêsu là đường, sự thật, sự sống… và về tầm quan trọng sống chết của việc ở lại trong Người! Quan trọng không kém gì thông điệp ‘Thiên Chúa là tình yêu’ vậy!

    Gioan nhắc lại cho các tín hữu cái tinh tuý của sứ điệp Kitô giáo, mà ngài gọi là “điều các con đã nghe từ đầu”. Ta có thể liên tưởng đến lời rao giảng tiên khởi (kerygma) của các Tông đồ về Chúa Giêsu đã chết và sống lại, được Thiên Chúa đặt làm Đấng Cứu Độ, và tất cả việc người ta cần làm là tin và đón nhận Người! Bởi Người là Tình Yêu thương xót nhập thể, là Đường, Sự Thật, Sự Sống…!

    Đó cũng là ‘con đường tổng hợp’, như Đức thánh cha Phanxico nói về con đường tổng hợp của thánh nữ Têresa Hài đồng Giêsu. Nhiều khi chúng ta có cái cám dỗ thích nghe những bài giảng ‘tung hứng ngôn từ’, thích sa đà vào những phân tích nặng mùi hàn lâm cao siêu, hay lan man trong những tiểu tiết lạc xa trọng tâm, mà bỏ qua không chịu nắm bắt điều thực sự là tinh tuý! Ta chỉ ‘like’ cái mình thích nghe, mà không có khả năng ‘like’ điều Chúa thích nói (thường qua những diễn đạt mang tính chất của ‘con đường tổng hợp’)!

    Một Gioan khác, là Gioan Tẩy giả, cũng mang phong cách ‘con đường tổng hợp’ rất rõ. Là người rao giảng, nhưng Gioan Tẩy giả không múa may chữ nghĩa rườm rà. Ông vào thẳng vấn đề (go to the point) cách rõ ràng và trực tiếp. Người ta nghi ông là Đấng Kitô, ông nói ‘KHÔNG’, và ông hướng họ thẳng đến Đấng Kitô đích thực. “Đây là Chiên Thiên Chúa; đây là Đấng gánh tội trần gian!”…

    Dân chúng ‘like’ Gioan. Còn các bậc ưu tú thì dù tò mò hóng nghe Gioan nhưng nhất định không ‘like’! Phải chăng đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ?

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………………….

    Suy Niệm 2:  LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KI TÔ BẰNG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

    Trong cuộc sống thường ngày, có những người thấy cuộc sống qua nhiều nước mắt và đau thương thì lại muốn rút ngắn cuộc đời của mình. Đây là một mâu thuẫn nội tại bên trong con người thời hiện đại của chúng ta. Khi hạnh phúc chúng ta muốn sống thật lâu để hưởng phúc, còn khi đau khổ thì than trách cả ngày sinh của mình và cả những người đã đưa mình vào trong thế giới như ông Job. Tuy nhiên, trong tận thâm sâu của con người lại chứa đựng “bản năng sinh tồn” hay còn gọi là khát vọng được sống và sống lâu. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng muốn sống lâu trăm tuổi! Đó là lời chúc mà chúng ta thường trao cho nhau trong ngày sinh nhật hoặc trong ngày đầu năm. Trong Cựu Ước, người sống lâu để thấy con cái đến mấy đời là người được Chúa chúc lành. Khát vọng sống lâu là động lực giúp con người thực hiện những nghiên cứu y khoa để sáng chế ra những loại thuốc và những phương pháp chữa trị bệnh hữu hiệu để kéo dài sự sống con người. Dù cho khoa học có phát triển đến đâu thì cũng không thể làm cho con người sống mãi! Vậy khát vọng sống mãi, sống muôn đời của con người sẽ bị chôn vùi trong nấm mồ sao?

    Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta câu trả lời về vấn nạn khao khát sống muôn đời của con người. Sự sống muôn đời chính là điều Chúa Giêsu hứa ban ngay từ khởi đầu: “Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời” (1Ga 2:25). Như vậy, sự sống muôn đời của chúng ta chỉ tìm thấy nơi Đức Kitô: “Còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14). Chỉ có những người ở lại trong Đức Kitô, hay đúng hơn, để Đức Kitô ở lại trong họ mới có được sự sống đời đời. Nói một cách khác, con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời của mình trong Đức Kitô. Chỉ khi chúng ta “ở lại trong Người, thì khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1Ga 2:18).

    Điều thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của chúng ta khi làm việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách quy chiếu mọi sự về Chúa Giêsu. Ông không nhận cho mình những danh hiệu mà người khác nghĩ ngài sẽ là. Ngay cả những việc vĩ đại ông làm ông cũng quy chiếu về Chúa. Về phần chúng ta, khi được nổi tiếng, được nhiều người chú ý đến, chúng ta cảm thấy hãnh diện và chúng ta muốn mình trở thành trung tâm mọi sự. Chúng ta thường hãnh diện với tài năng của mình nhưng chúng ta quên mất người ban cho chúng ta những tài năng đó. Đôi khi, chúng ta nhận cho mình những gì không thuộc chúng ta. Điều này nhắc nhở cho những người đã thánh hiến đời mình cho Chúa. Khi chúng ta tuyên khấn, chúng ta đã dâng cho Chúa mọi sự, chúng ta không còn sở hữu gì cho chính mình. Vậy mà trong cuộc sống thường ngày, chúng ta từ từ rút lại những gì chúng ta đã dâng cho Chúa. Thật là đáng buồn: Tặng quà cho người khác hôm nay và ngày mai lấy lại!

    Điều thứ ba chúng ta rút ra từ bài Tin Mừng là làm sao biết chính mình. Nhiều người trong chúng ta mất nhiều thời gian và tiền của để tìm biết mình là ai, nhất là qua tâm lý học. Chìa khoá để biết chính mình trong Tin Mừng hôm nay là “mối tương quan thâm sâu với Chúa Giêsu.” Chúng ta nhận thấy điều này trong hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, người suốt đời chỉ làm chứng cho Chúa Giêsu và chỉ cho mọi người thấy Chúa Giêsu là ai. Bài Tin Mừng ghi lại quá trình biết chính mình của Thánh Gioan Tẩy Giả thật tuyệt vời như sau: Một số người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem đến hỏi:

    • Ông là ai?”
    • “Tôi không phải là Đấng Kitô.”
    • “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”
    • Không phải.”
    • “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”
    • Không.”
    • “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”
    • “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
    • “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”
    • Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

    Chúng ta thấy tiến trình “biết mình” của Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu với việc khẳng định những gì ông ta “không phải là,” để cuối cùng dừng lại với những gì “ông ta là.” Và điều “ông ta là” chính là điều Chúa muốn ông và được tiên báo trong sách Ngôn sứ I-sai-a. Thật vậy, những câu hỏi xoay quanh căn tính và công việc của Gioan Tẩy Giả, nhưng ông không trả lời về bản thân mình, mà luôn quy chiếu về Đức Kitô, Đấng mà ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Người. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều này cho chúng ta hay rằng: Căn tính và công việc của chúng ta sẽ không có giá trị gì nếu chúng không quy chiếu mọi sự về Đức Kitô và làm chứng cho Ngài. Để biết mình là ai, hãy đến với Chúa, Đấng đã “hình thành và thánh hiến con ngay khi con còn trong bụng mẹ” (Ger 1:5).

    Lm. Anthony, SDB.

    ………………………….

    Suy Niệm 3: Gioan làm chứng cho Chúa

    1. Thánh Gioan đang làm phép rửa ở sông Giođan thì có mấy tư tế đến hỏi ông là ai ? Ông trả lời : Tôi không phải là Đấng Kitô. Họ lại hỏi ông có phải là Êlia, là tiên tri không ? Ông đáp : Không. Họ liền bảo ông cho biết ông là ai, để họ về trả lời cho những người biệt phái đã sai họ. Gioan đáp : Tôi là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế như tiên tri Êlia đã báo trước. Họ lại hạch sách : Sao ông làm phép rửa? Gioan cho họ biết: Ông chỉ làm phép rửa trong nước không quan hệ gì. Nhưng có một Đấng cao trọng ở giữa họ mà họ không biết, Đấng ấy có trước ông, và ông không đáng xách dép cho Đấng ấy.
    1. Thánh Gioan đã từng hô hào cho dân chúng dọn đường cho Chúa đến. Hôm nay ngài tự giới thiệu cho người Do thái : Ngài chỉ là người làm chứng và sửa soạn cho Chúa đến. Vì thế Ngài đi rao giảng phép rửa thống hối, từng đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Giođan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh hưởng của ông đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách thắc mắc : Ông này là ai ? Ông có ý đồ gì không ?
      Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai ? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt :”Ông có phải là Đấng Messia không” ? Gioan đã trả lời thẳng thắn : Ông không phải là Đấng Messia, cũng không phải là Êlia, thậm chí không phải  một trong các tiên tri ngày xưa trở lại.  Ông chỉ khẳng định : Ông là sứ giả có trách nhiệm dọn đường cho Chúa thôi. Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu Thế.  Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này : Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, mà họ không biết.
    1. Thánh Gioan Tẩy Giả là người tràn đầy Thần Khí. Nên Ngài có phân định rõ ràng. Ngài biết mình không là gì. Dù bấy giờ Ngài đã nổi danh, được nhiều người mộ mến. Thậm chí người ta còn gọi Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh nhân kiên quyết phủ nhận. Ba lần nói “không” để phủ nhận mọi phù hoa ảo ảnh. Ngài nhận tự bản thân mình chẳng là gì. Có là gì là ở trong Thiên Chúa. Phủ nhận mình là khẳng định Thiên Chúa. Ra khỏi bản thân để ở trong Thiên Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa mà có tất cả. Nhờ ở lại trong Chúa, Gioan đã làm tròn nhiệm vụ. Nên Ngài trở nên cao trọng nhất trong số nam nhân. Và đóng góp phần quan trọng cho công cuộc Cứu Thế thành công. Đem ân phúc lớn lao cho mọi người.
    1. “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
      Khi trả lời cho phái đoàn phỏng vấn, Gioan khiêm nhường trước mặt người ta khi không nhận cho mình cái danh dự mà người ta nghĩ cho mình là có, và cũng khiêm nhường trước mắt Chúa vì ông đã qui hướng danh dự và vinh quang về Chúa. Noi gương thánh Gioan, chúng ta cũng phải khiêm nhường trước những lời khen ngợi của người khác và trước mọi thành công nào đó  để tránh tự mãn, óc tự kiêu và thái độ kẻ cả. Đồng thời phải dựa vào những thành công đó để hướng về Chúa với lòng cảm tạ tri ân và nỗ lực thêm nữa để làm vinh danh Chúa.
    1. Chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như sau : “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Nói khác đi, Gioan đến để làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong cucộc sống.
      Kitô hữu là người được mang danh Chúa Kitô, danh hiệu này đã được thánh Phaolô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở Antiokia. Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô, được đồng hóa với Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Chúng ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Hơn nữa, cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.
      Người Kitô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống thực tế của mình.. Về điểm này, nhà thần học, linh mục Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động :”Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.
      Mục sư Martin Luther King cũng nói :”Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bẳng cuộc sống của mình”. 
    1. Truyện : Hãy nhìn mặt trăng
      Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói :”Kìa là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay Ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”.
      Tin mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy Giả và những biệt phái… Họ đặt ra ba hình ảnh về Gioan : Ông có phải là Đức Kitô không ? Ông có phải là Êlia không ? Ông có phải là tiên tri không ?  Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”.  Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện : không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa (Trích Mỗi ngày một tin vui).

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Gp. Đà Lạt

                                                                                       

     

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com