BÀI ĐỌC I: Ds 6, 22-27
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
BÀI ĐỌC II: Gl 4, 4-7
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
PHÚC ÂM: Lc 2, 16-21
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Suy Niệm 1: HÃY TIN TƯỞNG BƯỚC TỚI, HỠI NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH HY VỌNG!
Ngày Tết Dương lịch, đầu Năm Mới, có lẽ là ngày gắn với nhiều chủ đề nhất đối với các tín hữu Công giáo chúng ta. Bởi đây cũng là Ngày Cầu nguyện cho Hoà bình Thế giới, ngày cuối Tuần Bát nhật Giáng sinh, và là ngày Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa!
Đặc biệt năm nay, ta ghi nhận rằng năm mới Dương lịch này nằm gọn trong Năm Thánh 2025 vốn đã khai mạc cách đây ít ngày trên toàn thế giới (29.12.2024) và sẽ kết thúc vào ngày 6.1.2026. Chủ đề “Những người Hành hương của Hy vọng” của Năm Thánh có thể giúp chúng ta một mối dây liên kết tất cả các ý nghĩa gắn với ngày hôm nay như nói trên, nhất là như được phản ánh trong các yếu tố của Phụng vụ Lời Chúa.
Trước hết, đoạn sách Dân số (6,22-27) và Thánh vịnh 66 (Đáp ca) soi sáng và mở cho chúng ta thấy chân trời đích thực của mọi lời cầu chúc NĂM MỚI mà ta rộn ràng trao nhau trong ngày này. Con người chúc lành cho nhau, nhưng ơn lành – mọi ơn lành chân thực – là của Chúa và đến từ Chúa. Con người chúc lành cho nhau, nhưng dựa vào chính Thiên Chúa, Đấng chúc lành cho những ai đặt tin tưởng vào Ngài. Chúa quay mặt lại, nhìn đến, thương xót, và ban sự BÌNH AN của Chúa cho họ. Tin tưởng vào Chúa, đó chính là đức cậy, là HY VỌNG của người tín hữu.
Vì sự bình an, cũng như mọi ơn lành, là của Chúa, nên ta không thể chúc lành cho nhau mà không hướng về Chúa để cầu xin Chúa đoái nhìn và thương ban. “Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,27); “Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con” (Tv 66,2a). Chính niềm hy vọng – là đức cậy Kitô giáo – sẽ dẫn chúng ta, trong đức tin và đức ái, tiến về phía trước xuyên qua Năm Mới đang mở ra này. Quả thật, bước vào Năm Mới này, với tất cả kinh nghiệm về bao điều bất trắc có thể chờ đón mình, chúng ta đang cảm nghiệm mình là ‘Những người Lữ hành Hy vọng’ – và niềm hy vọng của ta là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ và sự sống vĩnh cửu của ta, là ‘niềm Hy Vọng không làm thất vọng’!
Trong khi đó, lễ Giáng Sinh và Tuần Bát Nhật mà ta còn đang mừng lại nhắc chúng ta rằng ‘niềm Hy Vọng không làm thất vọng’ ấy đã được ban cho mình đây rồi, chỉ cần ta NHẬN RA trong hình hài em bé sơ sinh của Đức Maria, nằm trong máng cỏ. “Khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử” (Gl 4,4tt).
Hôm nay là đúng tám ngày, em bé được đặt tên ‘Giêsu’, cái tên không do con người mà do chính thiên thần của Thiên Chúa mách trước, cho biết rằng em bé là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Và vì thế, Đức Maria là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos)! ‘Giêsu’ nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu’. Được cứu độ, đó không phải là niềm Hy Vọng tối hậu của chúng ta đấy sao?
Chúng ta tạ ơn Chúa, và kính mừng Mẹ đã trao cho chúng ta ơn lành trọng đại nhất, nguồn gốc mọi ơn lành, là món quà GIÊSU, ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người là Hoàng tử Hoà Bình, đã làm cho Mẹ Người thành Nữ Vương Hoà Bình. Đặt mình trong bóng cánh của Mẹ, chúng ta sẽ gắn kết với Con của Mẹ, sẽ cảm nghiệm được Bình An, và chính chúng ta sẽ được thúc đẩy để trở thành những con người góp phần xây dựng hoà bình trong thế giới còn đầy xung đột và chiến tranh này…
Hãy tin tưởng bước tới, hỡi những người lữ hành hy vọng!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………………..
Suy Niệm 2: SUY GẪM TÌNH YÊU THIÊN CHÚA TRONG LÒNG
Chuyện kể rằng: Có một sinh viên vừa tốt nghiệp thủ khoa đi xin việc. Anh ta nộp đơn ở một công ty nổi tiếng. Anh ta vượt qua vòng phỏng vấn thứ nhất, vòng thứ hai, và cuối cùng với tổng giám đốc. Đến ngày phỏng vấn, anh ta hơi lo lắng và cố gắng đoán trước tất cả các tình huống có thể xảy ra. Khi bước vào phỏng vấn, anh thấy vị tổng giám đốc rất thản nhiên. Ông không hỏi anh ta về bằng cấp, chỉ đơn giản nói:
“Có phải Bố anh trả tiền học phí cho anh không?”
“Không, Mẹ tôi vì Bố tôi qua đời khi tôi mới được ba tuổi.”
“Mẹ anh làm nghề gì?”
“Mẹ tôi làm trong một tiệm giặt ủi.”
“Anh cho tôi xem hai bàn tay của anh.”
Anh thanh niên ngạc nhiên, không biết tổng giám đốc muốn gì, nhưng đưa hai bàn tay của mình về phía tổng giám đốc. Đôi bàn tay của anh ta thật trắng và mịn màng.
“Anh có bao giờ giặt đồ không?”
“Thưa không. Mẹ tôi không bao giờ để tôi giặt.”
“Tối nay, khi mẹ anh về, anh vui lòng cầm lấy đôi bàn tay của Mẹ anh và lau sạch. Ngày mai trở lại đây và tôi sẽ quyết định.”
Tối hôm đó, khi mẹ anh trở về, anh cầm đôi bàn tay của mẹ mà nước mắt tuôn trào, đôi bàn tay của mẹ anh sạm đen và chai cứng vì làm việc để cho đôi bàn tay anh được trắng và mịn màng. Anh lau sạch và hôn lên đôi bàn tay của mẹ, đôi bàn tay đã luôn che chở và dẫn dắt anh từng ngày trong cuộc sống. Với cảm xúc dâng trào, anh nói khẽ vào tai mẹ: “Mẹ ơi, con yêu mẹ thật nhiều. Từ nay con sẽ giặt đồ cho mẹ.”
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bắt đầu năm mới với việc tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một trong bốn tín điều về Mẹ Maria được công bố bởi Công Đồng Êphêsô năm 431. Tại sao Giáo Hội cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu tiên của năm mới? Giáo Hội bắt đầu năm mới bằng việc tận hiến chúng ta cho Mẹ vì một trong những tình yêu đẹp nhất trên đời là tình yêu của người mẹ. Hơn nữa, mọi sự sống của con người luôn bắt đầu trong cung lòng của người mẹ. Chính vì vậy, tình yêu một con người có thể cảm nghiệm đầu tiên là tình yêu của người mẹ. Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng nhận thấy ngay cả sự sống trên dương thế của Chúa Giêsu cũng bắt đầu với tình yêu của một người mẹ. Chúng ta có thể rút ra bốn điểm trong Lời Chúa hôm nay để làm kim chỉ nam cho năm mới này.
Thứ nhất, trong bài đọc 1 chúng ta tìm thấy ‘công thức’ của lời chúc mừng cho năm mới. Theo kinh nghiệm thường ngày, chúng ta thường chúc cho nhau “an khang-thinh vượng” và “được nhiều điều như ý” trong ngày đầu của năm mới. Tuy nhiên, trong bài đọc 1, Thiên Chúa truyền cho Môsê nói cho con cái Israel biết nội dung để chúc mừng cho nhau: (1) Chúc được Chúa chúc lành và gìn giữ; (2) được Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thương; (3) được Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an. Nói cách khác, chúng ta chúc nhau có Chúa trong cuộc đời của mình. Thật vậy, mọi sự trên thế gian này nay còn mai mất, chỉ có Chúa luôn ở với chúng ta vì Ngài là vĩnh cửu. Hãy chúc cho nhau có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình năm nay.
Thứ hai, bài đọc hai nói cho chúng ta rằng: Chúa Giêsu đến để chuộc chúng ta khỏi gánh nặng của Lề Luật và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi Chúa là Áp-ba, Cha ơi! Đây là một ngôn từ được Chúa Giêsu sử dụng mỗi khi Ngài đối thoại với Cha của Ngài. Trong khi đối thoại với Chúa Cha, Chúa Giêsu đưa chúng ta vào trong quỹ đạo của tình yêu giữa Chúa Cha và Ngài. Như thế, chúng ta đã không còn nô lệ của tội lỗi. Ngay từ đầu năm, Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta nhân phẩm cao quý của chúng ta: Chúng không phải là những người nô lệ của tội lỗi và thói hư tật xấu, chúng ta là những người thừa kế. Hỡi những người Kitô hữu, hãy nhớ đến phẩm giá cao quý của mình. Chúng ta không phải là những tạo vật đơn hèn. Chúng ta là những người được chuộc lại bằng máu châu báu của Chúa Giêsu. Đừng làm cho hy tế của Chúa Giêsu trở nên vô nghĩa trong cuộc đời chúng ta.
Thứ ba, chúng ta tập trung vào hành động của Mẹ trong bài Tin Mừng hôm nay. Hành động của Mẹ gồm được diễn tả trong ba động từ: Mẹ nghe những điều các người chăn chiên “nói về Hài Nhi,” và ghi nhớ những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Điều này cho thấy Mẹ không nghe gì khác ngoài những gì liên quan đến Chúa Giêsu con của Mẹ; Mẹ không giữ gì trong lòng ngoài những gì liên quan đến những gì của Người Con; và Mẹ chỉ suy đi nghĩ lại những gì liên quan đến Con của Mẹ. Nói tóm lại, Chúa Giêsu chính là “nội dung” cuộc sống của Mẹ. Chúa Giêsu là tất cả của Mẹ. Còn chúng ta, chúng ta thích nghe gì? Chúng ta ghi nhớ trong lòng điều gì? Chúng ta có suy đi nghĩ lại những gì Chúa Giêsu nói không? Chúa Giêsu có phải là tất cả của đời sống chúng ta không?
Thứ tư, không ai gặp Chúa Giêsu rồi ra về với khôn mặt buồn bã. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy hành động của những người chăn chiên cũng được diễn tả với một loạt động từ: Họ hối hả đi, gặp, thấy, kể lại, ra về vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa về những điều họ đã được tai nghe mắt thấy. Các mục đồng, những con người đơn sơ, khi nghe các thiên thần loan báo tin vui của Vị Cứu Tinh, đã vội vã ra đi để gặp, để thấy, để kể lại những kỳ công của Chúa và để rồi ra về với niềm vui và bình an của Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có khát khao được gặp Chúa và kể lại cho Ngài những kỳ công Ngài đã thực hiện trên cuộc đời của chúng ta không? Những người gặp Chúa là những người tràn đầy niềm vui vì Chúa Giêsu muốn niềm vui của Ngài ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn (x. Ga 15:11). Những tâm hồn có Chúa Giêsu ngự trị luôn tôn vinh ca tụng Thiên Chúa với niềm vui bất tận.
Lm. Anthony, SDB.